Diễn đàn ASEM về việc làm, chính sách tại Hà Nội

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Diễn đàn cấp cao ASEM về việc làm và chính sách xã hội với chủ đề “Việc làm và an sinh xã hội - chìa khóa phát triển bền vững cho tất cả mọi người” được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Ủy ban Châu Âu phối hợp tổ chức ngày 24/11, tại Hà Nội.

Diễn đàn nhằm chuẩn bị một bước các nội dung, chương trình nghị sự cho Hội nghị Bộ trưởng về Lao động và Việc làm ASEM lần thứ 4, được tổ chức vào tháng 10/2012, tại Việt Nam.

Gần 100 đại biểu đến từ 33 quốc gia thành viên ASEM cùng đại diện của Ủy ban châu Âu, Ban Thư ký ASEAN, các đối tác xã hội của ASEM và một số bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội, viện nghiên cứu trong nước tham dự Diễn đàn.

Theo các đại biểu, ba thách thức chủ yếu trong tương lai đối với chương trình nghị sự việc làm bền vững gồm an sinh xã hội, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và an toàn lao động, sức khỏe nghề nghiệp. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để đối thoại trong ASEM có thể thúc đẩy mạnh hơn mục tiêu phát triển các sàn an sinh xã hội quốc gia; kết nối giữa việc làm và bảo đảm an sinh xã hội một cách hiệu quả nhất; đề ra chính sách để tạo ra một lực lượng lao động có khả năng thích nghi tốt hơn và tìm được nhiều việc làm hơn trước những biến cố trong thị trường lao động, cũng như chính sách về kỹ năng, việc làm cần có trong bối cảnh chuyển đổi sang nền kinh tế xanh (ít carbon)…

Quan tâm đến việc làm cho thanh niên, chuyên gia Tổ chức Lao động thế giới (ILO) Andrea Salvini cho rằng: chất lượng việc làm và năng suất lao động là vấn đề cần được tính đến, điều này liên quan đến quá trình học tập và đào tạo để đảm bảo thanh niên có được công việc tốt.

Vấn đề việc làm cần được lồng ghép vào chính sách tài khóa tài chính quốc gia, chính sách đào tạo nghề phải gắn với thị trường lao động, xác định được nhu cầu của người sử dụng lao động sẽ lựa chọn chương trình giáo dục, đào tạo phù hợp. Bên cạnh đó, cần giảm bớt rào cản với khu vực doanh nghiệp tư nhân, có chính sách hỗ trợ về lao động và cải cách việc làm, các cơ quan quản lý lao động cần hợp tác với các tổ chức lao động để đưa ra thể chế phù hợp.

Chi phí tiền lương lao động cần được tính toán như một yếu tố đầu ra của thị trường lao động. Khuyến nghị được chuyên gia này đưa ra qua tổng kết điều tra công tác hỗ trợ việc làm đối với thanh niên ở một số nước châu Âu và châu Mỹ là thực hiện dịch vụ tư vấn việc làm, hỗ trợ tài chính khi tìm việc làm, sử dụng quỹ tạo việc làm, huy động sự hỗ trợ, đóng góp của các doanh nghiệp địa phương.

Theo ông Alessandro Goglio đến từ Cơ quan dịch vụ việc làm OECD, tình hình thị trường lao động và việc làm cho thanh niên hiện đã trở nên tồi tệ một cách đáng kể so với năm 2000. Thanh niên bị ảnh hưởng nhiều hơn so với các nhóm đối tượng khác từ 2-3 lần. Ở một số nước, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao liên quan tới kỹ năng nghề, thể chế tổ chức thị trường lao động.

Các nước mới nổi thực hiện chính sách trợ cấp xã hội bằng tiền mặt có điều kiện, các nước phát triển thực hiện tăng cường dạy nghề, kết hợp dạy nghề truyền thống và dạy nghề trên cơ sở việc làm (dạy nghề tại chỗ). Chile và Thổ Nhĩ Kỳ áp dụng hệ thống tài khoản tiết kiệm cá nhân thất nghiệp để bổ sung hoặc thay thế cho các chương trình trợ cấp thôi việc.

Nhiều thực tiễn, điển hình tốt trong lĩnh vực việc làm và chính sách xã hội trong bối cảnh phục hồi khủng hoảng đã được Việt Nam và các thành viên ASEM chia sẻ. Diễn đàn đã gợi mở và đề xuất các giải pháp tăng trưởng mang tính ổn định và bền vững, tạo ra nhiều việc làm tại các nước ASEM./.