Diễn đàn châu Á Bác Ngao: Đề cao vai trò kinh tế châu Á, thúc đẩy quản trị toàn cầu

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Diễn đàn châu Á Bác Ngao (BFA) 2021 được đánh giá là cơ hội vàng để xây dựng lại niềm tin giữa các quốc gia trong quá trình chuyển đổi kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Nhân dịp kỷ niệm 20 năm ra đời, Diễn đàn BFA 2021 có chủ đề "Một thế giới thay đổi: Chung tay tăng cường quản trị toàn cầu và thúc đẩy hợp tác Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI)". Sự kiện kinh tế thường niên này được coi là cơ hội vàng để xây dựng lại niềm tin giữa các quốc gia trong quá trình chuyển đổi kinh tế sau đại dịch Covid-19.

 Diễn đàn BFA 2021 đã khai mạc ngày 18/4 tại thị trấn Bác Ngao, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc hôm 18/4. Ảnh: CGTN

Được thành lập vào đầu thế kỷ 21, Diễn đàn BFA được biết đến với tên gọi "Davos châu Á" và là một tổ chức quốc tế phi chính phủ và phi lợi nhuận có trụ sở tại tỉnh Hải Nam (Trung Quốc), tập trung vào việc thúc đẩy hội nhập kinh tế mạnh mẽ hơn trong khu vực năng động nhất thế giới. Một trong những nội dung quan trọng của Diễn đàn BFA năm nay là vấn đề phát triển kinh tế hậu đại dịch Covid-19. BFA 2021 đã khai mạc ngày 18/4 tại thị trấn Bác Ngao, tỉnh Hải Nam với cuộc họp báo công bố báo cáo có tiêu đề "Triển vọng kinh tế châu Á và Tiến bộ hội nhập".

Báo cáo này, có trích dẫn số liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), dự báo kinh tế châu Á sẽ tăng ít nhất 6,5% trong năm nay, cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ sau khi giảm 1,7% trong năm 2020. Khu vực Nam Á sẽ chứng kiến mức tăng trưởng 9,7% - tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực. Trong khi đó, các nền kinh tế Đông Á dự kiến sẽ tăng trưởng 6,5%.

Báo cáo của BFA lý giải kết quả tích cực này đạt được là nhờ các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19 hiệu quả, việc nối lại hoạt động sản xuất và làm việc có trật tự ở Trung Quốc và Hàn Quốc, cùng một số yếu tố khác.

Các quốc gia châu Á hiện đang chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong kinh tế thế giới. Nếu tính theo sức mua tương đương, nền kinh tế của khu vực này dự kiến chiếm tỷ trọng gần 48% trong nền kinh tế thế giới vào năm 2021, cao hơn mức hơn 45% ghi nhận trong năm 2017. Bất chấp ảnh hưởng từ khủng hoảng Covid-19, các nền kinh tế châu Á đã có nhiều thành tựu và tận dụng cơ hội phát triển. Ví dụ như sáng kiến triển khai những biện pháp mới để tạo thuận lợi cho nền kinh tế kỹ thuật số, thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và hợp tác kỹ thuật số quốc tế.

Đặc biệt, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã từng bước chuyển đổi từ một “công xưởng” kỹ thuật số phụ thuộc vào lao động giá rẻ sang một trung tâm kỹ thuật số dựa vào các ngành công nghiệp sáng tạo. Nền kinh tế kỹ thuật đã trở thành một nhân tố quan trọng trong sự tăng trưởng và phát triển kinh tế của khu vực.

Theo Tổ chức Thương mại Thế giới - WTO, hợp tác kinh tế - thương mại giữa các nước châu Á tiếp tục đi vào chiều sâu với 186 hiệp định thương mại khu vực có hiệu lực, chiếm hơn một nửa tổng số hiệp định toàn cầu. Với Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được ký kết vào tháng 11/2020, các nước kỳ vọng sẽ thúc đẩy hơn nữa quá trình hội nhập kinh tế châu Á.

Diễn đàn BFA 2021 diễn ra từ ngày 18 - 21/4 sau 1 năm không tổ chức vì đại dịch. Năm nay, khoảng 2.600 đại biểu quốc tế dự hội nghị với hình thức chủ yếu là trực tuyến. Theo giới quan sát, các đại biểu tham dự hội nghị mong muốn học hỏi kinh nghiệm, thảo luận về nhiều lĩnh vực, từ biến đổi khí hậu đến kiểm soát đại dịch, cũng như tìm cơ hội đầu tư tại Trung Quốc - nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới đạt tăng trưởng trong năm 2020.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần