Diễn đàn doanh nghiệp và báo chí 2020: Cơ hội hợp tác, phát triển từ khủng hoảng Covid-19

Hoàng Quyết
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm qua, cùng với quá trình phát triển của doanh nghiệp, báo chí vừa là kênh cung cấp thông tin, chuyển tải cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước, vừa là công cụ hữu hiệu để giới thiệu, quảng bá hình ảnh, thương hiệu cho doanh nghiệp.

Đặc biệt, trong bối cảnh của dịch Covid-19, báo chí đã trở thành phương tiện truyền thông có hiệu quả cao nhất trong phòng chống dịch bệnh; phản ánh những kiến nghị của doanh nghiệp - doanh nhân, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh...
Tại “Diễn đàn Doanh nghiệp và Báo chí 2020: Cơ hội hợp tác và phát triển từ khủng hoảng Covid-19” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức chiều 14/7, đại diện các cơ quan chức năng, nhà quản lý và hiệp hội doanh nghiệp đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp, nhằm làm sâu sắc hơn, hiệu quả hơn mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp. 
 Toàn cảnh diễn đàn
Chung sức vì "mối tình chung"
Tại Diễn đàn, TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh đầy rẫy những thông tin đa chiều, nhiều thông tin xấu, độc gây hoang mang dư luận thì những thông tin chính thống trên báo chí đã trở thành điểm tựa cho doanh nghiệp.
Thực tế cho thấy, mối quan hệ hợp tác, đồng hành giữa báo chí và doanh nghiệp luôn có vai trò quan trọng trong tiến trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng và quá trình hội nhập, phát triển kinh tế đất nước nói chung. Báo chí là cầu nối giữa doanh nghiệp và Nhà nước, thông qua thông tin trên các cơ quan thông tấn, báo chí giúp Chính phủ và các cơ quan Nhà nước lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, từ việc thực hiện chủ trương, chính sách để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý điều hành... Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng soi mình trong tấm gương báo chí để có trách nhiệm với hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch VCCI, báo chí cần đưa tin đa chiều, không chỉ dựa vào một nguồn tin một chiều mà cần thêm những ý kiến các bên, từ các chuyên gia. Thông tin chính xác hay không là vấn đề sinh tử với doanh nghiệp. Trong thời gian khủng hoảng và nhạy cảm hiện nay thì số phận của nhiều doanh nghiệp đang rất mong manh, rất cần sự bao dung chia sẻ của dư luận, sự thấu hiểu, công tâm của các nhà báo chân chính.
 Ông Lê Mạnh Hùng – Phó Trưởng ban Ban Tuyên Giáo Trung ương
Đồng tình với ý kiến này, ông Lê Mạnh Hùng – Phó Trưởng ban Ban Tuyên Giáo Trung ương cho rằng, trong xã hội hiện đại, thông tin đóng vai trò rất quan trọng. Thông tin vừa là nguồn lực nhưng cũng đồng thời là động lực. Thông tin cần có tính tích cực, đích thực và có sự kiến giải để làm cho mọi người không chỉ đồng thuận mà còn đồng hành, chung sức vì một "mối tình chung" doanh nghiệp - báo chí.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19, báo chí cần tiếp tục tuyên truyền cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Làm được điều này, thị trường 96 triệu dân không phải thị trường nhỏ, doanh nghiệp có cơ hội phát triển, đất nước có cơ hội phát triển. Vì sự phát triển của đất nước, của doanh nghiệp, lâu nay báo chí đã làm được nhưng cần tuyên truyền sâu sắc, lay động hơn.
Ông Hùng cũng đề nghị cơ quan báo chí, với các chuyên trang, chuyên mục về kinh tế hãy đào tạo đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên am hiểu sâu sắc về kinh tế, có nghiệp vụ báo chí để viết và kiến giải những vấn đề đặt ra, truyền những thông điệp sát với doanh nghiệp. Từ đó cổ vũ doanh nghiệp, đề xuất với Đảng và nhà nước những chính sách tháo gỡ để doanh nghiệp phát triển.
Còn theo ông Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, những năm vừa qua, doanh nghiệp và báo chí đã có mối quan hệ tương hỗ, gắn bó cùng phát triển. Tuy nhiên, cũng có những điều mà cả doanh nghiệp và báo chí chưa thể hài lòng với mình cũng như với đối tác. Tựu chung lại, báo chí và doanh nghiệp vẫn luôn có trách nhiệm với nhau trong sự phát triển chung.
“Trong thời kỳ khủng hoảng do Covid-19, báo chí và doanh nghiệp càng phải đồng hành, hỗ trợ nhau hơn nữa. Báo chí cần tuyên truyền làm sao để gần 100 triệu dân có thể tiêu thụ được hầu hết các sản phẩm của doanh nghiệp trong nước. Để làm được điều đó, phía doanh nghiệp cũng cần phải cố gắng hơn nữa, tạo ra các sản phẩm sáng tạo, độc đáo, giá thành phải chăng, làm hài lòng người tiêu dùng Việt Nam. Có như vậy, doanh nghiệp Việt Nam mới được chỗ đứng vững chắc trên chính đất nước mình” – ông Lợi nói.
Cầu nối hữu hiệu cho doanh nghiệp
Tại Diễn đàn, ông Trịnh Minh Anh – Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế cho biết, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam thể hiện công lao rất lớn của báo chí. "Chúng ta đã có 13 FTA. Với những FTA này, chúng ta đã có quan hệ với gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, đây là cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam" - ông Minh Anh nói.
 Ông Trịnh Minh Anh – Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế
Covid-19 đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu, gián đoạn thiếu hụt nguyên liệu, đồng thời xuất khẩu đứt gãy. Những điều này khiến quý II tăng trưởng chỉ 0,36%, 6 tháng GDP chỉ tăng trưởng 1,81%. Đây là bức tranh không mấy sáng sủa; giảm 30 triệu việc làm. Kinh tế thế giới mức độ tăng trưởng tương đương trước thế chiến thứ II.
“Trước bối cảnh đó, chúng ta thấy rõ hơn được vai trò của hội nhập kinh tế quốc tế. Chính phủ đã và đang khởi động mở cửa dần dần, đón nhận những cơ hội từ các FTA đã ký kết” – ông Minh Anh thông tin.
Chia sẻ tại Diễn đàn, nhà báo Nguyễn Thị Lan Anh – Tổng Biên tập Thời báo Ngân hàng cho biết, từ lâu nay, doanh nghiệp và ngân hàng luôn có sự gắn bó chặt chẽ, bởi doanh nghiệp có thành công thì ngân hàng mới thành công.
Trong đại dịch vừa qua, Thời báo Ngân hàng đã cập nhật thông tin sớm nhất về sự vào cuộc ngay từ đầu mùa dịch của ngành ngân hàng với Thông tư 01/2020/TT-NHNN. Thông tin trên Thời báo Ngân hàng cập nhật đến ngày 22/6/2020 cho thấy, tất cả các tổ chức tín dụng, kể cả công ty tài chính, ngân hàng nước ngoài đều vào cuộc mạnh mẽ, đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hơn 258.000 khách hàng với dư nợ gần 177.000 tỷ đồng; miễn, giảm lãi vay cho hơn 421.000 khách hàng với dư nợ hơn 1,26 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt 1,13 triệu tỷ đồng cho hơn 238.000 khách hàng.
Còn theo ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam, doanh nghiệp hiểu rõ báo chí là quyền lực thứ 4 cung cấp món ăn tinh thần cho xã hội. Đây là nhu cầu tất yếu của xã hội và người đọc yêu cầu món ăn tinh thần đó phải ngày một ngon hơn, đa dạng hơn với nhiều thể loại khác nhau, có những bài chính luận, phản biện và cũng cần có những bài giới thiệu điển hình hay đấu tranh tiêu cực.
"Doanh nghiệp chúng tôi mong sự đồng hành với báo chí. Trong ngành xây dựng và bất động sản, chúng tôi hiện vướng nhiều cơ chế luật pháp, tiếng nói của chúng tôi đến được Chính phủ, Quốc hội chỉ có thể qua báo chí. Đây là điều chúng tôi hy vọng nhiều nhất ở báo chí và coi đây là cầu nối hữu hiệu, chắc chắn. Với những doanh nghiệp chân chính, làm đúng, làm tốt cho xã hội, chúng tôi mong muốn báo chí giới thiệu tới nhiều độc giả hơn nữa" - ông Nguyễn Quốc Hiệp nhấn mạnh.
 Các đại biểu tham dự Diễn đàn

Ông Nguyễn Hồng Long - Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển Doanh nghiệp Trung ương, nhấn mạnh vai trò to lớn của báo chí trong việc truyền đạt thông tin, cầu nối cho doanh nghiệp: “Không cần phải bàn quá nhiều cũng có thể thấy được vai trò to lớn của báo chí trong việc truyền đạt thông tin. Nhất là trong đại dịch Covid-19, nhiều phóng viên, nhà báo đã vào tận những nơi dịch bệnh còn hoành hành để đưa tin, viết bài, để phản ánh chân thực bức tranh xã hội”.
Ông Long cho rằng báo chí đã góp phần phòng chống dịch tốt thì trong công cuộc phục hưng kinh tế, báo chí càng cần có vai trò lớn hơn nữa, khi phải truyền tải thông tin và tạo ra sự công bằng trong sân chơi.
Tại Diễn đàn, TS Nguyễn Sĩ Dũng - Nguyên Phó Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội, Giám đốc Trung tâm Hòa giải Việt Nam nhấn mạnh, điều quan trọng nhất đối với báo chí cũng như đối với doanh nghiệp là cùng đất nước vượt qua suy thoái kinh tế. Báo chí có thể giúp thúc đẩy chính sách, phản ánh tiếng nói của doanh nghiệp tới các cơ quan chức năng.
Đánh giá về vai trò của báo chí với doanh nghiệp, ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội khẳng định đây là mối quan hệ có lợi. Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội luôn đánh giá cáo vai trò của các cơ quan báo chí. Trong quan hệ với báo chí, doanh nghiệp đang nhận được 4 cái lợi khi được nói; được bảo vệ; được tư vấn, hỗ trợ, truyền thông, marketing; và được kết nối với cơ quan quản lý nhà nước.
Trong thời gian tới, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội sẽ tiếp tục duy trì mối quan hệ tốt đẹp với báo chí, đồng thời có những chương trình phối hợp hành động cụ thể, có lộ trình, tiêu chí rõ ràng, cụ thể hơn để mối quan hệ báo chí- doanh nghiệp phát triển ngày càng tốt đẹp, bền vững.
"Sự đồng hành là tất yếu trên con đường phát triển. Báo chí là kênh cung cấp thông tin, truyền tải đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước đến với doanh nhân, doanh nghiệp và người dân trong xã hội. Đồng thời báo chí có vai trò lớn trong giới thiệu, quảng bá hình ảnh thương hiệu cho doanh nghiệp".
Ông Lê Mạnh Hùng – Phó Trưởng ban Ban Tuyên Giáo Trung ương
"Chúng ta đã và đang tạo ra một môi trường đầu tư thông thoáng hơn, thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp. Với một phong cách làm việc mới, có thể thấy, người dân ngày càng tin tưởng vào Đảng, Nhà nước. Chính phủ hành động quyết liệt để đưa ra giải pháp phục hồi kinh tế".
Ông Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam
“Với vai trò cầu nối để chuyển tải việc điều hành chính sách của ngành đến bạn đọc nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng, chúng tôi rất mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác của các doanh nghiệp để góp phần vào sự phát triển chung của doanh nghiệp cũng như sự phát triển lớn mạnh của đất nước”.
 Bà Nguyễn Thị Lan Anh - Tổng Biên tập Thời báo Ngân hàng
"Báo chí là “cô gái đẹp”, nhưng làm sao để doanh nghiệp có thể tiếp cận thoải mái hơn. Trong công việc không thể tránh khỏi những sơ suất nên chúng tôi mong muốn báo chí công tâm, khách quan tìm hiểu, nghe thông tin từ nhiều chiều xem doanh nghiệp làm sai hay do sơ suất. Nếu sơ suất, báo chí hãy góp ý cho doanh nghiệp khắc phục. Đó là mặt rất tích cực của báo chí".
Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần