Thực phẩm sạch dành cho ai?

Bình An (VPMN)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 28/12, tại TP Hồ Chí Minh diễn ra “Diễn đàn kết nối doanh nghiệp- Người Tiêu dùng: Thực phẩm sạch dành cho ai?”

Tiếp nối Hội nghị xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao diễn ra ngày 18/12, “Diễn đàn kết nối doanh nghiệp - Người Tiêu dùng: Thực phẩm sạch dành cho ai?” đã nhận được sự quan tâm của các Bộ, ban, ngành, các doanh nghiệp và cộng đồng xã hội. Giấc mơ thực phẩm sạch cho đời sống hàng ngày với người dân Việt đang được hiện thực hóa.

Tọa đàm tại Diễn đàn kết nối doanh nghiệp- Người Tiêu dùng: “Thực phẩm sạch dành cho ai” diễn ra tại TP Hồ Chí Minh ngày 28/12.
Có thể nói, chưa bao giờ vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm lại nóng bỏng như hiện nay. Mỗi khi ăn, uống bất cứ bất cứ sản phẩm gì, người tiêu dùng luôn lo sợ, liệu có bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm?
Từ thực tế đó, đặt ra yêu cầu cấp thiết hơn phải xây dựng một nền nông nghiệp, mang giá trị cốt lõi, đó là: “Cung cấp sản phẩm sạch đến tay người tiêu dùng, đảm bảo sức khỏe cho nhân dân, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, mở hướng ra cho nông sản Việt Nam xuất khẩu ra thị trường thế giới”.

Nền nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước vấn nạn sử dụng tràn lan thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm…để rồi những sản phẩm mất an toàn vệ sinh đang là hiểm họa đối với cuộc sống người dân. Như đại biểu Trần Ngọc Vinh phát biểu trước Quốc hội: “Con đường từ dạ dày đến nghĩa địa chưa bao giờ ngắn thế” khi ông đặt câu hỏi trong phiên chất vấn Nguyên Bộ trưởng Bộ NN& PTNT Cao Đức Phát ngày 17/11/2015.

“Phải chăng do chính sách chưa đủ răn đe hay do sự thiếu quyết tâm của Bộ, khi hàng năm có hàng chục nghìn cái chết được dự báo trước xuất phát từ thức ăn bị nhiễm độc”, ông Vinh chất vấn.
Sự đồng thuận, nhất trí của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và cộng đồng xã hội thì giấc mơ thực phẩm sạch, an toàn đối với người Việt đang được hiện thực hóa
Theo số liệu của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, “trong 5 năm gần đây, mỗi năm Việt Nam chi khoảng nửa tỷ USD để nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật”. Hàng năm chúng ta đã nhập về tới 100.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật, có tới 90% nhập từ Trung Quốc. Chúng ta nhập tới 4.100 loại khác nhau, thuộc 1.643 hoạt chất hoá học. Bình quân mỗi năm có tới 200. 000 ca ung thư mới, trong số này có tới 70.000 bệnh nhân đã tử vong vì căn bệnh nan y này. Thịt lợn có chất cấm, chuối ngâm thuốc trừ sâu, rau quả có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép… nguy cơ mất an toàn đối với sức khỏe của người dân đang ở mức báo động.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Vũ Văn Tám - Thứ trưởng Bộ NN& PTNT, nhấn mạnh: “Hiện nay, câu chuyện thực phẩm sạch đang là vấn đề nóng bỏng đối với đời sống xã hội, để có được sản phẩm sạch việc xây dựng một nền nông nghiệp hướng tới sức khỏe người tiêu dùng cần có sự đồng thuận của Nhà nước, các bộ, ban, ngành và cả cộng đồng xã hội. Trong đó, nhận thức của người tiêu dùng phải có sự chuyển biến để phân biệt đâu sản phẩm sạch, mua và dùng trong đời sống hàng ngày”.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Như Cường- Phó Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ NN& PTNT), cho biết: “Người tiêu dùng phải thay đổi thói quen tiêu dùng kiểu tiện đâu mua đấy với giá rẻ, nếu không sản phẩm bẩn sẽ hoành hành. Các cơ quan chức năng, các địa phương và doanh nghiệp phải tạo được niềm tin giữ người sản xuất và người tiêu dùng, người tiêu dùng tin tưởng sản phẩm an toàn, sản phẩm tốt, sẵn sàng bỏ ra chi phí cao để tiêu dùng sản phẩm. Cả hệ thống chính trị vào cuộc để đưa ra những địa chỉ, những cơ sở sản xuất tin cậy để người tiêu dùng và nhà sản xuất gặp gỡ nhau”.

Ông Nguyễn Lâm Viên- TGĐ Công ty Vianmit, chia sẻ: “Có thể nói, thực phẩm sạch là câu chuyện không của riêng ai. Để có sản phẩm sạch, trong sản xuất nông nghiệp tuyệt đối không sử dụng hóa chất, từ đó xây dựng nguồn lực biết cách canh tác và chống sâu bệnh bằng phương pháp hữu cơ, đặc biệt phải kết nối chặt chẽ giữa sản xuất và phân phối để sản phẩm sạch đến tay người tiêu dùng”.

Trong phần Tọa đàm tại Diễn đàn kết nối doanh nghiệp- Người Tiêu dùng: “Thực phẩm sạch dành cho ai”, các nhà quản lý, các chuyên gia đều chung ý kiến: Trong vòng 5- 10 năm tới, người dân Việt sẽ được dùng thực phẩm sạch, an toàn. Điều đó hoàn toàn có cơ sở bởi chưa bao giờ, vấn đề thực phẩm sạch nhận được quan tâm của cả hệ thống chính trị, lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, các doanh nghiệp và người dân như hiện nay.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần