Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019: Kích hoạt khát vọng vươn ra biển lớn

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các tập đoàn kinh tế tư nhân một cách chân thành, với tinh thần nói thẳng, nói thật, trách nhiệm.

Thủ tướng Chính phủ kêu gọi DN nên đặt tầm nhìn xa hơn ra thế giới, khát vọng vươn ra biển lớn, ứng dụng đổi mới sáng tạo. “Khu vực này có vai trò hết sức quan trọng của nền kinh tế, cần tìm cách kích hoạt tốt hơn nữa"-Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 tổ chức tại Hà Nội ngày 2/5.
Xác định vị trí xứng đáng cho kinh tế tư nhân
Năm 2018 là năm thứ 4 liên tiếp có số DN đạt kỷ lục. Năm 2018 cũng là năm đã chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của khu vực kinh tế tư nhân. Nhiều tập đoàn tư nhân của Việt Nam đã khẳng định vị trí khi thực hiện nhiều dự án quan trọng, có tầm cỡ thế giới như sản xuất ô tô, xe máy điện, hay triển khai những dự án hạ tầng giao thông từ sân bay, cảng biển, đường cao tốc.
 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu cắt băng khai mạc Triển lãm thành tựu kinh tế tư nhân. Ảnh: Thống Nhất
Đến nay, DN tư nhân Việt Nam đã có sự vươn lên mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, không chỉ tạo đối trọng với khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) mà còn đóng vai trò dẫn dắt trong nhiều lĩnh vực. Đó là các tên tuổi như Vingroup (hoạt động đa ngành); Novaland (bất động sản), Vinamilk, TH Truemilk (sản xuất sữa); Tập đoàn Hòa Phát (công nghiệp thép); Vietjet Air (vận tải hàng không)...
Thủ tướng nhấn mạnh, 30 năm đổi mới, chúng ta cùng nhau chứng kiến những thành quả phát triển kinh tế tích cực. "Trong thành công này kinh tế tư nhân nổi lên là lực lượng quan trọng phát triển kinh tế đất nước, chiếm hơn 40% GDP. Nhiều DN tư nhân khẳng định giá trị thương hiệu của mình và được người dân trong nước tin tưởng" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Từ thực tiễn các nước, Thủ tướng cho rằng, khu vực kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng, các ngành, các cấp cần tìm cách kích hoạt tốt hơn nữa. "Tôi cho rằng nền kinh tế Việt Nam chỉ có thể hùng mạnh khi có những DN tư nhân có thể cạnh tranh toàn cầu"- Thủ tướng nói. Tuy vậy, kinh tế tư nhân đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức.

Tạo môi trường thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển

"Chúng ta phải tạo điều kiện để tư nhân tiếp cận các nguồn lực phát triển, đặc biệt là nguồn lực đất đai, nguồn vốn, lao động. Đồng thời, phải tạo điều kiện để tư nhân tiếp cận khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, kinh doanh. Đó là nội dung cụ thể trong tạo dựng môi trường thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển." - Trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình

Theo báo cáo đánh giá 2 năm thực hiện Nghị quyết 10/2017/NQ –TW của Ban chấp hành T.Ư Đảng khóa XII, chỉ số gia nhập thị trường dù có cải thiện nhưng vẫn đang là vấn đề lớn với nhiều DN, khi năm 2018 có 18% DN cho biết phải chờ hơn một tháng để hoàn thành tất cả các thủ tục nhằm chính thức đi vào hoạt động, 3,5% DN phải chờ hơn 3 tháng.
Báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2018 cho thấy, có đến 34% DN cho biết gặp khó khăn để xin được các loại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Mặt khác, vẫn còn tình trạng phân biệt đối xử rất lớn đối với các DN dân doanh khi có đến 39,5% DN cho biết "tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài hơn là phát triển khu vực kinh tế tư nhân".
Địa phương ưu ái các DN có phần vốn đầu tư nhà nước hoặc DN FDI trong thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai. Ban Kinh tế T.Ư đã liệt kê một loạt vấn đề cần tập trung xử lý ngay trong thời gian tới để cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần tạo động lực cho kinh tế tư nhân phát triển.
4 thông điệp từ Chính phủ
Nhận định còn nhiều rào cản trong nền kinh tế, Thủ tướng gửi 4 thông điệp của Chính phủ tới DN đó là: " tạo bình đẳng", "được bảo vệ", "khích lệ" và "trao cơ hội". “Bình đẳng trước hết kinh tế tư nhân bình đẳng trước pháp luật, cạnh tranh nhất là trong phân bố tiếp cận nguồn lực.
Được bảo vệ quyền tài sản, tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật, đặc biệt là giảm chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra. Được khích lệ nhất là những DN làm ăn chân chính có trách nhiệm với xã hội ngược lại cần lên án những DN làm ăn chộp giật, vi phạm đạo đức kinh doanh.
Cuối cùng là trao cơ hội cho các DN vươn lên, được làm ăn trong môi trường thông thoáng, tới đây sẽ tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hoá DNNN, chống độc quyền DN mở ra cơ hội cho DN tư nhân phát triển bình đẳng”- Thủ tướng nhấn mạnh đồng thời kêu gọi củng cố niềm tin thông qua môi trường bình đẳng, minh bạch, vun đắp tinh thần khởi nghiệp của doanh nhân.
Thủ tướng cho biết, đối với nền kinh tế Việt Nam, để ngành kinh tế đủ lớn, năng động, vươn ra biển lớn, thì ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo là chìa khoá thành công. Đổi mới sáng tạo không chỉ liên quan tới công nghệ mà còn nhiều lĩnh vực khác. Khẳng định Việt Nam có nhiều cơ hội cho thế hệ khởi nghiệp thành công, Chính phủ phải tạo thể chế pháp luật, nhân lực, thị trường.
Cụ thể, về nguồn nhân lực, cần chú trọng số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu CMCN 4.0, mở ra ngành mới, xu hướng mới cho giáo dục như trí tuệ nhân tạo... Bên cạnh đó là chính sách thu hút, giữ chân các nhà đầu tư. Về hạ tầng: Chính phủ và các bộ ngành chú trọng hạ tầng viễn thông thông minh. Về thị trường: cần tạo thị trường mới, thay đổi trong việc mua sắm đổi mới sản phẩm, thử nghiệm mô hình kinh doanh mới.
Thủ tướng cũng cho biết, Chính phủ vừa phê duyệt đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia", thành lập các trung tâm đổi mới, sáng tạo. Năm 2019, Chính phủ sẽ phê duyệt đề án chuyển đổi số quốc gia, tạo tiền đề cho các mô hình khởi nghiệp thành công.
Là cơ quan tham mưu cho Chính phủ, Bộ KH&ĐT cho hay, tới đây sửa đổi Luật DN thì một số điều kiện như gia nhập thị trường sẽ được đơn giản hóa với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. DN chỉ cần qua một cổng duy nhất để hoàn thiện các thủ tục. Cùng đó sẽ nâng cao quản trị số trong quản trị DN...
Trong sự biến chuyển này, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, DN là trung tâm trong phát triển kinh tế số. Đồng thời bày tỏ mong muốn các DN chủ động tìm ra giải pháp ứng dụng công nghệ số, thực hiện chuyển đổi số và tham gia xây dựng các yếu tố nền tảng cho kinh tế số. “GDP Việt Nam có thể tăng thêm 162 tỷ USD nếu chuyển đổi số thành công”- lãnh đạo Bộ KH&ĐT chia sẻ.
Xây dựng những con sếu đầu đàn
Trong bối cảnh hội nhập, độ mở của nền kinh tế là rất lớn, khoảng 200%, thuộc nhóm các quốc gia có độ mở nền kinh tế cao trên thế giới, chịu ảnh hưởng rất nhiều từ các nhân tố tác động từ bên ngoài, thì sự lớn mạnh, vững vàng của khu vực kinh tế tư nhân trong nước là điều kiện tiên quyết để củng cố, phát triển tiềm lực, quy mô của nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng khả năng chống chịu và đẩy mạnh tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế.
Thủ tướng mong muốn các DN tạo nên những thương hiệu nổi tiếng, có thể vươn tầm thế giới sẽ góp phần đưa tên tuổi Việt Nam ra toàn cầu. "Các DN cần có tinh thần dân tộc, tình yêu nước mới có thể phát triển bền vững"- Thủ tướng nhấn mạnh.
Kinh tế tư nhân phải là một khu vực kinh tế với sự kết hợp hài hòa và hữu cơ giữa các DN nhỏ và vừa với các DN/tập đoàn tư nhân lớn, có thương hiệu và năng lực cạnh tranh quốc tế; dẫn đầu trong đổi mới sáng tạo và tăng trưởng; có tác động lôi kéo, thúc đẩy sự phát triển của toàn bộ khu vực kinh tế tư nhân.
Có nhiều câu chuyện về kinh tế tư nhân, DN khởi nghiệp thành công. Đó là động lực để phát triển kinh tế tư nhân, tạo sức mạnh mềm để Việt Nam có thể vươn tầm thế giới. Không chỉ vì mục đích tìm kiếm lợi nhuận, nhiều dự án của DN tư nhân còn mang khát vọng đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Bà Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty cổ phần Hàng không Vietjet chia sẻ, muốn tạo ra một hệ sinh thái hàng không đa quốc gia, không chỉ đơn thuần phục vụ nhu cầu di chuyển của hành khách, hàng hoá, mà còn muốn tạo ra một hệ sinh thái riêng trên nền tảng công nghệ, đồng thời ưu tiên tập trung xây dựng quy hoạch phát triển hạ tầng sân bay, nhà ga, tạo điều kiện cho các tập đoàn kinh tế tư nhân có tiềm lực được tham gia, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng sân bay.
Góp phần ghi tên ngành sữa Việt Nam trên bản đồ sữa thế giới khi sản xuất sữa theo chuỗi khép kín từ đồng cỏ xanh đến ly sữa sạch, TH Truemilk là mô hình điển hình cho nền sản xuất nông nghiệp 4.0 hiệu quả tại Việt Nam. Bà Thái Hương nhà sáng lập Tập đoàn TH kiến nghị, xây dựng chuỗi giá trị cho nông nghiệp, đề xuất các bộ giám sát bộ tiêu chuẩn quốc gia với các sản phẩm nông nghiệp.
Bàn về được và mất khi hội nhập quốc tế, Tổng Giám đốc Thaco Trường Hải Phạm Văn Tài cho biết, nền kinh tế ngày càng mở và hội nhập, nhất là sau khi tham gia các hiệp định thương mại tự do như CPTPP... thách thức rất lớn là nguồn nhân lực và lực lượng lao động. "Chúng tôi mất chi phí, nhưng được một đội ngũ nhân lực được đào tạo ngang hàng với nhiều tên tuổi trên thế giới” đại diện Thaco chia sẻ.
Trong phần hiến kế của Vingroup, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup, phụ trách VinFast Võ Quang Huệ cho rằng, các DN tư nhân có thể đóng góp hơn nữa cho GDP và tạo ra nhiều việc làm nếu sẵn sàng đổi mới sáng tạo và được hỗ trợ về cơ chế, chính sách để đầu tư vào những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, mức độ lan tỏa lớn và áp dụng phương thức sản xuất hiện đại. Ông cho biết, bản thân rất hưng phấn khi nhìn lên diễn đàn có hai chữ khát vọng và mong rằng các doanh nhân hãy có khát vọng cho chính bản thân mình, cho tổ chức mình và cho một Việt Nam thịnh vượng. 

Cần thêm những chính sách để bứt phá

Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2019 đã thu hút hơn 4.000 lượt người tham dự. Diễn đàn đã ghi nhận những đóng góp, cũng như nhiều kiến nghị được nêu ra trong các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế.

Thủ tục hành chính vẫn còn gây phiền hà

"Có thể môi trường kinh doanh trong nước vẫn chưa thật sự thuận tiện, thiếu tính an toàn, thủ tục hành chính vẫn còn gây phiền hà, chi phí chính thức và không chính thức vẫn còn rất lớn. Một bất cập nữa vẫn tồn tại trong thời gian qua mà chúng ta chưa giải quyết được đó là hệ thống thiết chế pháp lý. DN tư nhân không thể có những hoạt động đầu tư kinh doanh thuận lợi và an toàn khi mà hệ thống thiết chế pháp lý vẫn đang kém hiệu quả. Đây chính là những rào cản đối với hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh của DN tư nhân." - Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc


Bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với linh kiện xe hơi sản xuất tại Việt Nam

"Hiện xe du lịch sản xuất trong nước đang phải cạnh tranh rất gay gắt và không cân xứng với các nước Thái Lan, Indonesia có thị trường ô tô nội địa lớn hơn Việt Nam nhiều lần (1,5 triệu xe mỗi năm còn Việt Nam mới đạt 300.000) và có lịch sử phát triển từ rất lâu (trên 50 năm). Chúng tôi kiến nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội trong năm nay về chính sách không tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với linh kiện phụ tùng sản xuất trong nước nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ và giảm giá thành." - Tổng Giám đốc Tập đoàn Trường Hải (THACO) Phạm Văn Tài


Nếu được giao, doanh nghiệp tư nhân chỉ mất 10 năm làm đường sắt cao tốc Bắc - Nam!

"DN tư nhân ghi nhận dấu ấn chuyển mình rõ nét về Chính phủ điện tử, môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm thủ tục, chi phí… Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng đầu tư trên trải thảm dưới rải đinh.

DN tư nhân muốn làm những cái lớn, cụ thể. Họ muốn làm sân bay Long Thành và đặc biệt đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Nếu được giao, họ cam kết sẽ không mất 30 năm mà đâu đó chỉ khoảng 10 năm. Đây là nỗ lực mà khối DN tư nhân sẵn sàng nhận nhiệm vụ trước Chính phủ." - Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình