Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam: Hiện thực hóa khát vọng “hóa rồng”

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 9/5, Bộ TT&TT đã tổ chức Diễn đàn phát triển DN công nghệ Việt Nam với chủ đề “Khát vọng, tầm nhìn và định hướng phát triển vì một Việt Nam hùng cường” cùng khẩu hiệu hành động “Make in Vietnam”. Tham dự có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và gần 1.000 đại biểu đại diện các bộ, ngành, DN công nghệ và công ty khởi nghiệp hàng đầu của Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham quan sản phẩm công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh: Thống Nhất
Tại diễn đàn, các chuyên gia nhận định, việc phát triển mạnh cộng đồng DN công nghệ được xác định là động lực chính giúp Việt Nam tăng trưởng kinh tế cũng như thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.
Thông điệp “Make in Vietnam”

Trong phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã khẳng định: “Make in Vietnam” sẽ là tuyên bố chung của ngành công nghệ Việt Nam, chúng ta sẽ sáng tạo, thiết kế và sản xuất ngay tại Việt Nam. Đây cũng chính là tương lai phát triển của Việt Nam bởi nếu chỉ có lắp ráp và gia công như trước đây, Việt Nam sẽ không thể giải được bài toán năng suất lao động và thoát bẫy thu nhập trung bình.

Hiện nay công nghệ là con đường nhanh nhất và hiệu quả nhất, thậm chí là duy nhất cho sự phát triển của các DN. Như đối với Vingroup, sau 8 tháng chuyển đổi số, Tập đoàn đã đạt được nhiều kết quả ở hầu hết các mảng kinh doanh như Vintech, Vinfast hay VinSmart.

Tuy nhiên, khó khăn đối với DN sản xuất sản phẩm công nghệ là đòi hỏi chi phí khá lớn, lợi nhuận thu hồi lâu nên rất cần sự hỗ trợ từ Nhà nước. Do đó, Nhà nước cần thúc đẩy, tạo động lực và thậm chí là buộc những DN phải chuyển đổi số. Bên cạnh đó, mở rộng chính sách ưu tiên thị trường cho những DN lớn.

Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Lê Thị Thu Thủy

"Muốn hiện thực hóa được mục tiêu "Make in Vietnam", mấu chốt là nằm ở chỗ phải phát triển được cộng đồng các DN công nghệ. Đây được xem là nhóm có đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế cả ở hiện tại và tương lai. Do đó, việc nhân rộng cũng như nâng tầm DN công nghệ Việt Nam đang được coi là ưu tiên số một" - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.
Để có được các DN công nghệ, theo Bộ trưởng Bộ TT&TT, điều quan trọng nhất là tạo ra thị trường và quá trình chuyển đổi số quốc gia mà Việt Nam đang triển khai trên phạm vi toàn quốc. Trong đó Chính phủ là bên chi tiêu lớn nhất, nếu như việc mua sắm này hướng vào các sản phẩm công nghệ thì đây sẽ là tiền đề để phát triển cũng như khai sinh ra các công ty công nghệ. Người đứng đầu Bộ TT&TT cũng bày tỏ kỳ vọng vào sự góp sức của các tập đoàn, DN lớn trong nước có nguồn lực tài chính phát huy tinh thần khởi nghiệp, đầu tư vào phát triển công nghệ để từ đó hình thành các DN công nghệ. Đây không chỉ là lời kêu gọi mà còn là trách nhiệm đối với sự hưng thịnh của đất nước cũng như tương lai của các tập đoàn, DN.
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ, Việt Nam đã có 30 năm chuyên lắp ráp, gia công, hiện tại đã đến lúc chúng ta có đủ điều kiện để chuyển sang sáng tạo các sản phẩm công nghệ Việt. Tuyên bố "Make in Vietnam" sẽ được biến thành hiện thực. Việt Nam sẽ chủ động từ sáng tạo, thiết kế, chế tạo cho đến công nghệ trong mỗi sản phẩm mà chúng ta làm ra.

DN phần mềm Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực để giải quyết các bài toán lớn đặc thù cho Việt Nam mà các DN nước ngoài không thể làm được.

Chúng ta hoàn toàn có thể làm chủ và ứng dụng thành công các công nghệ mới nhất như Blockchain, AI, Machine Learning... vào các sản phẩm. Sản phẩm làm ra không chỉ sử dụng tốt ở trong nước mà còn có thể bán được ở nước ngoài.

Chủ tịch Công ty MISA Lữ Thành Long

Hiện tại, Việt Nam có phần lớn công nghệ là được mua từ nước ngoài, còn công nghệ nguồn tự làm ra rất ít. Thực trạng này phải thay đổi, trong tương lai, Việt Nam không chỉ hấp thụ, làm chủ công nghệ mà cần phát minh, sáng chế công nghệ. Đó là con đường duy nhất dẫn đến một Việt Nam hùng cường. Sử dụng công nghệ của nhân loại để giải quyết vấn đề Việt Nam, bài toán Việt Nam, để từ đó vươn ra giải quyết bài toán toàn cầu.
Người đứng đầu Chính phủ cũng khẳng định, DN công nghệ là hạt nhân để thực hiện khát vọng Việt Nam "hóa rồng". Với sự lan tỏa của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng như nền kinh tế số, DN công nghệ được xác định đóng vài trò bản lề cũng như động lực mới để phát triển nền kinh tế Việt Nam. Dư địa cho DN công nghệ Việt Nam phát triển là rất lớn với thị trường gần 100 triệu dân cũng như công nghệ đi vào mọi ngõ ngách, quá trình chuyển đổi thành quốc gia thông minh đang được tiến hành liên tục. Nhưng theo Thủ tướng Chính phủ, thời gian là không chờ đợi, đặc biệt là trong thời đại kỹ thuật số. Do đó, không chỉ Chính phủ mà các DN công nghệ cần phải hành động nhanh hơn nữa, liên tục đưa ra các giải pháp đổi mới sáng tạo nhằm đưa công nghệ là lực lượng chủ đạo đổi mới mô hình tăng trưởng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chia sẻ thêm, Chính phủ và các bộ, ngành sẽ sớm ban hành chiến lược chuyển đổi số quốc gia nhằm tạo thị trường cho các DN công nghệ. Đi đôi với đó là hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh để tạo điều kiện cho DN phát triển.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm các gian hàng công nghệ. Ảnh: Tiến Thành
Lời giải để Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình
Nằm trong khuôn khổi Diễn đàn, phiên thảo luận về "Doanh nghiệp công nghệ giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình" đã thu hút được rất nhiều sự chú ý. Không chỉ có chuyên gia trong nước, mà ngay cả những tên tuổi uy tín quốc tế cũng đều đưa ra khẳng định, DN công nghệ chính là chìa khóa quan trọng giải quyết bài toán thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, chuyên gia từ Fulbright Việt Nam, trong khoảng 20 năm trở lại đây, Việt Nam đang là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhưng chưa ổn định. Để thay đổi, Việt Nam có thể mất thêm 50 năm nữa nhưng nếu tập trung vào DN công nghệ, quá trình này chỉ kéo dài trong khoảng 10 - 20 năm. "Ví dụ cho nhận định trên là trong vòng 10 năm trở lại đây, các DN công nghệ đã đóng góp từ 10 - 15% trong cơ cấu GDP. Tốc độ tăng trưởng của các DN công nghệ thường gấp 2,5 lần tốc độ tăng trưởng GDP bình quân. Các DN công nghệ có thể giúp các nước thu nhập trung bình gia tăng năng suất lao động từ 0,8 - 1,4% cũng như gia tăng đáng kể tốc độ phát triển kinh tế" - ông Thành khẳng định.

Môi trường khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam đã phát triển mạnh nhưng vẫn tồn đọng những bất cập. Chính sách áp dụng cho các startup còn khá khắt khe, một số DN nước ngoài chưa tuân thủ các chính sách trong nước, nếu không thay đổi những vấn đề này thì chúng ta không làm chủ được công nghệ.

Để vươn tầm khu vực, chúng ta phải có nền tảng trong nước và phải nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ, không để mất thị trường nội địa cho các DN nước ngoài, để công nghệ có thể ứng dụng vào nhiều lĩnh vực đời sống.

Tổng Giám đốc Be Group Trần Thanh Hải

Chuyên gia từ Fulbright Việt Nam hiến kế, để phát triển được các DN công nghệ, Chính phủ cần hội tụ những DN ở các ngành nghề nòng cốt, tập trung vào một chỗ và cùng hoạt động dưới cơ chế chung. Nhà nước sẽ dồn lực hỗ trợ cho cụm DN này. Bên cạnh phát triển cơ sở hạ tầng, thị trường còn cần tạo điều kiện cho các quỹ đầu tư nhằm tạo ra các startup có giá trị.
Chia sẻ từ bài học của Hàn Quốc, GS Yongrak Choi - Nguyên thành viên Ban cố vấn của Tổng thống Hàn Quốc cho rằng, phát triển kinh tế - xã hội phải gắn liền với việc phát triển DN công nghệ. Chính hướng đi này đã khiến nền kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng vượt bậc khi GDP năm 2017 đạt hơn 1.500 tỷ USD, gấp 765 lần so với năm 1960. Chính phủ Hàn Quốc cũng xác định đây là động lực tăng trưởng quan trọng cũng như ngành mũi nhọn để dẫn dắt nền kinh tế trong nước. Điểm cốt lõi tạo nên sự chuyển mình mạnh mẽ của Hàn Quốc là thay đổi thành công từ nhập khẩu công nghệ sang tự chủ công nghệ. Cùng với đó là việc tái cấu trúc sản xuất, chuyển từ khai thác tài nguyên vào những năm 60 của thế kỷ trước sang công nghiệp nhẹ ở những năm 70 và tới hiện tại là tập trung thành cường quốc công nghệ.
GS Yongrak Choi nêu ví dụ rõ ràng nhất là trường hợp của Samsung. Thời gian khởi đầu Samsung chỉ có thế mạnh là nhập khẩu công nghệ nhưng sau đó hãng đã đầu tư nguồn lực rất lớn nhằm học hỏi công nghệ từ nước ngoài. Thành quả là chỉ 10 năm sau, Samsung đã trở thành một trong những tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới với phần lớn công nghệ đều do chính mình sáng tạo ra.
Thêm vào đó, nhằm tạo điều kiện phát triển DN công nghệ, Chính phủ Hàn Quốc đã có nhiều chính sách ưu đãi nhằm phát triển hạ tầng, đầu tư R&D (nghiên cứu và phát triển), tăng cường trình độ nhân lực... kết hợp với những chính sách dài hạn như quy hoạch lĩnh vực CNTT, phát triển các chương trình quốc gia về công nghệ. Đối với Việt Nam, GS Yongrak Choi đưa ra khuyến nghị, cần hỗ trợ cũng như tích hợp mạnh khoa học công nghệ vào nền kinh tế. Song song với đó là tập trung nguồn lực cho R&D và phát triển nguồn nhân lực. "Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần kết hợp tốt hơn với DN, cùng theo đuổi tăng trưởng theo hướng lâu dài thay vì ngắn hạn. Đặc biệt, có những khoản bảo lãnh để DN yên tâm hơn khi đầu tư vào các lĩnh vực mạo hiểm nhưng có cơ hội thành công trong tương lai" - GS Yongrak Choi chia sẻ.
Đồng tình với ý kiến của các chuyên gia, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định, công nghệ là nhân tố chính để Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình và trở thành quốc gia phát triển. Việt Nam xác định rõ mục tiêu, muốn tăng thu nhập trung bình phải tập trung vào phát triển DN công nghệ, làm chủ công nghệ có năng lực phát minh ra những công nghệ mới, đi đầu trong thiết kế, sản xuất chất lượng cao. Thủ tướng cũng đồng ý với chủ chương xây dựng thí điểm các khu công nghiệp công nghệ tập trung, tạo điều kiện cho DN phát triển. Bên cạnh đó, lĩnh vực đào tạo cũng sẽ được chú trọng hơn trong thời gian tới, cải thiện chính sách thu hút nhân lực nước ngoài tới Việt Nam làm việc và kêu gọi DN hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm nhằm tạo ra các startup có giá trị.

Công nghệ số sẽ giúp Việt Nam cất cánh nhưng để làm được điều đó, mỗi DN cần chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ hướng tới chuẩn quốc tế World Class. Điều này vừa bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong nước, vừa nâng cao sức cạnh tranh, xuất khẩu. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có lộ trình và chiến lược để hỗ trợ DN công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, trở thành trụ cột nền kinh tế quốc dân, vươn tầm thế giới.

Chủ tịch Tập đoàn CMC Nguyễn Trung Chính

Việt Nam hoàn toàn có thể làm được như các nước phát triển công nghệ trên thế giới khi sở hữu hàng trăm công ty khác trong nhiều lĩnh vực cùng đội ngũ hàng trăm nghìn lập trình viên. Nhưng nếu các nước có nhiều chính sách phát triển ưu đãi về thuế, các chính sách, quy định thì tại Việt Nam còn nhiều hạn chế. Do vậy, Nhà nước cần coi ngành nội dung số là ngành kinh tế trọng điểm, phát triển thị trường trong nước bằng cách coi trọng các công ty Việt phục vụ thị trường Việt Nam, coi trọng các công ty có tiềm năng xuất khẩu sản phẩm/dịch vụ công nghệ trọn gói ra quốc tế.

Tổng giám đốc Công ty VCCorp Nguyễn Thế Tân

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần