Diện mạo mới từ quy hoạch đô thị

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, Thủ đô Hà Nội đã có sự “thay da đổi thịt” mạnh mẽ, từ hệ thống cơ sở hạ tầng, các thiết chế xã hội, chỉ số phát triển kinh tế…

Công tác quản lý đô thị nói chung, quy hoạch đô thị nói riêng đã có tác động tích cực đến việc tái cấu trúc không gian đô thị và thích ứng với việc mở rộng địa giới hành chính của Thủ đô.
Hạ tầng ngày càng hiện đại

“Mỗi khi đưa những vấn đề về quản lý đô thị của Hà Nội ra bàn thì chúng ta thường mổ xẻ vấn đề giao thông tắc nghẽn, ô nhiễm môi trường, đạo đức lối sống xuống cấp… mà ít nhắc đến những quy hoạch mới đã làm thay đổi mạnh mẽ diện mạo đô thị của Thủ đô, góp phần trực tiếp vào phục vụ đời sống người dân ngày càng trở nên tốt hơn” - PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Minh – Chủ nhiệm Khoa các Khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ.
 Đại lộ Thăng Long.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Minh, sự thay đổi lớn nhất của Thủ đô trong khoảng 10 năm trở lại đây chính là thay đổi về không gian kiến trúc đô thị. Với sự chung tay, góp sức của nhiều nhà đầu tư, Hà Nội đã và đang xây dựng được hệ thống các khu đô thị lớn, hiện đại như Vinhomes Riverside, Ecopark, Times City – Park Hill, Royal City, Khu đô thị Nhật Tân – Nội Bài. Dự án siêu đô thị ven sông Hồng cũng đang được tái khởi động. Cùng với đó là hệ thống các đô thị vệ tinh hình thành theo dạng đô thị thông minh được mọc lên ở các khu vực tập trung lượng dân cư đông và có hệ thống các dịch vụ phát triển mạnh mẽ như Văn Quán, Mỹ Đình, Mỗ Lao, An Khánh, Việt Hưng, Linh Đàm, Garmuda, Ciputra, Trung hòa Nhân Chính…

Bên cạnh việc thay đổi về kiến trúc, cảnh quan, Thủ đô đã có sự thay đổi mạnh mẽ về hệ thống hạ tầng công cộng, trong đó có hạ tầng giao thông. So với thời điểm mới mở rộng năm 2008, Hà Nội đã xây dựng được hệ thống giao thông kết nối với các tỉnh, thành lân cận, đường vành đai, đường trên cao, xây mới và mở rộng nhiều tuyến đường để giải quyết các điểm nóng về giao thông nội đô, với 223km đường mới được đưa vào sử dụng. Sắp tới Hà Nội sẽ đưa vào vận hành hệ thống đường sắt trên cao.

"Bộ mặt đô thị của Thủ đô đã thay đổi mạnh mẽ với nhiều khu đô thị hiện đại, hệ thống kết nối giao thông theo các tuyến tạo thuận lợi đi lại cho người dân. Đặc biệt an ninh trật tự của TP được đảm bảo hơn rất nhiều so với các tỉnh, TP khác." - Tiến sĩ Nguyễn Chiến Thắng - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

“Một trong những điểm nhấn về thay đổi hạ tầng giao thông của Thủ đô là việc xây dựng hệ thống cầu vượt, hầm chui ở những nút giao thông trọng yếu đã giải quyết rất tốt bài toán về ùn tắc giao thông. Và không thể không nhắc đến việc áp dụng công nghệ 4.0 vào điều hành hệ thống tín hiệu giao thông, thời gian đi - dừng đều được điều khiển một cách hợp lý, khác nhau vào giờ cao điểm hoặc thấp điểm” - PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Minh nói.

Ngoài ra, các công trình dân sinh khác cũng đã hoàn thành và đang tiếp tục triển khai, như Dự án thoát nước Hà Nội đã hoàn thành giúp cho diện tích úng ngập ít hơn; Chương trình trồng 1 triệu cây xanh giai đoạn 2016 – 2020 đã và đang được thực hiện; Dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (huyện Thanh Trì) sẽ thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt trên diện tích hơn 4.800ha của 7 quận huyện và sông Tô Lịch, Sông Lừ, Sông Nhuệ đã được khởi động, dự kiến hoàn thành vào năm 2019… là những điểm nhấn đáng được ghi nhận.

Thị trường bất động sản phát triển

Theo số liệu của Văn phòng UBND TP Hà Nội, từ khi mở rộng địa giới hành chính đến nay, thu nhập bình quân đầu người của Thủ đô tăng 2,3 lần từ 1.697 USD lên 3.910 USD, kinh tế tăng trưởng đạt bình quân 7,41%/năm. Quá trình mở rộng địa giới hành chính của Thủ đô đã giúp cho thị trường bất động sản (BĐS) phát triển mạnh mẽ, số lượng nhà ở tăng nhanh. Nhờ vậy, người dân Thủ đô và các tỉnh, thành lân cận đến sinh sống, làm việc đã có điều kiện mua được nhà để ở.

Trong định hướng phát triển các khu dân cư và đô thị mới, Hà Nội sẽ có một chùm các đô thị trung tâm với 5 đô thị vệ tinh: Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên, Sơn Tây, Sóc Sơn và Vành đai 4 ở hai bên bờ sông Hồng. Với định hướng này sẽ giúp giảm được mật độ dân cư trong nội đô và giảm sức ép đến hạ tầng và dịch vụ. Đến nay, TP đã phê duyệt 57/68 đồ án quy hoạch chung và phân khu; 136 đồ án quy hoạch chi tiết khu chức năng đô thị, hai bên tuyến đường, các dự án hạ tầng xã hội, kỹ thuật đô thị trong tổng số 329 đồ án được kiến nghị cho phép tiếp tục triển khai.

Nhiều "đại gia" BĐS trong và ngoài nước đã tham gia vào thị trường Hà Nội, như Vin Group, Sun Group, FLC Group, Pernada Parkcity Group (Malaysia)… đã mang đến cho người dân Thủ đô nhiều lựa chọn hơn về nhu cầu nhà ở và các dịch vụ dân sinh khác. PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Minh nhấn mạnh: Sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, Thủ đô Hà Nội đã có sự “thay da đổi thịt” mạnh mẽ. Công tác quản lý đô thị nói chung và công tác quy hoạch đô thị nói riêng đã có tác động tích cực đến việc tái cấu trúc không gian đô thị và thích ứng được với việc mở rộng địa giới hành chính của Thủ đô.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần