Điện năng tiêu thụ lớn hơn 30% sẽ yêu cầu phúc tra

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Điện và câu chuyện hóa đơn tiền điện đang trở thành tâm điểm của thời gian vừa qua. Để lý giải về vấn đề này, chiều 14/7, Câu lạc bộ Cafe Số (Hội Truyền thông số Việt Nam) tổ chức Tọa đàm “Câu chuyện chỉ số công tơ và hóa đơn tiền điện tăng cao”.

Tại sự kiện, các diễn giả, chuyên gia, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội (EVN HANOI), Hội Bảo vệ Người tiêu dùng, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Việt Nam đã có những chia sẻ về câu chuyện chỉ số công tơ và hóa đơn tiền điện tăng cao.
Công nhân EVN HANOI kiểm tra đường dây điện trong đại dịch Covid-19. Ảnh: Khắc Kiên
Theo Trưởng ban kinh doanh của EVN Nguyễn Quốc Dũng, tháng 6/2020, tổng sản lượng 19,76 triệu kWh, tăng 4,14%so cùng kỳ và tăng 12,19% so với tháng 5 trước đó. Điện sinh hoạt tháng 6 tăng 12,84% so với cùng kỳ và so với tháng 5/2020, tăng tới 18,12%. Ở đây thì mang tính quy luật. Đối với toàn bộ điện của EVN, đến tháng 7 mới là mức sử dụng điện sinh hoạt lớn nhất, hiện tại điện tăng rất cao rồi 12,84%.
Riêng với Hà Nội tháng 6 tăng rất cao. Tại miền Bắc, tăng trưởng 15,49% so với tháng 6 cùng kỳ, với tháng 5 trước đó, hiện tại bước vào mùa mưa nên phụ tải sinh hoạt bắt đầu giảm.
Việc kiểm soát ghi chỉ số công tơ được thống nhất toàn EVN và các đơn vị thành viên, quản lý trên phần mềm CMIS.3.0; vừa rồi đã tổ chức đoàn đi kiểm tra, thì công tác này được thực hiện tốt. Chỉ số công tơ cơ, khi công nhân ghi chỉ số hoặc ghi từ xa, khi chỉ số vượt trên 30% thì có cảnh báo. Rõ ràng là điện năng tiêu thụ đang lớn hơn 30% sẽ yêu cầu phúc tra, thực hiện ngay tại hiện trường và có thể xem các hình ảnh chụp được.
Nếu ở nhà muốn kiểm tra thì bắt buộc phải quay lại để kiểm tra tại hiện trường. Danh sách phúc tra đều được thực hiện tự động bằng CMIS. Riêng với công tơ cơ thì có ảnh chụp, còn với công tơ điện tử thì có số liệu theo từng ngày một. Với hóa đơn sai hỏng trong thời gian tháng 6, có 6.271 khách hàng chiếm 0,22%; các trường hợp hủy hoàn toàn là 519 trường hợp, hủy bỏ lập lại, truy thu do sai là 1.249 trường hợp,...
Việc ghi chỉ số bằng con người, bằng máy tính bảng, đôi khi sai sót có thể xảy ra, và không mong muốn. Có thể làm tăng lên hoặc giảm đi. Có 2 trưởng hợp: Truy thu, khách hàng 10 thì chỉ ghi đến 9 thì còn 1 phải thu thêm. Ngược lại hoàn tiền, thì do ghi sai thì phải trả lại tiền cho khách hàng.
Có một số nguyên nhân dễ dẫn đến ghi sai do đọc sai chỉ số định kỳ, hoặc khách hàng báo sai chỉ số. Đặc biệt là miền Nam, công tơ để trong nhà khách hàng nhiều, khi chúng ta đến, không gặp được khách hàng để đọc chỉ số cong tơ, công nhân tạm tính bằng tháng trước. Sau đó phải gặp khách hàng để chuyển công tơ sang vị trí dễ đọc. Nếu không gặp được khách hàng thì việc tạm tính là sai.
“Nếu chúng ta đã lập hóa đơn rồi thì phải lập lại... Công tơ của chúng ta tuân thủ theo Luật Đo lường, quản lý bằng phần mềm CMIS, quản lý khách hàng” - vị này nói.
Thông qua đó, EVN quản lý các công tơ đến hạn kiểm định, và các đơn vị lập kế hoạch kiểm định để đảm bảo công tơ hoạt động đúng theo luật điện lực và luật đo lường. Bổ sung 2 bước kiểm soát thông qua việc đặt ngưỡng cảnh báo, kiểm soát nhập chỉ số tạm tính, khách hàng báo số quá 2 tháng liên tiếp; Thực hiện nghiêm việc kiểm soát tổn thất trạm biến áp để phát hiện các vấn đề trong ghi chỉ số công tơ.
Theo ông Bùi Trung Dũng (Vụ Đo lường Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, Bộ KH&CN) cho hay, thời gian vừa qua, trong những đợt kiểm tra việc ghi chỉ số công tơ và tính hóa đơn tiền điện, đoàn kiểm tra đã ghi nhận có 1.025 trường hợp yêu cầu kiểm tra công tơ và sau khi kiểm tra thì hầu hết đều đạt theo sai số cho phép. Chỉ có 6 công tơ (0,58%) cho sai số, nhưng đến nay, ngành điện cũng đã có xử lý, thực hiện hoàn tiền, thu tiền với những trường hợp này.
Chủ tịch Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, người dân đang thiếu thông tin và ngành điện cần truyền thông nhiều hơn nữa. EVN có thể tuyên truyền để khách hàng biết được mức tiêu thụ hàng ngày, cảnh báo tiêu thụ quá cao, qua đó không bị quá bất ngờ khi thấy hóa đơn cuối tháng. Nếu để dồn vào cuối tháng với con số lớn thì người dân sẽ “sốc”, trong khi cảnh báo số tiêu thụ hàng ngày, người dân sẽ cân đối được phương án sử dụng tiết kiệm hơn.