Điện vẫn bị lãng phí

Thế Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với lý do là để có đủ tiền thanh toán cho các đối tác, từ ngày 20/3 vừa qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tiến hành điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân lên thêm 8,36%. Đây vẫn là một vấn đề rất nhạy cảm ở Việt Nam, vì việc tăng giá điện bao giờ cũng gây những lo ngại về ảnh hưởng tới đời sống người dân và hoạt động của các DN.

 Ở Việt Nam hiện nay, để tạo ra 1 USD GDP đang phải sử dụng gần 1 kWh điện, gấp đôi Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia và một số nước khác 
Tuy nhiên, bên cạnh yêu cầu công khai, minh bạch trong biểu giá bán điện, việc giá bán điện tăng cũng có phần nguyên nhân từ việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ. Vẫn còn nhiều lãng phí là tình trạng chung từ sản xuất, phân phối, đến tiêu dùng.

Vào giữa tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030. Chương trình đặt mục tiêu đạt mức tiết kiệm năng lượng 5 đến 7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2025; giảm mức tổn thất điện năng xuống thấp hơn 6,5%.

Trước đó, đã 2 lần Việt Nam công bố chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được tổng kết một cách thật rõ ràng là các mục tiêu có đạt được hay không, đạt được đến mức nào. Trong khi nhu cầu điện không ngừng tăng cao, thậm chí ngành điện phải xây dựng những kịch bản tăng sản lượng điện hàng năm trên 10% thì ở chiều ngược lại, mức tổn thất về điện trên đường dây và trên hệ thống hiện khoảng 8 - 9%. Khâu sản xuất, phân phối lãng phí trong khi vấn đề sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong tiêu thụ điện năng sau nhiều năm vẫn không có nhiều chuyển biến tích cực.

Ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước ở khu vực châu Âu hay Bắc Mỹ, Nhật Bản… nhu cầu năng lượng chỉ tăng khoảng 1%/năm, có những nước đạt tăng trưởng âm, do áp dụng công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Trong khi đó, ở Việt Nam hiện nay, để tạo ra 1 USD GDP đang phải sử dụng gần 1 kWh điện, gấp đôi Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia và một số nước khác và gấp bốn lần so với Philippines, Indonesia... Điều này đồng nghĩa với những tác nhân đang gây tác hại ngày càng nhiều lên môi trường, làm cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Bên cạnh đó, cùng với việc công khai, minh bạch các thành phần trong biểu giá bán của ngành điện cũng đã đến lúc phải làm rõ chuyện: Ai là người sử dụng không hiệu quả, hay nói cách khác: Ai là thủ phạm gây lãng phí? Các tập đoàn Nhà nước, các địa phương, các ngành? Đã đến lúc phải xây dựng một cơ sở dữ liệu để qua đó, cùng với việc ngành điện công khai các số liệu đầu vào, mức độ tổn thất thì các ngành, các tập đoàn, DN, khách hàng sử dụng năng lượng đều phải có trách nhiệm trong việc nâng cao ý thức sử dụng điện của mình. Đi cùng với đó là những chế tài xử lý, giám sát một cách thường xuyên, chặt chẽ. Điều này không chỉ giúp giảm những bức xúc về cách tính giá điện mà còn tăng ý thức sử dụng các giải pháp, thiết bị thay thế, tiết kiệm điện năng, giúp tăng hiệu quả đầu tư của nền kinh tế mà còn góp phần giảm phụ thuộc vào nguồn tài nguyên thiên nhiên, thiết thực bảo vệ môi trường.