Điều cần làm sau khi bị ngộ độc thực phẩm

Gia An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngộ độc thường xảy ra khi các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, nấm hay hóa chất làm ô nhiễm đồ ăn hoặc thức uống. Theo TS Trương Hồng Sơn - Viện Y học ứng dụng Việt Nam, mọi người cần lưu ý cách ăn uống sau khi bị ngộ độc thực phẩm.

Rất nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng ngộ độc thực phẩm, do virus, vi khuẩn, tụ cầu, các độc tố tự nhiên…
 Rất nhiều nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm (ảnh minh họa)
Triệu chứng ngộ độc thực phẩm

Sau khi ăn thức ăn nhiễm độc, các triệu chứng ngộ độc thực phẩm sẽ biểu hiện như đau bụng quằn quại; buồn nôn, nôn mửa; tiêu chảy; sốt; đau đầu.

Nếu bệnh nặng hơn sẽ có thể bị tiêu chảy ra máu.
Dấu mất nước gồm môi khô, mắt trũng, khát nước, mạch nhanh, thở nhanh. Người bệnh dễ dẫn đến trụy tim mạch, sốc nhiễm khuẩn.
Đau bụng dưới, nôn mửa và tiêu chảy là những triệu chứng phổ biến của ngộ độc thực phẩm và các triệu chứng sẽ giảm dần trong vòng 48 giờ. Người bệnh cần gọi cấp cứu hoặc đi đến bệnh viện ngay nếu có những biểu hiện nặng hơn.

Lưu ý vấn đề ăn uống, nghỉ ngơi

Theo TS Trương Hồng Sơn, sau khi trải qua hàng loạt triệu chứng bùng phát của ngộ độc thực phẩm, thường là nôn mửa, tiêu chảy và đau bụng, các chuyên gia khuyên rằng nên để dạ dày được nghỉ ngơi. Nghĩa là nên hạn chế ăn uống bất cứ thứ gì trong vòng một vài giờ.

Uống từng ngụm nước nhỏ: Bổ sung nước là rất cần thiết để giúp cơ thể chống lại việc ngộ độc thực phẩm. Nôn mửa và tiêu chảy có thể dẫn đến tình trạng mất nước, bởi vậy, uống từng ngụm nước nhỏ là một khởi đầu tốt cho việc hồi phục sau ngộ độc thực phẩm.
Các loại nước uống bồi phụ nước và điện giải như dung dịch oresal được pha đúng cách hay một số đồ uống thể thao có chứa các chất điện giải là cách tốt nhất để đề phòng mất nước trong giai đoạn này. Một số loại nước có thể uống là soda trắng, trà đã loại bỏ caffein (decaf tea), nước luộc rau ...

Ăn thức ăn mềm: Khi cảm thấy mình có thể bắt đầu ăn được, hãy ăn những loại thực phẩm nhẹ nhàng đối với dạ dày và đường tiêu hóa. Ăn những thức ăn nhẹ, ít chất béo, ít chất xơ. Chất béo là một chất khó tiêu hóa với đường ruột, đặc biệt là khi đường ruột đang có vấn đề. Tránh ăn chất béo để tránh làm cho mọi việc trở nên tệ hơn. Những loại thực phẩm nhẹ với đường ruột bao gồm chuối, ngũ cốc, lòng trắng trứng, khoai tây, cơm, bánh mì, bánh quy mặn, rau câu.

Nghỉ ngơi: Nghỉ ngơi đầy đủ cũng sẽ khiến cơ thể đỡ mệt mỏi và nhanh hồi phục hơn.

Nên tránh những gì?
Cơ thể vừa mới trải qua một cuộc tấn công và đang trong quá trình loại bỏ được các tác nhân gây ngộ độc, bởi vậy, chắc hẳn, không ai muốn sẽ cho những “kẻ xâm lược” đó có thêm “đạn” để tấn công thêm nữa.
Ưu tiên đầu tiên là nên tránh ăn loại thực phẩm đã gây ngộ độc hoặc nghi ngờ gây ngộ độc. Vứt bỏ toàn bộ chúng vào sọt rác ngay lập tức và giữ chúng xa khỏi vật nuôi để đề phòng trường hợp vật nuôi sẽ ăn và cũng bị ngộ độc thực phẩm.
Tránh những loại thức ăn và đồ uống nhạy cảm đối với dạ dày như rượu bia, caffein (kể cả trong soda, đồ uống bổ sung năng lượng hay cà phê), các sản phẩm từ sữa, đồ ăn chứa nhiều chất béo, đồ ăn chiên rán, nicotine (tránh hút thuốc), thực phẩm khô (như ớt khô).

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần