Điều chỉnh chính sách thu hút FDI

Thảo Nguyên thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Câu chuyện về thị trường nội địa không mới, nhưng nó sẽ vẫn là vấn đề bức thiết trong bối cảnh kinh tế thế giới năm 2018 và những năm tiếp theo có thể đối mặt với nhiều rủi ro bất định liên quan đến xu hướng bảo hộ thương mại của một số nước lớn cũng như sự thay đổi ngày càng nhanh của khoa học công nghệ trên thế giới…”- PGS. TS Trần Hoàng Ngân (ĐB Quốc hội TP Hồ Chí Minh) chia sẻ với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị.

 PGS. TS Trần Hoàng Ngân
Nhờ giảm thuế, Mỹ không chỉ thu hút được nhiều DN trở về, mà cả các DN nước ngoài khác. Điều này có khiến vấn đề thu hút các NĐT từ Mỹ và EU vào Việt Nam sẽ ngày càng hạn chế đầu tư không, thưa ông?
- Với Việt Nam, số vốn đầu tư từ Mỹ chưa nhiều. Nhưng vấn đề cần quan tâm là nguồn vốn đầu tư từ các nước là đối tác của Mỹ như khu vực EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore,… đồng thời là những NĐT hàng đầu vào Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng như thế nào. Trong nhiều năm qua, đứng hàng đầu trong danh sách đầu tư trực tiếp vào Việt Nam vẫn là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Theo Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia – NCIF, luồng vốn này là khá lớn, song hiện nay vẫn chưa có con số thống kê cụ thể nên cần tính toán được tác động tới mức nào.

Các chuyên gia cho rằng, với việc sụt giảm FDI, trách nhiệm của các cơ quan có liên quan là thuê các nhóm nghiên cứu làm một báo cáo để Chính phủ biết phải hành động thế nào. Bộ KH&ĐT cũng đã xây dựng dự thảo “Chiến lược Thu hút FDI thế hệ mới”, ông đánh giá ra sao về dự thảo này?

- Thu hút vốn đầu tư nước ngoài đã có những thành công về số lượng trong thời gian qua. Tuy vậy, hoạt động FDI còn rất nhiều tồn tại mà chúng ta cần phải khắc phục, như vấn đề về môi trường, chuyển giá, gian lận thương mại, chuyển giao công nghệ, phát triển công nghiệp phụ trợ... Đến giai đoạn hiện nay, để nâng cao hiệu quả, đã đến lúc cần những định hướng mới cho nguồn vốn này. Cần quan tâm đến chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng suất. Cách mạng công nghiệp 4.0 đã đến và các dân tộc đều bắt đầu cuộc đua này. Việt Nam cũng không ngoại lệ, việc chuyển giao công nghệ cần thực hiện theo hướng khuyến khích liên doanh, liên kết. Theo đó, ưu tiên DN FDI công nghệ cao, có tính lan tỏa và liên kết sản xuất với cả các DN trong nước.

Nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc Việt Nam phải thoát dần FDI để không phụ thuộc vào quốc gia khác, quan điểm của ông thế nào?

- Phải khẳng định là Việt Nam vẫn rất cần vốn FDI để phát triển nhưng đòi hỏi phải có sự định hướng, chọn lọc kỹ càng. Nói hạn chế, giảm bớt hoạt động DN FDI cũng không hẳn nhưng với độ mở kinh tế cao, nền kinh tế phụ thuộc vào FDI, năng lực cạnh tranh DN Việt thấp khiến tăng trưởng trong nước dù cao nhưng vẫn thiếu bền vững.

Dù không phân biệt đối xử, nhưng trên thế giới vẫn có sự ưu đãi nhất định đối với DN nội địa, đồng thời cũng có những yêu cầu tập trung hơn cho các DN FDI vào các dự án có thị trường lớn, công nghệ cao, có độ lan tỏa rộng. Thêm vào đó, cũng cần có những quy định về chế độ hạch toán và giải pháp “liên thông” quốc tế để chống chuyển giá... Tất cả các yêu cầu đó đòi hỏi các cơ quan quản lý cần sớm nghiên cứu hoàn thiện luật và các điều khoản liên quan đến thu hút và sử dụng vốn FDI nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của nguồn vốn này.

Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần