Điều chỉnh thời gian làm thêm giờ tối đa của người lao động: Cực chẳng đã

Nhật Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ LĐTB&XH đang lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo sửa đổi Luật Lao động, trong đó có nội dung điều chỉnh thời gian làm thêm giờ tối đa của người lao động từ 300 lên 400 giờ/năm. Đề xuất này đã từng được Bộ này đưa ra lấy ý kiến trước đó và nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

 Dự thảo sửa đổi Luật Lao động, trong đó có nội dung điều chỉnh thời gian làm thêm giờ tối đa của người lao động từ 300 lên 400 giờ/năm.
Thực tế, qua khảo sát ở các địa phương của Bộ LĐTB&XH, đời sống công nhân còn khó khăn. Một bộ phận không nhỏ người lao động có nhu cầu làm thêm để tăng thu nhập, góp phần trang trải cuộc sống. Còn phía chủ sử dụng lao động muốn tăng giờ làm thêm để giải quyết nhu cầu DN, chủ động trong sản xuất, kích thích phát triển kinh tế, tăng năng suất lao động.
Nhưng đằng sau nó luôn ẩn chứa thực tế phũ phàng, tăng giờ làm thêm thì DN giảm lực lượng lao động, tránh được các chi phí gián tiếp như BHXH, BHYT, khai thác tối đa sức lao động đã mua được. Công nhân sẽ bị vắt kiệt sức lao động vốn đã quá áp lực về thời gian, về những ràng buộc mà người nắm đằng chuôi luôn nắm giữ. Để rồi sau 35, 40 tuổi, khi sức không còn khỏe, mắt không còn tinh, đau đầu mỏi gối, DN sa thải họ dễ dàng như trở bàn tay.
Các chuyên gia cũng như phía bảo vệ quyền lợi cho người lao động cũng cho rằng, giải pháp tăng thời gian làm thêm giờ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động. Thậm chí, họ sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro như: Tai nạn lao động, thương tích, khi đó năng suất lao động giảm, chi phí cho sức khỏe đội lên. Điều này ảnh hưởng đến sức khỏe của chính DN. Với thời gian làm thêm tối đa 300 giờ/năm như hiện nay, thì lao động Việt Nam có số giờ làm việc thuộc diện cao nhất thế giới, nhưng buồn là thu nhập lại vào hạng thấp nhất. Nay Bộ LĐTB&XH tiếp tục đề xuất tăng giờ làm thêm thì rõ ràng đây là một bước lùi trong việc xây dựng bộ Luật Lao động.

Bởi vậy, nếu áp dụng, nhiều chuyên gia đề xuất, giới hạn làm thêm giờ hiện nay (300 giờ) có thể nâng tới 400 giờ chỉ trong trường hợp đặc biệt và gắn với việc tính lương theo lũy tiến. Đồng thời, việc gia tăng giới hạn giờ làm thêm chỉ nên áp dụng ở một số DN đặc thù theo ngành nghề, tuyệt đối không áp dụng với các ngành nghề độc hại. Và DN chỉ áp dụng kéo dài giờ làm việc vào những kỳ phải giao hàng gấp và được sự đồng thuận của người lao động. Tuy nhiên, câu chuyện làm thêm vẫn chỉ là biện pháp tình thế. Người lao động cực chẳng đã mới phải làm thêm giờ. Về lâu dài, phải tìm giải pháp tăng chất lượng, năng suất lao động, năng lực quản lý, tăng thu nhập cho người lao động, đảm bảo lương đủ sống để công nhân bớt khổ, người lao động bớt bị bóc lột thời gian, sức khỏe.