Điều chuyển luồng tuyến xe khách liên tỉnh: Đặt lợi ích chung lên trên hết

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bắt đầu từ sáng 2/1, Sở GTVT Hà Nội đã thực hiện điều chuyển luồng tuyến xe khách liên tỉnh (XKLT) giữa các bến xe lớn trên địa bàn TP.

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện khẳng định: “Việc điều chuyển phải được thực hiện nghiêm túc, nhanh gọn, tất cả vì lợi ích chung của TP và Nhân dân”.

Đa số nhà xe đã về bến mới

Thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, được sự thống nhất về phương án của Bộ GTVT, từ 0 giờ ngày 2/1, Sở GTVT đã điều chỉnh đầu bến 691 nốt XKLT, tập trung tại 3 bến xe lớn: Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm nhằm giảm ùn tắc giao thông trên những trục đường chính. Ghi nhận tại các bến xe: Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm sáng 2/1 cho thấy, công tác điều chỉnh luồng tuyến đã được thực hiện hết sức nghiêm túc, rốt ráo và hiệu quả. Trước đó, Sở GTVT Hà Nội đã thành lập các tổ công tác chuyên đề, lên phương án cụ thể cho việc sắp xếp lại luồng tuyến. Liên tục nhiều ngày, các bến xe đã sử dụng loa phát thanh, niêm yết thông tin về kế hoạch điều chuyển cụ thể, công khai. Sở GTVT Hà Nội cũng đã gửi nhiều thông báo bằng văn bản đến các sở đối lưu cũng như DN kinh doanh vận tải để hành khách và DN được biết và thực hiện. Sáng sớm 2/1, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện đã trực tiếp dẫn đoàn đi kiểm tra công tác điều chỉnh luồng tuyến, phục vụ hành khách tại các bến xe. Thanh tra Sở cũng đã cử 4 tổ chuyên đề túc trực tại 2 bến xe có khối lượng điều chỉnh lớn nhất là Mỹ Đình, Nước Ngầm để duy trì trật tự, xử lý nghiêm những vi phạm nếu có. Tổ trưởng Tổ công tác số 1, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Quang Lượng cho biết: “Chúng tôi chốt trực từ 6 giờ sáng nhưng chưa gặp trường hợp phải điều chuyển nào cố tình vào bến Mỹ Đình. Theo chỉ đạo của lãnh đạo Sở, chúng tôi sẽ tiếp tục cắm chốt trong những ngày tới để đảm bảo trật tự giao thông khu vực bến”.
 Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện trực tiếp đôn đốc công tác điều chuyển xe khách liên tỉnh tại các bến xe.

Tại Bến xe Nước Ngầm, ngay buổi sáng đầu tiên, hơn 40 nốt xe các tuyến đi: Nam Định, Thái Bình, Nghệ An đã tập trung tại bến mới. Ông Viện cho biết: “Sở rất hoan nghênh những DN đã nghiêm túc chấp hành chủ trương điều chuyển. Sở đã giao các bến xe tiếp nhận kiến nghị và có biện pháp hỗ trợ kịp thời cho DN”. Ngoài ra, ông Viện cũng khẳng định, nếu DN nào còn cố tình chống đối, Sở cũng như TP sẽ có những biện pháp xử lý nghiêm khắc: “Chúng tôi không hoan nghênh, không đón nhận những DN đặt lợi ích riêng lên trên lợi ích của hành khách, Nhân dân. Nhà xe nào còn tiếp tục chống đối việc điều chuyển Sở sẽ cắt nốt”.

Tạo điều kiện tối đa cho nhà xe

Trong buổi kiểm tra tại Bến xe Nước Ngầm, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội đã trực tiếp lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các DN mới chuyển đến. Hầu hết các DN đều đề xuất tập trung vào 2 nguyện vọng chính: Một là được sắp xếp chỗ đỗ chờ, đón khách ổn định, hợp lý; Hai là được hỗ trợ miễn giảm lệ phí bến trong thời gian đầu còn chưa quen khách. Đại diện Công ty CP Du lịch thương mại và đầu tư Thiên Trường bày tỏ: “Từ sáng 2/1, chúng tôi đã chấp hành đúng chủ trương của Sở GTVT Hà Nội, chuyển về bến Nước Ngầm, nhưng đến nay, chúng tôi chưa được bố trí chỗ đỗ để xếp nốt, xếp khách, xe vào bến mà không biết xếp vào đâu. Hơn nữa, cũng mong Sở GTVT có ý kiến với bến Nước Ngầm, hỗ trợ DN phần phí bến bãi trong 6 tháng đầu chuyển về để chia sẻ khó khăn với DN”.

Một số xe đã đến bến Nước Ngầm nhưng vẫn chưa kịp thay đổi niêm yết đầu bến Mỹ Đình. Ảnh: Ngọc Hải

Ông Viện cho biết: “Sở đã giao các bến xe tiếp nhận kiến nghị và có biện pháp hỗ trợ kịp thời cho DN. Về chỗ đỗ chờ, Bến xe Nước Ngầm phải chịu trách nhiệm sắp xếp ổn định ngay cho DN. Riêng vấn đề lệ phí bến, là quan hệ kinh tế riêng giữa các DN với nhau nên Sở không thể can thiệp vào. Tuy nhiên, chắc chắn các bến, đặc biệt là Nước Ngầm sẽ có những động thái tích cực để hỗ trợ DN”. Giám đốc Bến xe Nước Ngầm Nguyễn Văn Lập thông tin: “Trước mắt, trong khoảng 2 tuần, chúng tôi sẽ có hỗ trợ về lệ phí cho các nhà xe. Cụ thể, với những xe xuất bến không có người khách nào sẽ được hỗ trợ 100% chi phí; xe có khách thì khi xuất bến được giảm 20% chi phí”. Tuy nhiên, đại diện nhiều DN cho rằng thời gian miễn giảm như vậy là quá ít, trong khi không chỉ tại đầu Hà Nội mà ngay đầu bến ở các tỉnh đối lưu, DN cũng đang phải đối diện với nhiều khó khăn phát sinh đột xuất do điều chỉnh luồng tuyến. Bà Phạm Thị Tâm, HTX Vận tải Hòa Bình (Nam Định) kiến nghị: “Xe khách của chúng tôi phần lớn là vay mượn để đầu tư và trả dần ngân hàng. Do sự xáo trộn sau điều chỉnh luồng tuyến, lượng khách chắc chắn sẽ sụt giảm mạnh, các DN sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Bởi vậy đề nghị Sở GTVT Hà Nội cùng cơ quan chức năng xem xét, giúp đỡ những DN đã chấp hành đúng chủ trương, quyết định, được miễn giảm các khoản phí trong thời gian dài hơn”.

Còn nhiều việc phải lo

Cũng theo bà Tâm: “Hai bến xe Giáp Bát và Nước Ngầm quá gần nhau. Trước kia, chúng tôi đi Mỹ Đình, nên ở đầu Nam Định dù có xuất bến trùng giờ cũng không ảnh hưởng gì đến ai. Nay về Nước Ngầm, đi cùng lộ trình, về 2 bến sát nhau nên bắt đầu có sự cạnh tranh không lành mạnh. Bản thân tôi sáng 2/1 đã bị xe khách chạy tuyến Nam Định - Giáp Bát đe dọa khi mời khách đi bến Nước Ngầm”. Nhiều nhà xe cũng phản ánh, ở các đầu bến đối lưu tại nhiều tỉnh, thành, việc điều chỉnh nốt, giờ vẫn chưa thực hiện kịp thời, đồng bộ với đầu Hà Nội nên tình trạng nhiều xe chạy trùng giờ, trùng lộ trình đã diễn ra, gây thiệt hại và lo lắng cho DN. Về vấn đề này, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện khẳng định sẽ tiếp tục thông báo, thúc giục các sở đối lưu có biện pháp sắp xếp, cân đối cho phù hợp với tình hình hiện tại để đảm bảo việc kinh doanh cho DN cũng như việc phục vụ nhu cầu đi lại của Nhân dân được tốt.

Dù việc điều chuyển luồng tuyến đã được thực hiện từ sáng 2/1, nhưng do nhiều hành khách vẫn chưa nắm được thông tin nên vẫn đến Bến xe Mỹ Đình để đón xe đi các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định… Sở GTVT Hà Nội đã yêu cầu Tổng Công ty Vận tải Hà Nội tiếp tục duy trì xe buýt miễn phí, trung chuyển người dân từ Mỹ Đình đến các bến: Giáp Bát, Nước Ngầm trong vòng 10 ngày tới. Ngoài ra, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội cũng đã tăng cường xe buýt trên các tuyến kết nối với Bến xe Nước Ngầm, Giáp Bát để đảm bảo giải tỏa hành khách trong những ngày cao điểm hiện tại và dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Một vấn đề khác cũng rất cần được cơ quan chức năng quan tâm, có biện pháp kịp thời là vấn đề tổ chức giao thông quanh khu vực Bến xe Nước Ngầm. Theo ghi nhận, bến này hiện đã tăng lên 885 lượt xe/ngày (gấp đôi trước đây), cùng với đó là Bến xe Giáp Bát cũng rất đông đúc khiến cho tình hình giao thông trên trục đường Giải Phóng - Pháp Vân cực kỳ căng thẳng. Ngay trong ngày 2/1, đường Pháp Vân, đoạn cổng ra vào Bến xe Nước Ngầm đã bắt đầu xảy ra tình trạng ùn ứ, đặc biệt khi các XKLT ra vào bến.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần