Điều chuyển Thanh tra xây dựng về quận, huyện: Không để “bình mới, rượu cũ”

Vân Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chuyển đi – trả về lực lượng thanh tra xây dựng (TTXD) từng vấp phải không ít ý kiến trái chiều về hiệu quả xử lý vi phạm trật tự xây dựng. Song, ở góc nhìn chuyên môn, các chuyên gia xây dựng vẫn cho rằng, không thể “khư khư” mãi một mô hình mang tính khả thi thấp.

 Thanh tra xây dựng giám sát tháo dỡ công trình vi phạm trên địa bàn quận Ba Đình. Ảnh: Thanh Hải
Thủ tướng đồng ý thông qua
Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội gửi Thủ tướng về kết quả 3 năm thực hiện Đề án thí điểm tổ chức Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị áp dụng mô hình TTXD theo Nghị định 26/2013 của Chính phủ cho thấy, về mặt tích cực, khi đưa lực lượng TTXD về Sở Xây dựng giúp việc thực hiện nhiệm vụ đồng bộ, chặt chẽ, chuyên nghiệp, đội ngũ thanh tra cũng được nâng cao trình độ.

Tuy nhiên, việc tổ chức TTXD không gắn với chính quyền quận, huyện, thị xã mà chuyển về Sở Xây dựng quản lý, trong khi Hà Nội với địa bàn rộng (30 quận, huyện, thị xã, với 584 xã, phường, thị trấn) và quá trình đô thị hoá diễn nhanh dẫn đến việc TTXD không sâu sát cơ sở.
Theo quyết định thí điểm thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trên cơ sở tổ chức lại Đội Thanh tra xây dựng quận, huyện, thị xã thuộc Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội, thời gian thực hiện thí điểm là 2 năm, kể từ ngày quyết định có hiệu lực thi hành (10/8/2018).
Kết quả kiểm tra, xử lý thực tế cũng cho thấy, trong các năm 2014, 2015, 2016 và 2017 vi phạm xây dựng vẫn có dấu hiệu gia tăng. Nguyên nhân do số lượng giấy phép xây dựng tăng nhiều nhưng khâu công tác quản lý còn lắm bất cập.

Thực tế, phần lớn giấy phép xây dựng đều do UBND quận - huyện cấp. Tuy nhiên, việc kiểm tra lại thuộc chức năng, nhiệm vụ của các đội TTXD địa bàn nên việc quản lý trật tự về xây dựng còn hạn chế, ngay cả khi UBND TP đã ban hành quy chế phối hợp giữa TTXD với các địa phương. Nhận thấy việc kiện toàn bằng cách điều chuyển lực lượng TTXD về các địa phương là cần thiết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa quyết định cho phép thí điểm thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trên cơ sở tổ chức lại Đội TTXD quận, huyện, thị xã thuộc Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội. Sự chấp thuận của Chính phủ tạo tiền đề pháp lý vững chắc để hoàn thiện các quy định về bộ máy hoạt động cho mô hình trên. Biên chế của Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị do UBND TP Hà Nội quyết định trong tổng biên chế công chức được cấp có thẩm quyền giao; bảo đảm không làm tăng thêm biên chế công chức.

Đại diện phòng Quản lý đô thị phường Mỹ Đình 1 (Nam Từ Liêm) cho biết, trước đây ở phường lực lượng này rất mỏng, UBND phường chỉ có 1 - 2 người quản lý trật tự xây dựng lo hết từ xử lý lấn chiếm vỉa hè, lòng đường lẫn kiểm tra, xử phạt vi phạm xây dựng. Việc đưa TTXD về địa phương sẽ tăng nhân lực, hỗ trợ cho địa phương quản lý trật tự đô thị, xây dựng tốt hơn.

Tăng trách nhiệm giám sát, xử lý

Ủng hộ đưa lực lượng này về các địa phương, theo KTS Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nếu Sở Xây dựng “ôm” hết con số khoảng 1.500 người, rất khó để quản lý. Nên phân cấp về quận, huyện, Sở Xây dựng chỉ quản về chuyên môn. Tuy nhiên, mấu chốt không phải là việc đưa TTXD về sở hay quận, huyện mà hiện nay quy định về xử lý công trình vi phạm không đủ sức răn đe, dẫn đến công trình xây dựng sai phép, không phép diễn ra tràn lan. Trong nhiều trường hợp không loại trừ việc có sự tiếp tay, ngó lơ hoặc móc ngoặc của TTXD. Do đó, muốn chỉnh đốn lại tận gốc vấn đề vi phạm xây dựng cần xử phạt nghiêm cả chủ đầu tư, nhà thầu, giám sát, thiết kế và cả TTXD.

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, lãnh đạo TTXD Hà Nội cho hay, cán bộ TTXD quận, huyện đang có xu hướng chuyển về địa phương gần như 100%. “Trong thời gian thí điểm, về nguyên tắc, tổ công tác thanh tra phường có trách nhiệm phát hiện vi phạm trật tự xây dựng và lập biên bản vi phạm. Sau đó, chuyển về cho UBND phường, quận để tham mưu ban hành quyết định xử lý theo quy định của pháp luật.
Một quy trình khép kín tại quận, huyện được kỳ vọng hạn chế tối đa vi phạm nhưng lại phát sinh dấu hiệu bao che. Không ít phường có sự câu kết giữa Tổ TTXD phường với UBND phường để “chìm” các biên bản vi phạm. Chỉ khi dư luận, báo chí phản ánh mới lộ ra các vụ việc. Từ tháng 9/2016 đến nay, chế độ báo cáo tình hình trật tự xây dựng của 30 quận, huyện giảm sút. Có khi 10 trường hợp vi phạm chỉ báo cáo 2, 3 hoặc không báo cáo” – vị này thẳng thắn.

Đồng quan điểm, GS.TS Đặng Hùng Võ nhận định, để giảm thiểu tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, ngoài việc điều chỉnh chính sách, mô hình quản lý điều hành TTXD, cần thực hiện nghiêm túc trong xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân thiếu tinh thần trách nhiệm, buông lỏng quản lý, thậm chí có biểu hiện tiếp tay cho sai phạm.

“Nếu chế tài xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu UBND quận, huyện, thị xã chưa nghiêm, việc chuyển giao TTXD từ Sở Xây dựng về cấp quận, huyện trực tiếp quản lý và điều hành vẫn chỉ dừng lại ở việc “bình mới rượu cũ”. Mục tiêu đẩy lùi vi phạm trật tự xây dựng đang diễn ra phức tạp tại nhiều khu vực vì thế rất khó hoàn thành. Do đó, đi kèm việc thí điểm điều chuyển cần mạnh tay kỷ luật chủ tịch quận, huyện, phường, xã nếu phát hiện buông lỏng, bao che các công trình vi phạm trật tự xây dựng” – GS.TS Đặng Hùng Võ đề xuất.
Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị gồm Đội trưởng, không quá 2 Phó đội trưởng và các công chức. Đội trưởng và Phó đội trưởng do Chủ tịch UBND quận, huyện bổ nhiệm, miễn nhiệm theo quy định của pháp luật. Đội trưởng chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND cấp quận, huyện và pháp luật về toàn bộ hoạt động của Đội.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần