Điều chuyển Thanh tra xây dựng về quận, huyện: Tăng giám sát để triệt nạn bảo kê

Vân Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Về lý thuyết, việc điều chuyển đội thanh tra xây dựng (TTXD) về quận, huyện là động thái “sát sườn” để kiểm tra, giám sát quản lý trật tự xây dựng địa bàn theo hướng nhanh – gọn – hiệu quả. Nghịch lý ở chỗ, tinh thần tốt đẹp trên có dấu hiệu đi “chệch đường ray”, khi có hiện tượng TTXD “làm ngơ” trước các công trình vi phạm trật tự xây dựng.

 Thanh tra xây dựng TP giám sát cưỡng chế công trình xây dựng sai phép tại quận Hai Bà Trưng. Ảnh: Hải Linh 
Sai 5, báo cáo… 2?
Giới chuyên gia về quy hoạch, xây dựng đều nhấn mạnh việc thống nhất UBND quận, huyện làm đầu mối quản lý lực lượng đội TTXD là cần thiết. Động thái này thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết Hội nghị T.Ư 6 Khóa XII về cải cách bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu lực trên nguyên tắc: Đúng người - đúng việc. Đồng thời, giảm tải áp lực cho Thanh tra Sở Xây dựng khi giao trách nhiệm chính cho quận, huyện. Trước đó, UBND TP Hà Nội cũng ban hành Quyết định số 46/2013/QĐ-UBND về kiện toàn tổ chức và hoạt động của Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội.

“Với thực tế phân công, phân cấp về cấp phép xây dựng như hiện nay, giấy phép xây dựng (GPXD) do quận, huyện cấp cơ bản chiếm số lượng lớn. Nhiều trường hợp xây dựng sai phép, không phép, tăng mật độ xây dựng, vượt tầng, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp… qua kiểm điểm đều có trách nhiệm của chính quyền địa phương. Vì lẽ đó, xảy ra vi phạm nổi cộm trong xây dựng nhưng không xử lý, người đứng đầu quận, huyện phải chịu là tất yếu" - TS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội phân tích.

Việc phân cấp quản lý, điều hành trực tiếp theo sự chỉ đạo của Chủ tịch UBND quận, huyện được đánh giá bám sát cơ sở nhằm hạn chế vi phạm trật tự xây dựng. Tuy nhiên, thực tế đối nghịch bởi sai phạm có xu hướng bùng phát. Mô hình “phát hiện – giải quyết” vi phạm khép kín tại địa bàn, ít hậu kiểm đang khiến công tác phát hiện, xử lý bị “chìm” đi đáng kể, thay vì đẩy mạnh theo hướng tích cực.

Điển hình nhất là sự việc Chủ tịch UBND phường Mỹ Đình 2 bị đình chỉ chờ kỷ luật theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội do chưa thực hiện đầy đủ chức năng nhiệm vụ quản lý Nhà nước khi để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng. Trước đó, trong báo cáo gửi UBND quận Nam Từ Liêm, UBND Phường Mỹ Đình 2 chỉ đề cập đến 2 công trình thi công sai với nội dung GPXD được cấp. Tuy nhiên, khi Thanh Tra Sở Xây dựng Hà Nội thanh kiểm tra, có tới 5 công trình tại phường thi công sai nội dung GPXD (tăng mật độ, vượt tum) nhưng không được phường tham mưu hồ sơ xử lý.

Tương tự, tại vùng ngoại thành, những công trình nhà xưởng trên đất nông nghiệp, đê điều tại Thanh Trì, Đông Anh, Ba Vì… cũng diễn biến phức tạp. Thậm chí, nhiều người dân còn khẳng định rằng, để xây dựng được nhà trên các loại đất này, chỉ cần “đi đêm” từ vài chục đến vài trăm triệu đồng.

Kỷ luật người đứng đầu bảo kê

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, lãnh đạo Thanh tra Xây dựng Hà Nội cho hay, cán bộ TTXD quận, huyện đang có xu hướng chuyển về địa phương gần như 100%. “Trong thời gian thí điểm, về nguyên tắc, tổ công tác thanh tra phường có trách nhiệm phát hiện vi phạm trật tự xây dựng và lập biên bản vi phạm. Sau đó, chuyển về cho UBND phường, quận để tham mưu ban hành quyết định xử lý theo quy định của pháp luật.
Một quy trình khép kín tại quận, huyện được kỳ vọng hạn chế tối đa vi phạm nhưng lại phát sinh… bảo kê. Không ít phường có sự câu kết giữa Tổ TTXD phường với UBND phường để “chìm” các biên bản vi phạm. Chỉ khi báo chí phản ánh mới lộ ra các vụ việc. Từ tháng 9/2016 đến nay, chế độ báo cáo tình hình trật tự xây dựng của 30 quận, huyện giảm sút. Có khi 10 trường hợp vi phạm chỉ báo cáo 2, 3, thậm chí còn không báo cáo” – vị lãnh đạo này thẳng thắn.

Theo thống kê sơ bộ, Thanh tra Sở Xây dựng trước đây có khoảng 200 người. Sau khi điều chuyển về quận, huyện chỉ còn xấp xỉ 70 người. Lực lượng mỏng nhưng vừa phải thực hiện công tác chuyên môn và làm hồ sơ tổng hợp báo cáo TP. Thế nhưng, không ít trường hợp chính quyền quận, huyện lại “dồn” ngược trách nhiệm về Sở Xây dựng.
Tại không ít nơi, nhiều trường hợp lấn chiếm đất nông nghiệp xây xưởng (500 - 1.000m2) nhưng quy trách nhiệm do… lịch sử để lại. Chức năng quản lý đất đai, trật tự xây dựng trách nhiệm chính thuộc về quận, huyện. Việc lấn chiếm đất nông nghiệp, xây dựng không phép, sai phép cần phát hiện ngay từ đầu, có cả một bộ máy công quyền nhưng sao vẫn “lọt lưới”?

Ông Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam khẳng định, việc xảy ra tình trạng vi phạm xây dựng hiện nay có nguyên nhân từ cán bộ quản lý địa bàn, chính quyền cơ sở chưa kiên quyết; ý thức của chủ đầu tư và một bộ phận người dân cố tình vi phạm. Do đó, thời gian tới, TP cần chỉ đạo kiên quyết xử lý vi phạm trật tự xây dựng. Địa phương nào không xử lý kịp thời trong 3 tháng, cần đình chỉ chức vụ. Nếu cố tình vi phạm nghiêm trọng sẽ xử lý hình sự người đứng đầu địa phương.

“Trước thực tế các đội TTXD “vỏ” là của Sở Xây dựng nhưng “ruột” đã xuôi về quận, huyện, Thanh tra Sở Xây dựng sẽ thanh, kiểm tra một số phường xã, quận huyện được báo chí phản ánh kỷ cương lỏng lẻo. Có thể đề xuất kỷ luật với hình thức cao với chủ tịch quận, huyện, phường xã nếu phát hiện buông lỏng, "bảo kê” các công trình vi phạm trật tự xây dựng” – lãnh đạo Thanh tra Xây dựng Hà Nội nhấn mạnh.

Sau khi UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 3973/QĐ-UBND ngày 20/7/2016, Sở Xây dựng và UBND quận, huyện, thị xã đồng nhất và hoàn thành công tác bàn giao nhiệm vụ chỉ đạo, điều hành trực tiếp các đội TTXD trên địa bàn để thực hiện nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng tại 30 quận, huyện kể từ ngày 1/9/2016.

Ở địa bàn quận, huyện đặt ra một đội trưởng chịu sự chỉ đạo, điều hành trực tiếp của Bí thư và Chủ tịch UBND quận, huyện về mặt xây dựng. Sau đó, dưới mô hình đội lập ra các tổ thanh tra tại địa bàn các phường. Tổ này dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chủ tịch UBND phường, xã. Sở Xây dựng chỉ hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ, quản lý ở tầm vĩ mô các nhiệm vụ của TP.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần