Điêu đứng vì hàng Trung Quốc gắn mác Việt

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong năm 2015, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội liên tục phát hiện, bắt giữ một lượng lớn hàng Trung Quốc nhập lậu gắn mác "Made in Vietnam"…

Đây là hoạt động thiết thực hưởng ứng cuộc vận động    “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” - đó là khẳng định của ông Chu Xuân Kiên - Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội tại Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2015 do Chi cục QLTT Hà Nội tổ chức ngày 8/1.

Hàng Trung Quốc gắn mác “Made in Việt Nam”

Theo Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại (BCĐ 389): Nếu trước đây, hiện tượng hàng Trung Quốc nhái nhãn mác hàng Việt chỉ xuất hiện đơn lẻ thì hiện nay đang diễn biến phức tạp. Điều đáng lo ngại, đã có một số cá nhân câu kết với DN Trung Quốc sản xuất hàng giả nhãn mác Việt Nam. Điển hình mới đây, lực lượng chức năng đã bắt tạm giam Nguyễn Huy Thọ (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả. Đối tượng này khai báo sang Trung Quốc đặt sản xuất các loại bếp gas, lò nướng, lò vi sóng… mang thương hiệu của một số DN Việt Nam sản xuất.
Đội QLTT số 14 Chi cục QLTT Hà Nội bắt giữ vụ vận chuyển bao bì giả nhãn hiệu Omo tại huyện Gia Lâm.  Ảnh: Hoài Nam
Đội QLTT số 14 Chi cục QLTT Hà Nội bắt giữ vụ vận chuyển bao bì giả nhãn hiệu Omo tại huyện Gia Lâm. Ảnh: Hoài Nam
Phó chi Cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội Nguyễn Công San cho biết: Trong năm 2015, lực lượng QLTT Hà Nội qua kiểm tra đã phát hiện, xử lý 1.093 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả, trong đó có không ít vụ hàng Trung Quốc nhập lậu nhưng cũng là hàng giả nhãn hiệu hàng Việt. Trong số các mặt hàng bị thu giữ có cả sản phẩm mang thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao như Bóng đèn Rạng Đông...

Không chỉ có hàng may mặc, hàng tiêu dùng thiết yếu mới bị hàng nhập lậu Trung Quốc gắn mác hàng Việt để tiêu thụ mà ngay cả một số mặt hàng nông, lâm, thủy sản cũng trong tình trạng tương tự. Thời gian vừa qua lực lựợng chức năng liên tục phát hiện tại các chợ đầu mối nông thủy sản một lượng lớn khoai tây, cá, ếch có xuất xứ từ Trung Quốc nhưng được “gắn mác” hàng Việt Nam. Đáng lo ngại là đã xuất hiện tình trạng hàng Trung Quốc làm giả xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu vào các thị trường mà Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng rất lớn đến môi trường kinh doanh trong nước mà còn tác động không nhỏ tới sự tồn tại và phát triển của DN.

Quy định xử lý chồng chéo

Theo đánh giá của Chi cục QLTT Hà Nội, phần lớn số vụ vi phạm mà lực lượng QLTT kiểm tra phát hiện là hàng tiêu dùng nhập lậu có xuất xứ Trung Quốc do giá rẻ nếu được gắn nhãn hiệu "Made in Vietnam" không chỉ dễ tiêu thụ mà giá bán cao hơn rất nhiều. Chẳng hạn như đầm trẻ em hiệu Disney hàng Trung Quốc giá chỉ 70.000 - 80.000 đồng/chiếc, nhưng nếu mang mác hàng Việt thì giá lên tới 160.000 - 170.000 đồng/chiếc. Không chỉ có vậy, đã có tình trạng một số DN Việt Nam lợi dụng những ưu đãi thuế đặt DN Trung Quốc sản xuất. Khi nhập khẩu về Việt Nam vẫn là hàng Trung Quốc sản xuất, nhưng chỉ xuất khẩu một phần hàng hóa, số còn lại gắn nhãn mác hàng Việt đưa ra thị trường tiêu thụ.

Theo ông Chu Xuân Kiên, việc xử lý người làm giả xuất xứ hàng hóa đang gặp nhiều khó khăn do các quy định về hành vi này còn chồng chéo. Cụ thể muốn xử lý đối tượng vi phạm đòi hỏi lực lượng chức năng bắt quả tang nơi sản xuất, nhưng thực tế cho thấy, việc xác định nguồn gốc một lượng lớn hàng nhập lậu đội lốt hàng Việt không dễ dàng. Trong quá trình vận chuyển, nếu bị lực lượng chức năng phát hiện, các chủ hàng chấp nhận bỏ của chạy lấy người.

Để bảo vệ các sản phẩm thương hiệu Việt Nam, Ban Chỉ đạo 389 TƯ đã yêu cầu Tổng cục Hải quan, QLTT, Công an… tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin nhằm ngăn chặn hàng hóa giả xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang các nước mà Việt Nam ký hiệp định thương mại tự do. Tuy nhiên, về lâu dài, chính bản thân các DN phải có biện pháp tự bảo vệ mình bằng cách đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, quyền sở hữu trí tuệ, minh bạch các thông tin về tiêu chuẩn, chất lượng, sản phẩm, kênh phân phối…; đẩy mạnh việc phối hợp với các lực lượng chức năng trong quá trình điều tra hàng giả.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần