Điều kiện người nhập cảnh Việt Nam: Cân nhắc kỹ

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Bộ Y tế đã có nhiều hướng dẫn nhằm tạo điều kiện cho các trường hợp nhập cảnh Việt Nam bảo đảm công tác phòng chống dịch.

Đến thời điểm này, Việt Nam chưa có thay đổi trong các biện pháp phòng, chống dịch cũng như cách ly người nhập cảnh có "hộ chiếu vaccine".
Thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch

Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, nhu cầu nhập cảnh Việt Nam vẫn còn rất lớn. Hằng ngày, nước ta vẫn ghi nhận thêm các trường hợp mắc mới nhập cảnh và được cách ly ngay. Để đảm bảo thực hiện các biện pháp an toàn phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế đã có những quy định cụ thể với các trường hợp là người nước ngoài đến Việt Nam.

Sau khi nhập cảnh vào Việt Nam, người nước ngoài sẽ được di chuyển đến khu cách ly tập trung (tại khách sạn, resort) trong 14 ngày, trừ các trường hợp đặc biệt do Bộ Ngoại giao xem xét, quyết định. Trong 3 ngày đầu, các trường hợp nhập cảnh sẽ được lấy mẫu xét nghiệm, đến ngày thứ 14 lại xét nghiệm lần cuối. Tất cả các trường hợp nhập cảnh sau hai lần xét nghiệm, nếu kết quả 100% mẫu đều âm tính với virus SARS-CoV-2 sẽ được cơ sở cách ly tập trung cấp Giấy chứng nhận hoàn thành cách ly tập trung.
 Kiểm tra y tế đối với hành khách tại sân bay Nội Bài. Ảnh Phạm Hùng
Sau khi hoàn thành cách ly phải có bàn giao chi tiết giữa cơ quan y tế nơi tổ chức cách ly với địa phương đón người về nơi lưu trú, tiếp tục tự cách ly, theo dõi sức khỏe thêm 14 ngày và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế (địa phương quản lý phải nắm được danh sách các trường hợp này).

Đặc biệt, theo Nghị quyết 16/NQ-CP ngày 8/2/2021, với người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam trước ngày 8/2/2021 bị cách ly y tế tập trung từ sau ngày 8/2/2021 thì phải tự chi trả các chi phí xét nghiệm SARS-CoV-2, đưa đón, ăn, ở, sinh hoạt theo quy định.

Hiện nay, khi nhiều nước đang xem xét hướng khôi phục du lịch quốc tế nhờ “hộ chiếu vaccine”, Việt Nam cũng đang nghiên cứu, xem xét vấn đề này một cách cẩn thận, nghiêm túc. Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho hay: “Chúng ta đang bàn rất kỹ vì phải cân bằng lợi ích và nguy cơ. Lợi ích là mở cửa để phát triển kinh tế, nguy cơ là vẫn có thể chúng ta bị lây nhiễm trong cộng đồng. Đây là việc triển khai không đơn giản và phải làm từng bước”.

Thực tế, trong số những trường hợp nhập cảnh về Việt Nam gần đây, có người đã có "hộ chiếu vaccine". Tuy nhiên, đến thời điểm này, Việt Nam chưa có thay đổi trong các biện pháp phòng, chống dịch cũng như cách ly người nhập cảnh có "hộ chiếu vaccine". Theo quy định hiện hành, những trường hợp có "hộ chiếu vaccine"- tức là đã được tiêm đủ hai mũi vaccine phòng Covid-19 vẫn phải cách ly 14 ngày và lấy 2 lần xét nghiệm như bình thường.

Khó áp dụng thời gian hiệu lực của “hộ chiếu vaccine”

Liên quan đến vấn đề này, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế Đặng Quang Tấn cho rằng, những trường hợp xuất, nhập cảnh có sử dụng "hộ chiếu vaccine" cần phải có mã QR xác nhận hoặc xuất trình chứng nhận đã được tiêm vaccine xin ngừa Covid-19 của cơ quan có thẩm quyền của quốc gia, vùng lãnh thổ.

Theo ông Tấn, bên cạnh các thuận lợi khi triển khai áp dụng hộ chiếu vaccine, vẫn còn một số bất cập. Trước hết, dịch bệnh ở Việt Nam đã được kiểm soát rất tốt, tỷ lệ mắc bệnh rất thấp, nhưng tỷ lệ người đã được tiêm chủng chưa cao, miễn dịch cộng đồng thấp nên nguy cơ lây nhiễm, bùng phát dịch rất cao khi có người nhập cảnh mang mầm bệnh.
Bên cạnh đó, virus biến chủng liên tục nên vaccine có thể không hiệu quả hoặc ít hiệu quả hơn đối với các biến chủng mới. "Hiệu lực bảo vệ của các vaccine cũng rất khác nhau, từ 66 - 96% người được tiêm có hiệu lực bảo vệ, do đó còn tỷ lệ cao những trường hợp đã được tiêm vaccine nhưng vẫn còn nguy cơ nhiễm bệnh và lây truyền. Ngoài ra, thời gian bảo vệ của các vaccine chưa rõ nên khó khăn cho việc xác định áp dụng thời gian hiệu lực của hộ chiếu vaccine” - ông Tấn cho hay.

Bộ Y tế cũng cho biết, mới đây, bộ cũng đã đề xuất phương án triển khai “hộ chiếu vaccine” bao gồm nhóm đối tượng áp dụng, phương án giám sát, cách ly, theo dõi y tế… Trong đó, nhóm thứ nhất dự kiến được áp dụng hộ chiếu vaccine là người Việt Nam bị mắc kẹt ở nước ngoài, đã được tiêm vaccine Covid-19, thì được về nước. Bộ Y tế hướng dẫn chi tiết, cụ thể về biện pháp cách ly, theo dõi y tế với từng nhóm người ở các nước khác nhau.

Nhóm thứ hai là người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam để đầu tư, kinh doanh. Bộ Y tế căn cứ vào nhóm người của từng nước, đã tiêm loại vaccine nào, để quy định cụ thể về thời gian xét nghiệm, cách ly, theo dõi y tế.

Nhóm thứ ba là khách du lịch quốc tế, Bộ Y tế phối hợp với Bộ VHTT&DL trình Ban chỉ đạo phương án cụ thể về lộ trình mở cửa du lịch. Dự kiến, Việt Nam sẽ đón du khách từ các nước đã kiểm soát tốt dịch bệnh, đã triển khai tiêm vaccine đạt miễn dịch cộng đồng. Nơi đến là những khu du lịch, nghỉ dưỡng có thể kiểm soát được người vào an toàn, có quy trình kiểm soát đi lại, tiếp xúc trong nước.

Chỉ đạo về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 thống nhất tinh thần “mục tiêu kép” tranh thủ thời gian, bằng các giải pháp tổng lực để giữ an toàn nhưng đồng thời mở cửa và phát triển được. Đây là cuộc chạy đua thời gian, chúng ta vừa dùng giải pháp phòng chống dịch bệnh, tiêm vaccine trong nước, đồng thời kết hợp với các nước, phân theo nhóm nước, nhóm đối tượng để có phương án cách ly, xét nghiệm, giám sát phù hợp, bảo đảm an toàn nhưng tận dụng thời gian quý giá, cơ hội để phục vụ phát triển kinh tế.

"Trước đây để nghiên cứu ra một vaccine cần 4 - 5 năm, thậm chí 10 năm; trong khi đó vaccine phòng Covid-19 được nghiên cứu, cấp phép trong điều kiện khẩn cấp. Vì thế, có thể có một số vấn đề chúng ta chưa biết hết được như các vaccine khác nhau, hiệu lực bảo vệ khác nhau. Có vaccine cũng chưa biết được giảm lây nhiễm như thế nào mà chỉ giảm mức độ nặng của bệnh, giảm triệu chứng; cũng chưa biết kháng thể bảo vệ tồn tại trong cơ thể bao lâu… Trong khi đó, virus biến đổi liên tục nên vaccine có thể không hiệu quả hoặc ít hiệu quả với các biến chủng mới. Bên cạnh đó, không loại trừ trường hợp có "hộ chiếu vaccine" giả.

Vì thế, mỗi quốc gia căn cứ vào đánh giá rủi ro, lợi ích, hợp tác giữa các bên… để có thể có hình thức áp dụng phù hợp. Có thể kết hợp "hộ chiếu vaccine" với xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính để giảm thời gian cách ly… Tại Việt Nam, dù tỷ lệ tiêm vaccine chưa được như nhiều nước nhưng chúng ta đang áp dụng các biện pháp chống dịch hiệu quả. Vì thế, dù tiêm vaccine vẫn cần áp dụng tốt các biện pháp dự phòng dịch, cụ thể là áp dụng 5K theo khuyến cáo của ngành y tế." - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng, Bộ Y tế - PGS.TS Trần Đắc Phu

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần