Điều tra chi phí, giá thành sản xuất lúa vụ Hè Thu 2021

GIANG LAM
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Tài chính vừa có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo Sở Tài chính, Sở NN&PTNT tổ chức điều tra, khảo sát chi phí sản xuất và tính giá thành sản xuất lúa vụ Hè Thu 2021 trên địa bàn, gửi kết quả điều tra về Bộ Tài chính trước ngày 15/11/2021.

Theo Bộ Tài chính, việc điều tra nhằm để có thông tin phục vụ kịp thời công tác bình ổn giá lương thực, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, công tác điều hành thu mua lúa và xuất khẩu gạo của Chính phủ và công bố giá mua lúa định hướng theo quy định.
Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương chỉ đạo Sở Tài chính, Sở NN&PTNT tổ chức điều tra, khảo sát chi phí sản xuất và tính giá thành sản xuất lúa vụ Hè Thu 2021 trên địa bàn, gửi kết quả điều tra về Bộ Tài Chính trước ngày 15/11/2021.
 Thu hoạch lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh: Giang Lam
Theo tìm hiểu của PV, ngay sau khi thắng lớn ở vụ lúa Đông Xuân 2020-2021, nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lại phải đau đầu lo cho vụ Hè Thu 2021 vì gánh nặng chi phí sản xuất do giá phân bón tăng ‘chóng mặt’.
Cụ thể, giá nhiều loại phân bón như URÊ, DAP, NPK… tại các tỉnh ĐBSCL đã tăng từ 50.000-250.000 đồng/bao (50kg) so với thời điểm cuối năm 2020 và ở mức cao kỷ lục trong nhiều năm qua. Ông Lương Văn Tú (ấp Định Phước, xã Định Môn, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) cho hay, với 2ha lúa, vụ Đông Xuân 2020-2021 vừa qua, mỗi ha ông bón khoảng 600kg phân các loại (DAP, URÊ, Kali).
Theo tính toán của ông Tú, chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) cho một ha lúa từ lúc xuống giống đến khi thu hoạch tốn khoảng 10 triệu đồng/ha. Nhờ năng suất cao cộng thêm giá bán tốt, sau khi trừ hết chi phí, vụ Đông Xuân, ông đạt lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng, cao nhất trong nhiều năm qua.
Tuy nhiên, thời điểm bắt đầu thu hoạch lúa Đồng Xuân cũng là lúc giá phân bón rục rịch tăng và bắt đầu tăng mạnh từ đầu tháng 3, với giá gần 500.000 đồng/bao, tăng khoảng 100.000 đồng/bao so với hồi cuối năm 2020, là mức tăng chưa từng có.
Theo một chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp, giá nhiều loại phân bón tăng rất ‘sốc’, kể cả các loại phân bón nhập khẩu và sản xuất trong nước. Do giá sốt và diễn biến khó đoán nên cửa hàng không dám lấy nhiều hàng để dự trữ, thay vào đó là bán hết đợt hàng này mới lấy tiếp đợt khác nhằm tránh rủi ro khi giá bất ngờ quay đầu giảm mạnh.
Được biết, nguyên nhân giá phân bón tăng mạnh là do giá phân bón trên thế giới tăng và các chi phí vận chuyển, sản xuất đầu vào cùng các nguyên liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất phân bón trong nước tăng. Ngoài ra, dịch Covid-19 đã làm cho việc nhập khẩu một số loại phân bón có phần gặp khó cũng góp phần đẩy giá lên.
Tại ĐBSCL, vụ Hè Thu là vụ nông dân phải tăng lượng phân bón vì đồng ruộng ít dinh dưỡng hơn so với vụ trước đó, đồng thời phải trừ hao một lượng phân bón bị bốc hơi do trời nắng nóng. Trung bình mỗi ha sẽ cần thêm khoảng 100kg phân để đảm bảo năng suất.
Bên cạnh đó, giá xăng dầu, thuốc bảo vệ thực vật, lúa giống… cũng tăng theo, ước tính chi phí cho vụ Hè Thu sẽ tăng ít nhất từ 4-5 triệu đồng/ha, trong khi đầu ra chưa thể đảm bảo chắc chắn...