Điều trị HIV bằng bảo hiểm y tế: Tạo thuận lợi nhất cho người bệnh

Nam Trần (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công tác phòng chống HIV/AIDS gặp nhiều khó khăn, thách thức do nguồn tài chính hạn hẹp. Số bệnh nhân mắc mới và tử vong tiếp tục tăng, vẫn còn nhiều rào cản do sự kỳ thị trong cộng đồng.

 
 Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) Nguyễn Hoàng Long
Xung quanh vấn đề này, theo Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) Nguyễn Hoàng Long, ngành y tế cùng với các địa phương sẽ tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho bệnh nhân nhiễm HIV được điều trị.
Ông có thể cho biết tình hình dịch HIV/AIDS tại Việt Nam?
- Trong 9 tháng đầu năm 2019, cả nước phát hiện mới 7.779 trường hợp nhiễm HIV, có 2.984 người chuyển sang giai đoạn AIDS, 1.428 người tử vong. Số người mới phát hiện nhiễm HIV tập trung chủ yếu ở độ tuổi 16 - 29. Đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn (65%) và qua đường máu (17%), mẹ sang con 2%, còn lại không có thông tin về đường lây truyền. Như vậy, tính đến nay, cả nước có 215.661 người nhiễm HIV được các tỉnh báo cáo hiện đang còn sống và 103.616 người nhiễm HIV đã tử vong.
Ngành y tế xác định những thách thức nào trong việc phòng chống HIV trong thời gian tới?
- HIV/AIDS là một trong những nguyên nhân gây gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam. Mỗi năm vẫn có 10.000 trường hợp nhiễm HIV mới và 2.000 - 3.000 trường hợp tử vong do HIV/AIDS, gây tác động rất lớn về sức khỏe, kinh tế - xã hội. Nhóm người có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV vẫn ở mức cao.
Hơn nữa, hiện đang là giai đoạn chuyển giao thuốc ARV nguồn viện trợ sang nguồn BHYT, kinh nghiệm của cán bộ về dự trù thuốc ARV nguồn BHYT còn hạn chế. Bên cạnh đó, mặc dù dịch HIV/AIDS ở Việt Nam tiếp tục có xu hướng giảm, tuy nhiên vẫn chưa bảo đảm tính bền vững và tiềm ẩn những nguy cơ bùng phát. Kinh phí cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS chủ yếu phụ thuộc vào viện trợ quốc tế nhưng đang bị cắt giảm nhanh, trong khi các nguồn tài chính trong nước chưa kịp bù đắp. Do đó, các địa phương không có dự án viện trợ quốc tế, hoạt động phòng, chống HIV/AIDS gặp nhiều khó khăn.
Trong khi nguồn tài chính hạn hẹp, lại không còn viện trợ, việc điều trị trong thời gian tới liệu có thể mở rộng để tất cả người nhiễm HIV được tiếp cận không, thưa ông?
- Nếu như năm 2000, cả nước chỉ có 3 - 5 cơ sở điều trị HIV/AIDS thì đến nay đã có 436 cơ sở từ tuyến huyện, TP đến T.Ư. Trong đó có 8 cơ sở tuyến T.Ư, 77 cơ sở tuyến tỉnh, TP. Ngoài ra còn có các cơ sở điều trị ARV tại các trại giam, phòng khám tư nhân… Số bệnh nhân được điều trị tăng hơn 50 lần so với khi bắt đầu triển khai điều trị ARV mở rộng tại Việt Nam (năm 2004). Đến nay có gần 140.000 bệnh nhân đang điều trị ARV, trong đó có 5.000 bệnh nhi.
 Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) Nguyễn Hoàng Long
Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục mở rộng mô hình cung cấp dịch vụ toàn diện cho điều trị HIV, lao và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trên tất cả các tuyến. Bên cạnh đó, thúc đẩy mở rộng thị trường cung ứng thuốc ARV trong nước tạo thuận lợi cho việc cung ứng thuốc ARV qua BHYT phục vụ bệnh nhân.
Ông có thể nói rõ hơn về việc triển khai điều trị ARV qua BHYT cũng như tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh?
- Trong năm 2019, tỷ lệ bao phủ BHYT trong bệnh nhân điều trị ARV dao động 90 - 91%. Hiện chỉ còn 9 tỉnh, thành có tỷ lệ dưới 90%, thấp nhất là TP Hồ Chí Minh (80%). Việc tiếp cận 10% còn lại sẽ còn gặp khó khăn do kỳ thị và sợ phân biệt đối xử của người nhiễm HIV nên không muốn dùng BHYT. Các bệnh nhân mới tham gia điều trị tại các bệnh viện T.Ư và bệnh viện đa khoa tỉnh không muốn về các bệnh viện tuyến huyện để điều trị. Các bệnh nhân ngoại tỉnh còn khó khăn khi đăng ký các thủ tục tạm trú...
Trong thời gian tới các tỉnh, TP tiếp tục tư vấn, truyền thông vận động người nhiễm HIV tham gia BHYT, đảm bảo các nguồn tài chính hỗ trợ mua thẻ BHYT cho các đối tượng khó khăn. Ngành y tế cũng sẽ kiện toàn các cơ sở điều trị HIV/AIDS. Hiện có 96% cơ sở điều trị HIV/AIDS đã kiện toàn và ký hợp đồng cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh BHYT.
Các cơ sở còn lại chưa đủ điều kiện để kiện toàn và ký hợp đồng với cơ quan BHYT sẽ được duy trì nguồn thuốc từ các chương trình dự án. Sau khi không còn các nguồn thuốc miễn phí, những cơ sở không hoàn thiện công tác kiện toàn phải chuyển bệnh nhân sang các cơ sở khám chữa bệnh BHYT khác.
Đối với việc cung ứng thuốc ARV nguồn BHYT, dự kiến trong năm 2020 sẽ cung ứng cho 103.000 bệnh nhân. Thời gian tới, Bộ Y tế tập trung vào một số nhiệm vụ như điều phối các nguồn thuốc trong trường hợp thuốc ARV nguồn BHYT chưa cung ứng kịp. Đưa một số phác đồ mới, hiệu quả vào danh mục mua sắm tập trung cấp quốc gia…
Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần