Điều trị thay thế bằng Methadone: Giúp người nghiện đoạn tuyệt với ma túy

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 10 năm qua, Hà Nội đã triển khai hiệu quả chương trình điều trị thay thế nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone, góp phần làm giảm tình trạng sử dụng ma túy, vi phạm pháp luật, lây nhiễm HIV trong cộng đồng.

Thay đổi hành vi, nhận thức
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, thời gian qua, mô hình điều trị thay thế bằng Methadone đã chứng tỏ hiệu quả về dự phòng lây nhiễm HIV, xã hội, kinh tế tại Hà Nội. Việc triển khai điều trị Methadone đang được xã hội đồng tình ủng hộ, dư luận hoan nghênh, mong muốn mở rộng để đáp ứng nhu cầu của gia đình và bệnh nhân.
 Người nghiện ma túy đến cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.
Thực tế cho thấy, điều trị thay thế bằng Methadone giúp bệnh nhân thay đổi hành vi, nhận thức. Đơn cử, trước khi điều trị, tỷ lệ bệnh nhân (sử dụng ma túy) dùng chung bơm kim tiêm khá cao (22%). Nhưng tỷ lệ này giảm xuống nhanh chỉ còn 1,1% sau 1 tháng điều trị; sau 6 tháng vẫn còn 0,6% bệnh nhân sử dụng bơm kim tiêm nhưng sau 9 tháng và sau 1 năm điều trị đã không còn bệnh nhân nào sử dụng chung bơm kim tiêm. Bên cạnh đó, tỷ lệ sử dụng bao cao su trong quan hệ tình dục của bệnh nhân cũng tăng theo thời gian.
Không chỉ vậy, theo CDC Hà Nội, điều trị thay thế bằng Methadone còn giúp bệnh nhân giảm sử dụng heroin. Từ 100% bệnh nhân sử dụng khi bắt đầu điều trị giảm xuống chỉ còn 1,9% sau 3 năm điều trị, tần suất và số lượng đã giảm nhiều.
Những lợi ích của điều trị Methadone còn giúp người nghiện cải thiện sức khỏe, tình trạng dinh dưỡng, ổn định quan hệ với gia đình. Mô hình này đã giúp bệnh nhân điều trị an toàn. Chất lượng cuộc sống của bệnh nhân sau 12 tháng điều trị Methadone đạt mức tốt chiếm tỷ lệ rất cao. Trong đó, tỷ lệ bệnh nhân có thời gian điều trị từ 12 - 24 tháng và từ 24 - 36 tháng tự đánh giá chất lượng cuộc sống tốt lần lượt là 96% và 97%. Không có bệnh nhân nào tự đánh giá chất lượng cuộc sống kém. Tỷ lệ bệnh nhân có việc làm tương đối cao, từ 12 - 24 tháng tỷ lệ có việc làm là 73%, từ 24 - 36 tháng tỷ lệ này là 79%.
Giảm chi phí lớn cho Nhà nước
Thực tế cũng cho thấy, các bệnh nhân tham gia điều trị Methadone đã lấy lại được niềm tin của gia đình và tự đến uống thuốc hàng ngày tại các cơ sở điều trị. Một số người đã tìm được công ăn việc làm giúp đỡ gia đình và bước đầu ổn định cuộc sống. Mặt khác, người bệnh còn cắt đứt được các mối liên hệ với những người buôn bán ma túy và không bị thao túng bởi các loại tội phạm khác vì mục đích có ma túy để sử dụng.
Đặc biệt, mô hình đã làm giảm tội phạm do người nghiện gây ra. Từ 60,8% bệnh nhân phạm tội trước khi điều trị xuống còn 3,9% sau 1 tháng điều trị và còn 0,5% sau 6 tháng và chỉ còn 0,2% bệnh nhân phạm tội sau 1 năm điều trị.
Đáng chú ý, CDC Hà Nội cũng chỉ ra rằng, việc tham gia điều trị thay thế bằng Methadone làm giảm chi phí đáng kể đối với các gia đình có người nghiện; giảm chi phí rất lớn cho Nhà nước trong việc khắc phục các hậu quả khác của ma túy.
Nếu chỉ tính số tiền chi cho việc sử dụng heroin bình quân của 250 bệnh nhân cho mỗi cơ sở điều trị, mỗi tháng đã tiết kiệm được 1,5 tỷ đồng cho bệnh nhân, gia đình và cộng đồng, đúng bằng chi phí vận hành cơ sở cho 1 năm. Như vậy, đầu tư một đồng cho điều trị Methadone thu lại được 12 đồng nếu chỉ tính chi phí mua heroin, chưa kể lợi ích do giảm chi phí liên quan đến tội phạm ma túy, do người bệnh tái hòa nhập cộng đồng có công ăn việc làm đóng góp thu nhập, thuế cho xã hội.

Đến cuối năm 2020, Hà Nội phấn đấu có 6.500 bệnh nhân được điều trị thay thế Methadone; tạo điều kiện để 90% số người nghiện, người sử dụng ma túy có hồ sơ quản lý được tiếp cận các dịch vụ tư vấn, điều trị, cai nghiện. Lập hồ sơ và đưa 800 người nghiện đi cai nghiện ma túy bắt buộc. Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng cho 600 người. Vận động, đưa 2.000 người đi cai nghiện ma túy tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện ma túy của TP.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần