Điều trị viêm quanh khớp vai

BS Nguyễn Hữu Hạnh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bệnh viêm quanh khớp vai, là một bệnh gây đau ở vùng vai và hạn chế vận động của khớp vai. Bệnh tương đối phổ biến ở người trên 40 tuổi và gây giảm sút chất lượng sống rất nhiều.

Khi nào thì bạn có thể nghĩ là mình bị viêm quanh khớp vai?
Khớp vai là khớp giữa xương cánh tay và xương bả vai. Nhờ có khớp này mà cánh tay của ta có thể đưa ra trước mặt, đưa ra sau lưng, giơ lên quá đầu, và xoay tay ngang ra.

Khi bạn thấy một bên vai của mình đau nhức, khi cử động khớp vai thấy tăng đau lên và không thể cử động thoải mái như trước khi bị bệnh, đó là khi nên nghĩ mình bị bệnh viêm quanh khớp vai. Nếu cử động của khớp vai bên đó bị hạn chế nhiều quá, người ta gọi là viêm dính bao khớp (Adhesive capsulitis) hoặc đông cứng khớp vai (Frozen Shoulder).
 Điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn. Ảnh: Phạm Hùng
Bình thường, ta có thể đưa tay ra trước, ra sau, lên cao, và xoay ngang tay ra, mà không đau hay cản trở gì. Chúng ta có thể tự kiểm tra khả năng của khớp vai bằng các động tác:

1. Đưa tay thẳng ra trước mặt.

2. Giơ cao cả hai tay lên trời

bằng nhau.

3. Đưa tay ra phía sau giống như động tác móc ví ra từ túi sau.

4. Cánh tay để sát người và co gấp khuỷu tay, rồi xoay tay ra, sao cho bàn tay nằm phía ngoài và 2 bên ở vị trí giống hệt nhau.

Nếu khi làm như vậy, bạn cảm thấy đau, hoặc thấy bị cứng lại, thì rất có thể bạn đang bị bệnh viêm quanh khớp vai.

Bệnh sẽ tiến triển như thế nào?

Thông thường, bệnh sẽ tiến triển trong 1 - 3 năm theo 3 giai đoạn như sau:

Giai đoạn đau nhiều: Bạn thấy đau vùng vai, cử động gây đau tăng lên. Nhiều người hoàn toàn không thể nằm ngủ nghiêng người về bên vai bị đau. Nhiều khi đau rất dữ dội không chịu đựng được. Giai đoạn đau này kéo dài 3 - 8 tháng, và là giai đoạn đau khổ nhất của người bệnh.

Giai đoạn dính khớp: Đau không còn nhiều nữa, nhưng cử động khớp vai theo các hướng như trên bị hạn chế. Khớp bị dính cứng lại. Tùy từng người bệnh, có thể dính cứng hoàn toàn theo mọi hướng, có thể chỉ bị hạn chế nhiều ở một hướng (ví dụ khi đưa tay ra sau), trong khi các hướng còn lại (lên trên, ra trước, xoay ngoài) không bị ảnh hưởng nhiều lắm. Giai đoạn này kéo dài 4 - 6 tháng.

Giai đoạn phục hồi: Từ từ có thể cử động khớp vai trở lại. Có thể sẽ không trở về như bình thường, nhưng nếu cố gắng tập thì dần dần cũng hồi phục. Giai đoạn này kéo dài ít nhất là vài tháng.

Những ai dễ bị viêm quanh khớp vai?

Có 2 loại viêm quanh khớp vai, là loại nguyên phát, và thứ phát. Nguyên phát tức là không tìm được nguyên nhân rõ ràng, tự nhiên bị bệnh. Nhiều tài liệu cho rằng đây là bệnh tự miễn dịch, tức là cơ thể mình tự đánh vào chính mình, bằng cách sinh ra các chất (gọi là kháng thể) để tấn công vào bao của khớp vai. Thứ phát tức là có nguyên nhân, ví dụ chấn thương khớp vai nhiều lần, vận động khớp quá mức, hoặc bị lạnh.

Như vậy, những người mà nghề nghiệp phải sử dụng khớp vai quá mức, hay bị các chấn động vào vùng vai, và người trên 40 tuổi dễ bị viêm quanh khớp vai hơn. Người ta cũng thấy nếu bị liệt nửa người do đột quỵ (tai biến mạch máu não), hoặc bị tiểu đường cũng dễ bị viêm quanh khớp vai hơn. Phụ nữ dễ bị hơn nam giới.

Điều trị bệnh như thế nào?

Cần phải kết hợp điều trị bằng thuốc với điều trị bằng vật lý trị liệu và tập vận động. Người ta hay dùng thuốc nhóm corticoid và thuốc nhóm kháng viêm.

Một là, dùng các corticoid bằng đường toàn thân, ví dụ như uống prednison, hoặc tiêm bắp thịt dexamethason, hay tiêm tĩnh mạch solu-medrol. Khi đau nhiều, cũng có thể tiêm chích trực tiếp vào vùng xung quanh của khớp vai.

Hai, dùng các thuốc kháng viêm, ví dụ diclofenac, piroxicam, meloxicam, v.v. Thường là uống, hoặc tiêm bắp thịt.

Ba là, hãn hữu một số trường hợp, cần phải phẫu thuật để cắt bỏ sẹo xơ dính hoặc bị vôi hóa.

Các thuốc có thể có tác dụng phụ gì?

Dùng corticoid phải xem mình có bị bệnh tiểu đường không, vì các thuốc này có tiềm năng làm tăng đường trong máu. Một số người bị tiểu đường, nhưng do nhu cầu khẩn thiết của việc điều trị viêm quanh khớp vai, cũng có thể dùng thuốc corticoid được, nhưng phải theo dõi đường trong máu, và điều chỉnh thuốc trị bệnh tiểu đường, và đừng dùng corticoid kéo dài quá. Tiêm chích các loại corticoide có tác dụng kéo dài, sẽ giúp đỡ đau kéo dài, nhưng lại có nguy cơ bị teo da và bắp thịt chỗ được chính. Việc chích thuốc vào quanh khớp phải cẩn thận, rất dễ nhiễm trùng vào trong khớp rất khó chữa trị.

Các thuốc kháng viêm, nếu cho uống, phải lưu ý dạ dày. Phải uống ngay sau bữa ăn, nhiều khi phải cho thêm thuốc bảo vệ bao tử. Nếu đang uống mà có triệu chứng nóng rát hoặc đau bụng ở phía trên của rốn thì phải ngừng ngay, kẻo thủng dạ dày hoặc chảy máu dạ dày. Dùng các thuốc kháng viêm này cho người bị bệnh tim mạch và có bệnh thận, phải rất thận trọng. Người ta thống kê là các thuốc này có thể tăng nguy cơ bị nhồi máu cơ tim hay đột quỵ (tai biến mạch máu não). Đặc biệt, các thuốc có thể làm tăng tỷ lệ bị suy tim lên gấp 10 lần. Phụ nữ có thai không nên dùng các thuốc này.

Phải làm gì khi nghi mình bị viêm quanh khớp vai?

Không nên tự chữa bệnh, cũng không nên bó cứng vai bằng các loại thuốc, dù là thuốc nam, vì sẽ làm tăng nguy cơ bị dính cứng khớp. Tốt nhất nên tới khám các bác sỹ chuyên khoa xương khớp, hoặc chuyên khoa vật lý trị liệu. Các bác sỹ chuyên khoa thần kinh cũng thường phải điều trị bệnh này. Các bác sỹ chuyên khoa sẽ làm các xét nghiệm cần thiết, để xác định đúng bệnh, và tìm phương pháp tối ưu cho từng người bệnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần