Định danh cho Grab

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự ra đời của Nghị định 10/2020/NĐ-CP đã tạo ra nhiều biến động lớn trên thị trường xe công nghệ. “Gã khổng lồ” Grab sẽ trở thành DN taxi hay chỉ đơn thuần là đơn vị cung ứng phần mềm gọi xe?

Quản Taxi công nghệ vẫn là vấn đề của các nhà quản lý. Ảnh: Thanh Hải

Không còn khoảng trống pháp lý

Nghị định 10/2020/NĐ-CP dành khá nhiều dung lượng để luật hóa các quy định nhằm định danh đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe taxi và đơn vị cung ứng phần mềm điện tử. Tại mục 6, Điều 35 Nghị định 10/2020/NĐ-CP có quy định, kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi là việc sử dụng xe ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ (bao gồm cả lái xe) để vận chuyển hành khách theo lịch trình và có hành trình do hành khách yêu cầu; có sử dụng đồng hồ tính tiền để tính cước chuyến đi hoặc sử dụng phần mềm để đặt xe, hủy chuyến, tính cước chuyến đi và kết nối trực tiếp với hành khách thông qua phương tiện điện tử.
Hiện GrabCar đang hoạt động tại Việt Nam dưới dạng xe ô tô chở khách dưới 9 chỗ ngồi sử dụng hợp đồng điện tử không theo tuyến cố định. Loại hình xe này theo quy định phải được dán 3 tem: Phù hiệu xe hợp đồng (thường gắn ở kính trước xe), logo hợp tác xã (gắn ở cửa xe), tem GrabCar (dán ở kính lái bên trong xe).
Như vậy, theo quy định trong Nghị định 10/2020/NĐ-CP, tất cả xe kinh doanh vận tải hành khách dưới 9 chỗ được xác định là taxi. Những xe này có quyền lựa chọn gắn “mào” taxi trên nóc xe hoặc phải dán chữ “XE TAXI” bằng vật liệu phản quang trên kính trước và kính sau xe. Trong khi đó, đối với đơn vị cung ứng phầm mềm gọi xe, Điều 35 của Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định: “Đơn vị chỉ cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải không trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe; không quyết định giá cước vận tải; phải chấp hành các quy định theo pháp luật về giao dịch điện tử, các pháp luật khác có liên quan và phải đáp ứng một số yêu cầu theo Nghị định này”.
Trường hợp đơn vị cung cấp phần mềm kết nối vận tải có thực hiện một trong các công đoạn của hoạt động vận tải như trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải nhằm mục đích sinh lợi phải thực hiện các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Chờ lựa chọn của Grab

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính cho biết, với những quy định rõ ràng trong Nghị định 10/2020/NĐ-CP, “ông lớn” Grab hay bất cứ DN xe công nghệ nào đã và đang hoạt động tại Việt Nam đều phải bắt buộc đưa ra sự lựa chọn cụ thể là theo loại hình nào. Từ đó sẽ chịu những quy định về điều kiện kinh doanh của loại hình đó. “Nếu Grab được xác định tham gia vào một trong những khâu của kinh doanh vận tải như trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải nhằm mục đích sinh lợi… thì phải chịu những điều kiện của loại hình kinh doanh vận tải. Còn nếu Grab xác định chỉ là đơn vị cung ứng phần mềm điện tử, thì đương nhiên không được tham gia vào bất cứ một khâu nào của kinh doanh vận tải” – PGS.TS Ngô Trí Long phân tích.
Ngoài Nghị định 10/2020/NĐ-CP, quyết định dừng thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (taxi công nghệ) từ ngày 1/4 của Bộ GTVT cũng sẽ tác động lớn đến việc định danh Grab. Cụ thể, Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị cung cấp phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải đang thí điểm, các đơn vị đang liên kết phương tiện chủ động lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp theo Nghị định 10/2020/NĐ-CP. Còn trường hợp xe dưới 9 chỗ đang thí điểm là xe hợp đồng, kể từ 1/4, nếu tiếp tục hoạt động là xe hợp đồng phải cấp lại phù hiệu và dán lên kính xe, thực hiện xong trước ngày 1/7/2020. Trường hợp có nhu cầu chuyển sang xe taxi, phải thực hiện cấp lại phù hiệu theo Nghị định 10/2020/NĐ-CP.
PGS.TS Ngô Trí Long nhận định, trên thực tế, lâu nay Grab không nhận mình là đơn vị kinh doanh vận tải mà chỉ là đơn vị cung ứng phần mềm gọi xe. Nhưng với quy định mới trong Nghị định 10/2020/NĐ-CP, nếu Grab vẫn hoạt động như phương thức cũ, đặc biệt là vẫn can thiệp vào việc quyết định giá cước thì đương nhiên được xác định là đơn vị kinh doanh vận tải.