Định hình khung chính sách cho thanh niên

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Làm rõ hơn các chính sách, đầu tư cho thanh niên, đồng thời cân nhắc tính khả thi của các chính sách này, để làm bật lên vai trò xung kích của thanh niên. Đó là những vấn đề được đặt ra khi Dự án Luật Thanh niên (sửa đổi) được Ủy ban Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội vừa tổ chức lấy ý kiến.

 Thanh niên tình nguyện hướng dẫn địa điểm thi đại học cho thí sinh tại Bến xe Mỹ Đình. Ảnh: Thanh Hải

Rõ hơn các chính sách
Qua 15 năm triển khai, thi hành, hiện một số quy định của Luật Thanh niên 2005 khó áp dụng, thiếu đồng bộ với các chính sách khác. Cụ thể như chưa có sự rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của thanh niên; quy định về trách nhiệm của Nhà nước còn chung chung; thiếu nguồn lực thực hiện Luật. Đồng thời, chưa có công cụ đo lường nguồn lực đầu tư cho thanh niên với nguồn lực đầu tư vào các lĩnh vực khác của các bộ, ngành và địa phương...
Cùng với quy định chính sách, trách nhiệm của Nhà nước, trách nhiệm của gia đình, nhà trường, xã hội đối với thanh niên, Dự Luật cũng đã thể chế hóa trách nhiệm pháp lý của mỗi cá nhân thanh niên, giúp thanh niên chủ động, sẵn sàng xung kích, đi đầu trên mọi lĩnh vực trong cuộc sống.

Theo các ý kiến khi góp ý Dự Luật, phần lớn các quốc gia trên thế giới đều nhận thức sâu sắc vai trò quan trọng của thanh niên, từ đó đưa ra các chính sách thúc đẩy thanh niên phát triển cũng như đóng góp cho sự phát triển của quốc gia. Các chính sách dành cho thanh niên luôn hướng tới mục tiêu phát triển thanh niên trên các lĩnh vực khác nhau từ học tập, sức khỏe thể chất, tinh thần, đến lao động, việc làm, sự tham gia của thanh niên vào đời sống chính trị và dân sự...
Theo Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong, trong Dự Luật, chúng ta xác định xây dựng chính sách trong Luật theo khung chính sách, cố gắng định hình những gì thanh niên quan tâm, sau này khi ban hành văn bản cụ thể hóa Luật, có thể đáp ứng yêu cầu về môi trường, không gian, điều kiện phát triển thanh niên. Khi chúng ta định hình được phạm vi chính sách cần có cho thanh niên, các luật sau này được ban hành sẽ soi vào lấy đó làm căn cứ hình thành nên các chính sách hợp lý, điều chỉnh phù hợp với điều kiện cụ thể. Góc độ tiếp cận như vậy sẽ bảo đảm vừa có tính mới, vừa đáp ứng yêu cầu chung cho mục tiêu phát triển thanh niên.
Bảo đảm điều kiện thực thi
Các ý kiến cũng cho rằng, Dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) sẽ khác các luật khác ở chỗ có sự tham gia của thanh niên nhưng sự tham gia này phải có ý nghĩa đầy đủ và hiệu quả. Muốn như vậy, phải trao quyền cho thanh niên, tạo môi trường, tôn trọng, hỗ trợ để họ có đầy đủ kiến thức, có tiếng nói trong các vấn đề của đất nước... Đồng thời, cần thể hiện được hơi thở của thời đại, những đòi hỏi của thời kỳ mới, lồng ghép vào các quy định nhiều hơn và sâu sắc hơn trong các chương về trách nhiệm của thanh niên, của Nhà nước, gia đình và xã hội.
Đặc biệt phải khắc phục được tồn tại, hạn chế của việc thực hiện Luật hiện hành là thiếu nguồn lực, cả về con người và tài chính, để triển khai các chính sách đã được quy định. Vì thế, theo các chuyên gia, Dự Luật cần quy định nguồn lực bảo đảm thực hiện chính sách phát triển thanh niên để làm căn cứ cho Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp bố trí đủ nguồn lực để thực hiện chính sách phát triển thanh niên, với các nội dung. Cụ thể như Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp có trách nhiệm bảo đảm đủ nguồn lực để triển khai thực hiện chính sách, pháp luật, chiến lược, chương trình, dự án phát triển thanh niên của quốc gia và địa phương... Bên cạnh đó, có cơ chế tài chính phù hợp cả bằng nguồn ngân sách cũng như xã hội hóa để hỗ trợ, thúc đẩy thanh niên và chính sách phát triển thanh niên... để các chính sách không chỉ nằm trên giấy.