Định hướng Kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025: Hà Nội là điểm sáng

TS Nguyễn Minh Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2020, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 trong nước và quốc tế phức tạp chưa từng có, nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế đình trệ, nhưng với sự đồng lòng, nỗ lực vượt bậc, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô đã thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, vừa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.

Tăng trưởng kinh tế cao gấp 1,5 lần trung bình cả nước

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2020 của Hà Nội tăng 3,98%, tuy không đạt kế hoạch (7,5%) song vẫn cao gấp 1,5 lần trung bình cả nước. Kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng, an sinh xã hội được đảm bảo. Quy mô GRDP ước đạt 1.016 nghìn tỷ đồng và bình quân đầu người đạt 122,7 triệu đồng, tăng 2,34% so với năm 2019.

Sản xuất nông nghiệp là khu vực ghi nhận tốc độ tăng cao hơn mức tăng chung và cao hơn mức tăng của nhiều năm qua, với giá trị tăng thêm ước đạt 4,2%. Chăn nuôi gia cầm và hoạt động thủy sản là điểm sáng nổi bật, với dịch tả lợn châu Phi cơ bản được kiểm soát, công tác tái đàn được thúc đẩy. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản xuất thủy sản và chăn nuôi gia cầm đạt khá. Năng suất lúa cả năm khá cao, ước đạt 58,3 tạ/ha, tăng 3,3% so với năm 2019, trong đó lúa Xuân đạt 59,7 tạ/ha, tăng 1,5%; lúa Mùa đạt 56,8 tạ/ha, tăng 5,5%. Cơ cấu các loại cây lâu năm tiếp tục có sự chuyển dịch theo hướng chuyên canh, tăng diện tích cây ăn quả đặc sản (như cam Canh, bưởi Diễn, nhãn, vải...), cây cảnh có giá trị cao phù hợp với điều kiện canh tác trên địa bàn.
 Nhà máy sản xuất thiết bị điện thông minh Vinsmart, tập đoàn VinGroup (Khu công nghệ cao Hòa Lạc). Ảnh: Thanh Hải
Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp toàn TP tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó giá trị tăng thêm khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,39%. TP tiếp tục ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu, cụm công nghiệp, sản xuất các sản phẩm thuốc, dụng cụ y tế, hóa chất và sản phẩm công nghệ cao, có giá trị xuất khẩu lớn, như: Điều khiển kỹ thuật số, tự động hóa, robot, nano, plasma, laser, công nghệ sinh học.

Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ năm 2020 tăng 3,29%. Nhiều ngành dịch vụ vẫn tăng trưởng tích cực như ngành y tế và trợ giúp xã hội (ước tăng 14,23%); ngành bán buôn, bán lẻ (tăng 8,84%); ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm (tăng 7,21%); ngành giáo dục và đào tạo (tăng 7,01%); ngành thông tin và truyền thông (tăng 6,89%).

Tính chung cả năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 16 tỷ USD, tăng 1,8% so với năm 2019. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 28,8 tỷ USD, giảm 9,1% so với năm trước (năm 2019 tăng 2,1%).

Đặc biệt, TP tổ chức thành công Hội nghị "Hà Nội 2020 - hợp tác và phát triển" với 540 DN tham gia và gần 2.000 đại biểu trong nước và quốc tế. Tại Hội nghị, TP đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 229 dự án với tổng tương đương 17,6 tỷ USD, trong đó có 100 dự án trong nước trị giá 227,5 nghìn tỷ đồng; 22 dự án FDI với tổng 5,7 tỷ USD, và 107 dự án đầu tư công. So với Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2016, tổng dự án tăng gấp 5 lần và vốn tăng gấp 11 lần.

Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 3,724 tỷ USD (vốn cấp mới 875 triệu USD; vốn bổ sung 1.269 triệu USD; vốn góp mua cổ phần 1.580 triệu USD). Lũy kế đến cuối năm 2020, TP có 6.376 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt 47,7 tỷ USD; vốn giải ngân khoảng 29,1 tỷ USD. Các dự án đầu tư theo hình thức 100% vốn nước ngoài chiếm 80%.

Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn TP năm 2020 ước đạt 413,5 nghìn tỷ đồng và đều tăng ở cả 3 khu vực: Vốn Nhà nước đạt 141,8 nghìn tỷ đồng, tăng 4,6%; vốn ngoài Nhà nước đạt 226,8 nghìn tỷ đồng, tăng 12,7% và vốn FDI đạt 44,9 nghìn tỷ đồng, tăng 5,6%.

Tổng thu NSNN trên địa bàn TP ước thực hiện 280,5 nghìn tỷ đồng, bằng 100,6% dự toán HĐND TP giao; chi ngân sách địa phương ước thực hiện 87,5 nghìn tỷ đồng, đạt 84,7% dự toán.

Ngoài ra, trong năm 2020, TP có 6.298 DN hoạt động trở lại, tăng 21%. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký DN qua mạng được duy trì 100%, đảm bảo chất lượng và đúng hạn. Theo khảo sát của Cục Thống kê Hà Nội, trong quý I/2021, có 73,4 các DN dự báo tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định hoặc tốt lên so quý IV/2020.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm 2020 tăng 2,67% so với bình quân năm 2019. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2020 của TP Hà Nội ước đạt 584,7 nghìn tỷ đồng, tăng 2,7% so với năm 2019. Tình trạng khan hiếm hàng hóa nhất là lương thực, thực phẩm, các mặt hàng thiết yếu không xảy ra nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp kiểm soát giá cả, đảm bảo nguồn cung, kết nối cung cầu hàng hóa.

Theo kết quả sơ bộ cuộc Điều tra lao động việc làm năm 2020, tỷ lệ thất nghiệp toàn TP là 2,3%, tăng 0,63 điểm phần trăm so với năm trước nhưng vẫn đạt kế hoạch đề ra; giải quyết việc làm ước đạt 156.000 lao động, đạt 100% kế hoạch năm…

Tại Hà Nội, từ 17/8/2020 đến nay không ghi nhận ca mắc mới Covid-19 ngoài cộng đồng. Cộng dồn từ đầu năm đến nay, Hà Nội có 177 ca mắc Covid-19, trong đó có 85 ca mắc được phát hiện tại cộng đồng và 92 ca mắc từ bên ngoài (không có trường hợp tử vong).

Những định hướng lớn cho giai đoạn 2021 - 2025

Năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội TP 5 năm 2021 - 2025.

TP đã thông qua 25 chỉ tiêu kế hoạch năm 2021, bao gồm: 1 chỉ tiêu về biên chế hành chính sự nghiệp; 1 chỉ tiêu thu chi ngân sách và 23 chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Đồng thời, Đảng bộ và chính quyền TP cũng xác định 17 chỉ tiêu chủ yếu cho giai đoạn 2021 - 2025; với mục tiêu tổng quát: Xây dựng, phát triển Thủ đô nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, TP thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
 Nhà máy điện Á Châu, khu công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh: Thanh Hải
TP cũng xác định 5 định hướng lớn và nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá, 11 kế hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực. Dự kiến tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TP giai đoạn 2021-2025 khoảng 1,4 triệu tỷ đồng, trong đó thu nội địa trên 1,3 triệu tỷ đồng, chiếm trên 90% tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn. Tổng chi ngân sách địa phương dự kiến khoảng 613,7 nghìn tỷ đồng, phấn đấu đến năm 2025, chi thường xuyên ở mức khoảng 50% tổng chi ngân sách.

Cơ cấu sử dụng đất thay đổi theo hướng giảm diện tích đất nông nghiệp. Dự kiến đến năm 2025, diện tích đất nông nghiệp còn khoảng 165 nghìn ha, chiếm 49,1% tổng diện tích đất tự nhiên. TP cũng chuyển khoảng 1/3 diện tích đất trồng lúa (30.000 ha) sang các hình thức sử dụng hiệu quả hơn; thực hiện đấu giá khoảng 2.000 -3.000 ha tạo nguồn vốn đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng khung, hạ tầng đồng bộ các khu đô thị vệ tinh.

Hà Nội dự kiến tổng vốn đầu tư xã hội cần huy động khoảng 3,1 - 3,2 triệu tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư khu vực Nhà nước khoảng 30 - 31%, vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước khoảng 53 - 54% và vốn đầu tư nước ngoài khoảng 15 - 17%.

Theo đó, trọng tâm đầu tư vào các ngành, lĩnh vực quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội, giáo dục đào tạo và dạy nghề, khoa học, công nghệ, y tế, dân số và gia đình, văn hóa thông tin, phát thanh, truyền hình, thể dục, thể thao, bảo vệ môi trường... Tổng nhu cầu vốn cho kế hoạch đầu tư công trung hạn khoảng 482.780 tỷ đồng, bao gồm: Tổng hợp nhu cầu vốn cấp TP 350.296 tỷ đồng (trong đó, nhu cầu 17 dự án trước đây đầu tư theo hình thức đối tác công tư chuyển sang đầu tư công là 25.000 tỷ đồng); tổng nhu cầu vốn cấp huyện là 132.484 tỷ đồng.

Với chủ đề “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, năm 2021 TP sẽ tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành quyết liệt có trọng tâm, trọng điểm, tiếp tục thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng dịch, vừa phát triển kinh tế”, tập trung đẩy nhanh cơ cấu lại các ngành kinh tế nhằm lấy lại đà tăng trưởng. Tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII; xây dựng và triển khai thực hiện 10 chương trình hành động toàn khóa của Thành ủy Hà Nội. Đảm bảo công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và tổ chức bầu đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Phát triển mạnh sự nghiệp văn hóa, xã hội, thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông mới, các hoạt động khoa học và công nghệ, đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp. Đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân; triển khai thực hiện tốt 02 Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP Hà Nội. Tăng cường xây dựng, quản lý quy hoạch, phát triển đô thị, xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục đầu tư hoàn thiện các thiết chế văn hóa; quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh cải cách hành chính; thăng hạng các chỉ số PCI, PARIndex; có giải pháp nâng cao chỉ số PAPI, SIPAS; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành, thực thi pháp luật; tiếp tục sắp xếp tổ chức, bộ máy; quyết liệt phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Đảm bảo quốc phòng, quân sự địa phương và an ninh và trật tự an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.

Đặc biệt, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa, cắt giảm các thủ tục nhằm giảm thời gian, chi phí cho DN và người dân. Thực hiện đồng bộ các hoạt động hỗ trợ DN, Chương trình kết nối ngân hàng - DN, các chính sách ưu đãi, nhất là về thuế, tín dụng, đất đai, nhân lực để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, khuyến khính ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong nông nghiệp. Cơ cấu lại các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, sản xuất theo hướng hàng hóa. Từng bước nâng diện tích sản xuất theo hướng hữu cơ trên các cây trồng chủ lực; quan tâm phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Xây dựng và thực hiện kế hoạch kích cầu tiêu dùng, chương trình khuyến mại tập trung năm 2021. Tổ chức các phiên chợ Việt và các chuyến hàng Việt tại các quận, huyện, thị xã, khu công nghiệp, khu chế xuất, góp phần ổn định cung - cầu và kích thích sản xuất kinh doanh. Xây dựng các kịch bản phục hồi phát triển ngành du lịch, trong đó cần tạo ra các sản phẩm, địa điểm du lịch đặc sắc, hấp dẫn du khách, đồng thời tăng cường tuyên truyền, quảng bá, thu hút khách du lịch đến với Hà Nội. Tiếp tụcđẩy mạnh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, công tác giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai dự án, nhất là các dự án trọng điểm, công trình lớn, quan trọng, thiết yếu, có sức lan tỏa, các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông.

Đồng thời, quan tâm nâng cao đời sống vật chất tinh thần của Nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội. Tăng cường xây dựng và quản lý quy hoạch, phát triển đô thị, khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường và phòng chống thiên tai, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Tiếp tục cải cách hành chính; công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Đảm bảo quốc phòng địa phương, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tích cực thông tin tuyên truyền, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội.