Định vị chỗ đứng cho hàng Việt

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 9 năm triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, với cách làm sáng tạo, TP Hà Nội đã giúp người tiêu dùng (NTD) trên địa bàn Thủ đô nhận thức rõ hơn ý nghĩa cuộc vận động và hướng tới lựa chọn, mua sắm sản phẩm trong nước thay cho hàng nhập ngoại.

Thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa
Theo Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP Hà Nội, đến nay, đã có nhiều sản phẩm Việt chinh phục được NTD, trong đó nhiều sản phẩm trở thành niềm tự hào của người Việt Nam. Có được kết quả đó là nhờ sự đổi mới về cách thức triển khai cuộc vận động, sự vào cuộc sát sao của các cấp, ngành trong việc đánh giá, giới thiệu và tôn vinh các sản phẩm của DN Việt, đưa hàng Việt đến gần hơn với NTD.
 Doanh nghiệp Hà Nội và các tỉnh kết nối tiêu thụ nông sản, đặc sản vùng miền. Ảnh: Lê Nam
Đánh giá về thành công của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn Thủ đô, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến - Đầu tư - Thương mại Hà Nội Nguyễn Thị Mai Anh cho biết: Trong những năm qua, UBND TP Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình hợp tác, liên kết, ký kết các biên bản ghi nhớ với trên 50 tỉnh, thành trong cả nước, tạo ra nhiều cơ hội hợp tác kinh tế giữa các địa phương. Đồng thời Hà Nội đã giúp DN định hướng phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, khai thác nhiều thế mạnh của các địa phương, thúc đẩy tiêu thụ thông qua hệ thống phân phối trên địa bàn TP.

Thực tế, hoạt động xúc tiến thương mại trong giai đoạn 2016 - 2018 cho thấy, TP Hà Nội đã phối hợp với các tỉnh, TP tổ chức 28 hoạt động giao thương kết nối sản phẩm trái cây, nông sản, thực phẩm, hoa các loại...; tổ chức 18 tuần lễ trái cây, nông sản; thường niên tổ chức Hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam.

MTTQ cần đẩy mạnh phối hợp với Sở Công Thương trong các hoạt động kết nối cung - cầu, xúc tiến thương mại, tổ chức các chương trình bán hàng Việt, đưa hàng về nông thôn, tạo sự gắn kết giữa DN và NTD. Đồng thời, các DN sản xuất phải đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, thương hiệu đến NTD.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải
DN đã ký kết hơn 1.000 biên bản ghi nhớ tiêu thụ sản phẩm, qua đó đã đưa 500 sản phẩm đặc sản của các tỉnh vào hệ thống bán lẻ hiện đại của Hà Nội và hệ thống phân phối trên toàn quốc. “Thông qua các hoạt động này, NTD Thủ đô biết đến nhiều hơn sản phẩm của các địa phương. DN sản xuất tiếp cận điều kiện, tiêu chuẩn chất lượng, bao bì sản phẩm, thị hiếu tiêu dùng của thị trường Hà Nội” - bà Nguyễn Thị Mai Anh đánh giá.

Truyền thông theo chiều sâu

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga, công tác tuyên truyền hàng Việt của TP Hà Nội đã hướng mạnh vào các DN theo hướng kêu gọi DN đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất các loại hàng hóa có chất lượng. Thời gian tới, TP Hà Nội cần tăng cường tuyên truyền cho các hộ kinh doanh tại các khu chợ truyền thống để họ ưu tiên sử dụng, kinh doanh hàng Việt, tiến tới tỷ lệ hàng Việt tại hệ thống phân phối này chiếm 70 - 80% số lượng hàng hóa. Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, trong thời gian tới, để cuộc vận động lan tỏa sâu rộng hơn, các cơ quan, đơn vị cần tuyên truyền tại chính đơn vị mình; tập trung tuyên truyền sâu hơn tới giới trẻ, nông dân... MTTQ các địa phương xây dựng kế hoạch chi tiết giới thiệu các tiêu chí về sản phẩm hàng Việt chất lượng cao.

Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP Hà Nội đề nghị các sở, ngành, quận, huyện, thị xã cần tập trung hơn nữa trong việc tôn vinh, giới thiệu hàng Việt Nam chất lượng cao và hàng Việt Nam được nhiều NTD ưa thích. Sở Công Thương Hà Nội có trách nhiệm phát hiện, giới thiệu hàng Việt Nam tới đông đảo NTD. Nhằm hỗ trợ DN, HTX quảng bá tiêu thụ sản phẩm Việt, MTTQ Hà Nội nhiều năm tổ chức Chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng Thủ đô yêu thích”. Do đó, các quận, huyện phải đẩy mạnh tìm kiếm, giới thiệu những sản phẩm đặc sản, đặc trưng, chủ lực cần quảng bá để TP tuyên truyền rộng rãi đến đông đảo NTD Thủ đô và cả nước.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản khẳng định, trong thời gian tới, UBND TP và Sở Công Thương tiếp tục đẩy mạnh triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ DN xây dựng, quảng bá thương hiệu. Đặc biệt, tiếp tục cải cách hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN phát triển; đẩy mạnh chống hàng giả, hàng nhái, qua đó hỗ trợ DN bảo vệ thương hiệu. “Bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, bản thân các DN cũng phải chủ động trong công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đổi mới sản xuất” - Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần