Định vị ngành bán lẻ để hội nhập

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 10 năm gia nhập WTO, thị trường bán lẻ Việt Nam đã khởi sắc, đáp ứng cơ bản yêu cầu của người tiêu dùng (NTD), hấp dẫn nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp, lại bộc lộ nhiều điểm yếu cố hữu về tài chính, nguồn nhân lực, quản trị DN… đòi hỏi sự nỗ lực của nhiều phía để định vị ngành này phát triển.

Thay đổi về chất
Ngành bán lẻ Việt Nam trong vài năm trở lại đây đã có bước phát triển mạnh mẽ. Các định dạng bán lẻ hiện đại đã vượt qua giai đoạn khó khăn để định hình, có bước tiến vững chắc và được coi là động lực phát triển của thị trường bán lẻ Việt Nam. Kênh bán lẻ truyền thống cũng vượt qua chính mình và tiếp tục thay đổi về chất dưới áp lực cạnh tranh hướng về văn minh thương mại, mang lại nhiều lợi ích cho NTD.
 Khách hàng lựa chọn sản phẩm tại hệ thống bán lẻ của Trung tâm mua sắm M2 (165 Thái Hà, Đống Đa). Ảnh: Khắc Kiên
Thống kê cho thấy, tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ hàng năm rất đáng khích lệ. Nếu như tổng mức bán lẻ năm 2010 đạt 88 tỷ USD, thì đến năm 2015 là 146 tỷ USD và năm 2016 đạt 158 tỷ USD, vượt xa con số dự báo của các hãng nghiên cứu thị trường nước ngoài. Tỷ lệ đóng góp của bán buôn và bán lẻ vào GDP với hơn 14% và bán lẻ cũng là một trong Top 6 các ngành nghề thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất...

Theo Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Đinh Thị Mỹ Loan, thị trường bán lẻ Việt Nam phát triển song hành với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Hiện các DN bán lẻ, nhà sản xuất, hệ thống bán lẻ Saigon Coop, Satra, Hapro, Phú Thái, FiviMart, Vinmart, Fahasa, Vinamilk, Hanoi Milk, VPP Hồng Hà, Điện Quang, Rạng Đông… luôn hưởng ứng nhiệt tình và tạo điều kiện hỗ trợ cho hàng Việt nhằm quảng bá rộng rãi sản phẩm nội địa.

Chuyển đổi, sáng tạo để vươn xa

Dù phát triển mạnh trong những năm gần đây, nhưng ngành dịch vụ bán lẻ Việt Nam vẫn còn bộc lộ những bất cập do xuất phát điểm thấp, làm ăn manh mún, thiếu vốn, nguồn nhân lực hạn chế… Bên cạnh đó, ngành bán lẻ còn phải chịu áp lực cạnh tranh lớn trong quá trình hội nhập và mở cửa thị trường theo cam kết gia nhập WTO và các FTA…

Để ngành bán lẻ Việt phát triển đòi hỏi phải có sự nỗ lực từ nhiều phía với nguồn lực to lớn. Trong đó mỗi cá nhân, DN cần có chiến lược, con đường đi của riêng mình. Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Đinh Thị Mỹ Loan chỉ ra, trước hết DN Việt cần thay đổi nhận thức về hội nhập và cạnh tranh để tận dụng cơ hội đem lại lợi ích nhiều hơn. Đồng thời các cơ quan quản lý cũng phải định vị ngành bán lẻ theo hướng "Chuyển đổi - sáng tạo và vượt xa hơn" trong một thế giới năng động, biến đổi không ngừng và cạnh tranh mạnh mẽ. Tiến tới thay đổi ngành bán lẻ theo hướng đảm bảo tính cạnh tranh, chuyển đổi tập quán kinh doanh truyền thống sang ngành thương mại hiệu quả, năng suất cao, công nghệ hiện đại và hướng tới NTD…

Để thay đổi ngành bán lẻ, nhất thiết phải có chiến lược phát triển cho ngành dịch vụ này và tập trung thúc đẩy tăng trưởng thông qua sáng tạo, tăng năng suất làm việc qua áp dụng công nghệ trong ngành phân phối – bán lẻ. Đồng thời hỗ trợ các DN bán lẻ Việt Nam mở rộng thị trường từ khối ASEAN và thế giới.

Tốc độ và sự tiện lợi sẽ là hai yếu tố cốt lõi xác định chất lượng của trải nghiệm mua sắm hàng đầu. Trong đó, thanh toán nhanh chóng, dễ dàng là một thành phần quan trọng trong trải nghiệm mua sắm liền mạch.

Xu hướng yêu thích của người tiêu dùng “Nhỏ là đẹp” sẽ tiếp tục trong vài năm tới với các cửa hàng định dạng nhỏ (cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini…) đã xuất hiện khắp nơi trong vài năm qua.

Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Đinh Thị Mỹ Loan

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần