Dịp nghỉ lễ 2/9: Các điểm du lịch quá tải

Hồ Hạ - Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong dịp nghỉ lễ 2/9 (từ 1 – 3/9), hầu hết các điểm du lịch trên cả nước đều thu hút rất đông du khách, khiến nhiều nơi rơi vào tình trạng quá tải.

Nhiều nơi quá tải

Điển hình là các điểm vui chơi ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh như Công viên Thủ Lệ, hồ Hoàn Kiếm, công viên Hồ Tây, Thiên đường Bảo Sơn, khu phức hợp vui chơi giải trí Baara Land; phố đi bộ Nguyễn Huệ, các điểm bắn pháo hoa tại TP Hồ Chí Minh... Tại Thiên đường Bảo Sơn, trò chơi thuyền vượt thác ở khu Safari thường xuyên có khoảng 200 - 300 người xếp hàng chờ đợi. Khu vực nhà ma, đu dây văng, đu quay khổng lồ... cũng trong tình trạng tương tự. Trưởng phòng Kinh doanh Công viên Thiên đường Bảo Sơn Vũ Thúy Quỳnh cho biết: Thống kê sơ bộ trong hai ngày 1 – 2/9, Công viên đón tới 15.000 lượt khách, riêng trong ngày 2/9 là 10.000 lượt khách. Tại Vườn thú Hà Nội, ngay từ đầu giờ sáng các phương tiện đã xếp hàng dài chờ vào bãi gửi xe. UBND phường Ngọc Khánh (quận Ba Ðình) phải bố trí thêm nhiều bãi gửi xe xung quanh, phục vụ Nhân dân đúng giá quy định. Lãnh đạo Vườn thú Hà Nội cho biết, trung bình mỗi ngày đón khoảng 30.000 - 40.000 lượt khách. Công viên Nước Hồ Tây thì trung bình một ngày đón từ 10.000 - 12.000 lượt khách. Ở tất cả khu vực như: Khu vui chơi trẻ em, hồ tạo sóng, sông lười, khu máng trượt… đều kín người.
 Trẻ em vui chơi tại Công viên Thủ lệ dịp 2-9. Ảnh Chiến Công
Sáng 1 và 2/9, lượng lớn khách du lịch đổ về Tam Đảo (Vĩnh Phúc) và Mộc Châu (Sơn La) khiến một số tuyến đường tắc nghẽn nghiêm trọng. Tình trạng mưa lớn, nước lũ dâng cao ở Mộc Châu, Sơn La khiến việc đi lại trở nên khó khăn. Tương tự, đoạn đường từ Mù Cang Chải (Yên Bái) tới TP Lào Cai cũng bị tắc nghẽn nghiêm trọng do đang khắc phục tình trạng sạt lở và du khách tới tham quan các tỉnh này trong kỳ nghỉ lễ rất lớn.

Sở Du lịch Hà Nội cho biết, từ 1 - 3/9, Hà Nội đón 249.586 lượt khách, tăng gần 9% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó khách quốc tế đạt 36.786 lượt; khách quốc tế đến có lưu trú đạt 26.486 lượt; khách nội địa đạt 212.800 lượt; tổng thu từ du khách (trong 3 ngày) đạt 645 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2017.

Theo thống kê của một số điểm tham quan tiêu biểu trên địa bàn TP, dịp nghỉ lễ 2/9, lượng khách du lịch đến các điểm tham quan tăng khá so với cùng kỳ dịp lễ năm 2017. Trong đó, Khu di tích Hoàng thành Thăng Long đón 4.081 lượt khách, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước; Khu nghỉ dưỡng ASEAN đón khoảng 4.000 lượt khách, tăng 30%...

Nhiều khách sạn lớn ở Hạ Long (Quảng Ninh), Cát Bà (Hải Phòng) dịp này cũng "cháy phòng", nhưng lượng khách không quá tải như các năm trước. Trong khi đó, Khu du lịch Sầm Sơn thì ken đặc người. Biển Đà Nẵng, Nha Trang, lượng khách đổ về cũng tăng so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng nhờ có sự chuẩn bị trước nên tình hình an ninh trật tự được đảm bảo. Ban quản lý bến tàu du lịch Cầu đá Vĩnh Nguyên (Nha Trang) cho biết trong sáng đầu tiên nghỉ lễ, có hơn 300 chuyến tàu xuất bến, đưa khoảng 5.000 du khách tham quan các điểm đảo trên Vịnh Nha Trang. Tại biển Vũng Tàu, Bãi Sau và Bãi Trước có gần 80.000 người tắm biển khiến nơi đây quá tải.

Thiếu cảnh báo

Theo ghi nhận của phóng viên, giá phòng lưu trú và các dịch vụ ăn uống ở Cát Bà, Sa Pa, Nha Trang, Vũng Tàu... đều leo thang. Các chuyên gia cho biết, hiện tượng quá tải điểm đến không chỉ xảy ra ở Việt Nam, chuyện căng thẳng mùa du lịch là muôn thuở, nhưng quan trọng là việc quản lý sức chứa điểm đến phải được thắt chặt để khách được trải nghiệm dịch vụ tốt nhất. Trưởng khoa Du lịch Đại học Mở Hà Nội - TS Vũ An Dân cho rằng: “Trước mỗi dịp cao điểm du lịch, Tổng cục Du lịch đều phát đi công văn yêu cầu các địa phương siết quản lý dịch vụ, chấn chỉnh chặt chém, sẵn sàng cho tình huống quá tải. Tuy nhiên, chưa địa phương nào đưa dự báo về nguy cơ quá tải, nên du khách đi lẻ hoặc du lịch ngẫu hứng khó tránh khỏi bị sử dụng dịch vụ kém chất lượng với giá cao”.

Tổng Giám đốc Công ty APT Travel - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Nguyễn Hồng Đài cho rằng: “Các địa phương nếu thấy có nguy cơ xảy ra “cháy” phòng, quá tải, nên cảnh báo trước cho các hãng lữ hành và du khách. Nhưng tôi chưa thấy địa phương nào dũng cảm làm điều đó. Vì thế, không hiếm cảnh khách bị kẹt cứng trên đường, tiêu tốn không biết bao nhiêu thời gian, sức khỏe. Có thể các địa phương sợ việc cảnh báo sẽ ảnh hưởng tới hình ảnh điểm đến, nhưng theo tôi, xét về lâu dài, việc làm này chính là cách quảng bá hữu hiệu và đảm bảo chất lượng dịch vụ cho du khách”.

Trong khi đó, cảnh báo quá tải điểm đến không phải chuyện lạ ở nhiều nước. Ông Đài lấy ví dụ: “Mùa anh đào nở rộ là dịp du khách đổ xô đến Nhật Bản. Đại diện một công ty du lịch đối tác của APT Travel đã từ chối nhận khách từ chúng tôi, mặc dù được trả thêm tiền. Lựa chọn từ chối chạy theo số lượng để bảo vệ chất lượng sản phẩm là cách phát triển du lịch bền vững của quốc gia này”.

Chính bởi thế, các chuyên gia khuyên, dịp cao điểm, du khách muốn đi du lịch cần đặt dịch vụ sớm để có giá tốt và đảm bảo, hoặc tìm những điểm đến mới còn hoang sơ, vắng vẻ để được hưởng những dịch vụ tốt nhất. Theo ông Dân, những người chịu trách nhiệm có thể dựa trên lượng khách đặt phòng, đặt vé và các dịch vụ du lịch khác để đưa ra biện pháp cảnh báo hoặc ngừng bán vé. Chính việc khuyến khích người dân đặt trước dịch vụ giúp cơ quan quản lý tiếp nhận thông tin và điều tiết dễ dàng hơn, khách du lịch cũng đỡ gặp rủi ro và chặt chém.

Thực tế, nhu cầu du lịch của người dân tăng lên mỗi năm là có thật, nhưng vẫn còn tâm lý đám đông. Do đó, bên cạnh giải pháp cảnh báo và quản lý điểm đến, các địa phương nên chú ý nâng cao nhận thức cho khách du lịch. Và hơn ai hết, mỗi du khách cần tìm hiểu kỹ điểm đến trước chuyến đi để đảm bảo được trải nghiệm những dịch vụ tốt nhất.