Doanh nghiệp tỉnh Hải Dương tham gia chuyển đổi số để bắt kịp xu thế

Vĩnh quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 16/1, UBND tỉnh Hải Dương tổ chức Hội nghị chuyên đề “Doanh nghiệp tỉnh Hải Dương - Chuyển đổi số để bứt phá” với sự tham gia của các DN trên toàn tỉnh.

Hiện tỉnh Hải Dương có tổng số gần 14.000 DN đăng ký kinh doanh, hiện đang hoạt động có khoảng 9.000 DN. Trong đó, Hải Dương xác định 4 trụ cột để phát triển là: Công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ; nông nghiệp hàng hóa ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ; dịch vụ chất lượng cao; đô thị xanh, thông minh, hiện đại. 3 nền tảng gồm: Văn hóa, con người Hải Dương; môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng; kết cấu hạ tầng, giao thông đồng bộ, hiện đại. Một trung tâm là thành phố Hải Dương, 3 đô thị động lực là thành phố Chí Linh, thị xã Kinh Môn và huyện Bình Giang. Ba trục phát triển là Bắc Nam, Đông Tây và dọc theo sông Thái Bình.
 Các DN tỉnh Hải Dương tham gia Hội nghị chuyển đổi số.
Trong đó, 3 khâu đột phá trong giai đoạn tới là cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào tỉnh, đồng thời chú trọng hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghệ số khởi nghiệp, sáng tạo. Huy động các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình giao thông trọng điểm, hạ tầng số, đô thị thông minh và nông thôn mới kiểu mẫu.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tạo chuyển biến mạnh mẽ trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý; phát huy vai trò gương mẫu, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới.
Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh Hải Dương - Phạm Xuân Thăng đã nhấn mạnh vai trò của các doanh nghiệp và khẳng định, lãnh đạo tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp; sẽ chủ động gặp gỡ, mời các nhà đầu tư về đầu tư trên địa bàn tỉnh với phương châm hành động “Chủ động, sáng tạo, quyết liệt, hiệu quả” theo 5 rõ gồm “rõ việc, rõ người, rõ tiến độ, rõ hiệu quả, rõ trách nhiệm”.
Đồng thời cho biết, Hải Dương phấn đấu hoàn thành triển khai 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện lên dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong quý II năm 2021 để giảm bớt thời gian, phòng ngừa tiêu cực trong giải quyết các thủ tục hành chính. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính với chủ đề “kỷ cương, chuyên nghiệp, trọng dân”; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát đối với việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức, nhất là các vị trí nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực; kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm, gây phiền hà, sách nhiễu doanh nghiệp... “Nếu cán bộ nào gây khó khăn, nhũng nhiễu doanh nghiệp, lãnh đạo tỉnh Hải Dương kiên quyết điều chuyển, thay thế dù đó là ai” - Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương khẳng định.
Cũng theo ông Phạm Xuân Thăng, Hải Dương sẽ căn cứ vào mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp để đánh giá cán bộ, công chức, viên chức. Kiên quyết điều chuyển, thay thế, đưa ra khỏi bộ máy những trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ, không chấp hành kỷ luật, kỷ cương, không trọng dân, trọng doanh nghiệp.
 Ông Phạm Xuân Thăng - Bí thư tỉnh Hải Dương công khai số điện thoại để DN có thể trao đổi công việc.
Khẳng định lãnh đạo tỉnh luôn sẵn sàng tiếp nhận những phản ánh của doanh nghiệp để xem xét chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, chỉ đạo xử lý tình trạng nhũng nhiễu của cán bộ, công chức, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng đã công khai số điện thoại di động và địa chỉ email cá nhân đến đông đảo doanh nghiệp trong tỉnh để các doanh nghiệp có thể phản ánh những khó khăn, vướng mắc, những hành vi nhũng nhiễu của cán bộ, công chức bất kỳ thời gian nào để kịp thời chỉ đạo xử lý.
Chuyển đổi số là chủ trương lớn của Chính phủ mà chính quyền Hải Dương quyết tâm thực hiện và cho biết, quan điểm xuyên suốt và bao trùm là “tăng trưởng xanh, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo để phát triển bứt phá, bền vững, nâng tầm vị thế Hải Dương”. Đồng thời, mong muốn các doanh nghiệp thu nhận được những thông tin, kinh nghiệm hay tại hội nghị để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; tiếp tục vượt qua khó khăn, đồng hành để góp phần tạo nên sự phát triển bứt phá của tỉnh trong những năm tới.
Khẳng định chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu, "chìa khóa vàng" để các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp, phát triển bền vững, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Dương Thái nhấn mạnh, để đồng hành với doanh nghiệp, Hải Dương đang tích cực triển khai thực hiện “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Thủ tướng Chính phủ và Đề án "Xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh tỉnh Hải Dương giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030”.
Hải Dương sẽ hỗ trợ 50% chi phí chứng thực chữ ký số cho doanh nghiệp mới thành lập; hỗ trợ phát triển thương mại điện tử, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và của tỉnh; tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, cộng đồng dân cư trong sản xuất, kinh doanh. Hỗ trợ doanh nghiệp giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng; hỗ trợ doanh nghiệp truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Tại hội nghị, các đại biểu được các chuyên gia của tập đoàn FPT, DELL chia sẻ các chuyên đề gồm: Chuyển đổi số doanh nghiệp để bứt phá thành công - Xu hướng thế giới và thực tiễn tại Việt Nam; Giải pháp thực tiễn chuyển đổi số doanh nghiệp…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần