Đồ án thiết kế đô thị tuyến phố Thái Thịnh: Người dân đồng thuận

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đã hơn 2 năm kể từ khi Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký Quyết định số 1528/QĐ-UBND, ngày 31/3/2016, về việc thiết kế đô thị hai bên tuyến phố Thái Thịnh, tuy nhiên, tiến độ triển khai chưa đạt như mong muốn. Dù các phương án thiết kế đã được đơn vị tư vấn lập, nhưng để sớm được triển khai rất cần phải có phương án cụ thể.

Việc thực hiện thiết kế đô thị hai bên tuyến phố Thái Thịnh gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Phạm Hùng
Vấn đề cấp thiết
Chị Trần Thu Hiền, tổ dân phố 23 phường Trung Liệt chia sẻ, trên tuyến phố Thái Thịnh thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm, bất kể trời mưa hay trời nắng. Thoát nước cũng là vấn đề đáng lo ngại, cứ mưa lớn là hệ thống thoát nước sẽ quá tải không thoát kịp nên dẫn đến bị ngập. Rất mong muốn tuyến phố sớm được chỉnh trang, thiết kế lại để phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân.

Theo Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính, Thái Thịnh là tuyến phố kết nối nhiều khu vực thuộc 4 quận nội thành cũ của Hà Nội (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng). Như vậy, phố Thái Thịnh có vai trò tương đối quan trọng về giao thông trong nội đô. Phố Thái Thịnh cũng là một trong những khu vực đầu tiên của quận Đống Đa có những căn nhà chung cư được hình thành (gồm nhà tập thể trước đây và chung cư cao tầng về sau) và là địa điểm tập trung dân cư đông đúc.
Để hình thành một tuyến phố có bộ mặt khang trang hơn, cần thực hiện tốt các quy định, thiết kế mẫu chung, thống nhất về quy cách đối với các tiện ích đô thị: Cột đèn, biển quảng cáo, biển hiệu, nhà chờ xe, tủ điện, tủ cáp… hay kể cả đối với cây xanh, chỗ ngồi, và các cấu trúc thuộc không gian công cộng. Từ quy hoạch ra thực tiễn có tính khả thi đòi hỏi cần có nguồn lực, hay tạo được điểm nhấn đột phá mang tính “nêu gương” để người dân, các đơn vị tuân thủ một cách tự nguyện, có ý thức vì một Thủ đô và nơi sống đẹp hơn, khang trang và văn minh hơn.

PSG.TS Nguyễn Trúc Anh – Viện Trưởng viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội
Khu vực này được phát triển mạnh sau khi chiến tranh kết thúc, nên về cơ bản không có điểm nhấn về kiến trúc đặc trưng. Khu vực này cũng như nhiều khu vực khác của 4 quận nội thành cũ có sự phát triển tự do của cư dân, thiếu sự đồng bộ về hạ tầng, tiện ích đô thị và thiếu sự đồng bộ về mặt kiến trúc. Với sự tăng trưởng nhanh về dân số tại khu vực đô thị lõi nói chung và khu vực dân cư hai bên tuyến phố Thái Thịnh nói riêng, dẫn đến sự quá tải về hạ tầng giao thông, chất thải, rác thải… thiếu các tiện nghi công cộng và các tiện nghi công cộng cũng rơi vào tình trạng quá tải.
"Như vậy, vấn đề cấp thiết đặt ra là phải có một công cụ để quản lý, bao gồm các quy chế quản lý tuyến phố, các quy hoạch chi tiết và các thiết kế đô thị" - ông Chính cho hay.

PGS.TS Nguyễn Trúc Anh – Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cho biết, đối với đồ án thiết kế đô thị riêng dành cho tuyến phố Thái Thịnh, Viện đã tổ chức công tác khảo sát, điều tra, đánh giá hiện trạng, nghiên cứu tác động của quá trình đô thị hóa, môi trường và hoạt động của người dân hai bên tuyến phố. Nhưng khi đưa đồ án vào triển khai thực tế sẽ gặp nhiều khó khăn do những vấn đề liên quan đến hạ tầng.

Một số chuyên gia cũng cho rằng, với tuyến phố Thái Thịnh, do đã có sự ổn định về chức năng sử dụng đất, nên không cần phải đi vào quy hoạch chi tiết mà công cụ quản lý chính là thiết kế đô thị. Thiết kế đô thị sẽ giúp cho nhà quản lý dễ dàng dựa vào nó để quản lý hơn và người dân cũng có cách nhìn trực quan hơn về những tiện ích của thiết kế đô thị đó mang lại. Bởi thiết kế đô thị có vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại. Và nó phục vụ phát triển kinh tế nói chung, nhưng cũng là để phục vụ lợi ích của người dân.

Phó Chủ tịch UBND phường Trung Liệt (quận Đống Đa) Lê Ngọc Bích cho biết, trên địa bàn phường có 3 địa điểm nằm trong chương trình triển khai chỉnh trang thiết kế đô thị, đó là: Thái Thịnh, Thái Hà và Trung Liệt. Nếu thực hiện được việc chỉnh trang các tuyến phố, đó là việc làm rất tốt, vì các tuyến phố hiện nay nhà cửa không được đồng bộ với nhau, khi quy hoạch có quy định về chiều cao xây dựng, về kích thước biển quảng cáo kinh doanh… sẽ tạo thành một tổng thể đồng bộ cho toàn tuyến phố. Quan trọng hơn, việc thiết kế lại đô thị sẽ tạo ra những tiện ích công cộng tốt hơn để phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người dân.
 Ảnh: Phạm Hùng
Thiết kế để nâng cao điều kiện sống cho dân cư trong khu vực

Khi được hỏi về vấn đề TP đang chuẩn bị triển khai đồ án chỉnh trang thiết kế lại hai bên tuyến phố Thái Thịnh, ông Lê Duy Sơn một người dân sống tại phố Thái Thịnh chia sẻ: "Tôi hoàn toàn ủng hộ việc chỉnh trang thiết kế lại tuyến phố này. Tuyến phố văn minh là phải được thiết kế đồng bộ, sẽ làm cho nó trở nên khang trang, đẹp đẽ hơn".

Tại tổ dân phố số 22 phường Trung Liệt - khu vực tập trung nhiểu nhà tập thể, ông Trần Kiên, một cán bộ hưu trí cho biết, nhà tập thể tại khu vực này đã xuống cấp. “Hiện tại, chúng tôi rất muốn chuyển đi nơi khác ở cho an toàn hơn, nhưng mà nhà thì không có người mua, nên không đủ kinh phí đi mua chỗ mới. Nếu như TP thực hiện lấy đất để cải tạo, mở rộng đô thị, chúng tôi sẵn sàng chuyển đi nơi khác khi có đền bù” - ông Kiên cho hay.

Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Đống Đa Hà Anh Tuấn cho biết, sau khi nhận được văn bản của Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội về việc lấy ý kiến của địa phương và cộng đồng dân cư cho Đồ án Thiết kế đô thị hai bên tuyến phố Thái Thịnh, tỷ lệ 1/500 (đoạn từ phố Tây Sơn đến phố Láng Hạ) cộng đồng dân cư đã đồng thuận với phương án thiết kế lại mỹ quan đô thị tại hai bên tuyến đường này.

“Đồ án phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 và Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử. Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi đã hoàn thành việc lấy ý kiến của người dân, về cơ bản đã nhận được sự đồng thuận của cộng đồng dân cư tại khu vực này, chúng tôi cũng đã có văn bản báo cáo lại nội dung thực hiện đến các sở, ngành chuyên môn” - ông Hà Anh Tuấn nói.

Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Đống Đa thông tin thêm, dựa trên yếu tố thực tiễn tại khu vực dân cư hai bên tuyến đường Thái Thịnh, trên cơ sở Quyết định số 1528/2016, UBND TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị chuyên môn phân tích, đánh giá hiện trạng sử dụng đất, công trình hạ tầng cơ sở đô thị khu vực để đề xuất giải pháp bổ sung, điều chỉnh hợp lý đảm bảo yêu cầu sử dụng, nâng cao điều kiện sống cho dân cư khu vực.

Bên cạnh đó, đưa ra giải pháp quy hoạch và tổ chức không gian thiết kế đô thị, các giải pháp chỉnh trang kiến trúc, cảnh quan các công trình xây dựng hai bên tuyến đường (nhất là đối với khu vực dân cư được tồn tại theo quy hoạch) và tại nút giao thông quan trọng (nút giao Thái Thịnh - Hoàng Cầu). Sau khi nghiên cứu sẽ tiến hành xử lý các công trình không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng nhằm đảm bảo không gian kiến trúc cảnh quan đô thị hai bên trục đường hiện đại, đồng bộ về kiến trúc và hạ tầng kỹ thuật. Hạ tầng cơ sở, hạ tầng kỹ thuật phải kết nối các không gian kiến trúc cảnh quan xung quanh tạo lập sự hài hòa chung khu vực, đặc biệt là khu vực tiếp giáp với các nút giao thông, đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần