Do kinh doanh khó khăn, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ không mặn mà với tiết giảm chi hành chính

Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động kinh doanh khó khăn, không ổn định, số kinh phí công đoàn cơ sở được sử dụng rất hạn chế nên việc trừ tiết giảm 10% số chi không được công đoàn cơ sở thực hiện.

Ngày 10/7, Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động TP Hà Nội đã tổ chức kỳ họp lần thứ 10 (mở rộng). Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Bùi Huyền Mai tham dự.
 Toàn cảnh hội nghị. 
Một trong những nội dung chính của Kỳ họp lần này là sơ kết 4 năm thực hiện Nghị quyết 9c/NQ-BCH ngày 18/10/2016 của Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (khóa XI) về điều chỉnh giảm tỷ trọng chi hành chính, hoạt động phong trào tại các cấp công đoàn để tạo nguồn kinh phí đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Theo đánh giá của Liên đoàn Lao động TP Hà Nội, Nghị quyết 9c với nội dung điều chỉnh giảm 10% chi hành chính, phong trào để tạo nguồn đầu tư xây dựng thiết công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất có mục đích và ý nghĩa xã hội rất lớn. Thời gian qua, cơ quan này và các Công đoàn cấp trên cơ sở đã tích cực tuyên truyền, thực hiện. Sau 3 năm thực hiện, LĐLĐ TP, toàn TP thu được 98,6 tỷ đồng. Một số đơn vị thực hiện thu tiết giảm tốt ở cả 2 khu vực hành chính sự nghiệp và sản xuất kinh doanh là: LĐLĐ các huyện Phú Xuyên, huyện Mỹ Đức, Công đoàn ngành Y tế, Giáo dục, Dệt may.
Song ở cấp cơ sở, các đơn vị khu vực sản xuất kinh doanh, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ thực hiện phân cấp chưa đúng. Số cơ quan thực hiện tiết giảm và nộp rất thấp. Lý do chủ yếu là hoạt động kinh doanh khó khăn, không ổn định. Bên cạnh đó, chưa đồng thuận với chủ trương. Bởi qua 4 năm thực hiện trên địa bàn TP Hà Nội chưa thực hiện được một thiết chế của công đoàn nào trong các khu công nghiệp, khu chế xuất nên việc tuyên truyền các công đoàn cơ sở tiếp tục thực hiện có tính thuyết phục không cao.
Xác định thực hiện tiết giảm và nộp theo Nghị quyết là trách nhiệm của công đoàn cấp dưới đối với công đoàn cấp trên và Tổng Liên đoàn. Vì vậy, số kinh phí còn thiếu, chưa thu được, Công đoàn cấp trên và Liên đoàn Lao động TP phải sử dụng tích lũy nộp bù cho Công đoàn cơ sở 3 năm với số tiền 29,295 tỷ đồng, chiếm 29,7% tổng số đã nộp.
Từ thực tế trên, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội đề xuất, sau khi tổng kết đánh giá, Tổng Liên đoàn Việt Nam nghiên cứu ban hành cơ chế tạo nguồn lực tài chính, kinh phí đầu tư thiết chế công đoàn từ nguồn thu; không tiết giảm từ nguồn chi. Đối tượng thực hiện chỉ nên áp dụng ở Công đoàn cấp trên cơ sở, không thực hiện ở cấp Công đoàn cơ sở.
Trong khuôn khổ Kỳ họp, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội đã tổng kết hoạt động Tháng công nhân năm 2020 và công tác cán bộ; công tác công đoàn và phong trào công nhân viên chức lao động Thủ đô 6 tháng đầu năm 2020.