Đỗ Minh Phú - người không ngừng viết chương sau của cuộc đời

Ngọc Trâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ông Đỗ Minh Phú là người sáng lập Tập đoàn DOJI và Chủ tịch TPBank, một trong những doanh nhân tài năng đã gây dựng nên những thương hiệu Việt lớn mà tên tuổi vượt qua biên giới quốc gia. Triết lý sống của ông: Điều có ý nghĩa nhất trong cuộc đời là được làm việc và cống hiến.

Ông “trùm” vàng bạc, đá quý
Ông Đỗ Minh Phú sinh năm 1953, tại Yên Bái, tốt nghiệp ngành vô tuyến điện tử tại Đại học Bách khoa Hà Nội và có thời gian dài công tác trong ngành vàng bạc đá quý. Nói về cơ duyên với vàng, đá quý, ông Phú kể lại: Ông được cử đi học ở Liên Xô nhưng vì nhầm lẫn, giấy gọi nhập học thiếu tên Đỗ Minh Phú.
Để bù đắp sau sai sót này, Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp Tạ Quang Bửu viết giấy cho phép chọn bất cứ khoa nào của Đại học Bách Khoa và ông chọn nơi cao điểm nhất - ngành vô tuyến điện tử tại ngôi trường này.
Đến khi đi làm, ông theo đuổi ngành khoa học máy tính. Khả năng chuyên môn cao lại giỏi tiếng Anh, ông được Viện nghiên cứu cử làm giám đốc một công ty nước ngoài về đá quý, và sau đó là công ty liên doanh cùng lĩnh vực. Năm 1994, ông bỏ chức Giám đốc công ty liên doanh lương 300 USD, để thành lập DN riêng chuyên về đá quý.
 Doanh nhân Đõ Minh Phú.
Năm 2007, ông xây dựng trung tâm thương mại đầu tiên chuyên về vàng bạc đá quý, DOJI Plaza tại Hà Nội. Năm 2009, DOJI đã tiến hành tái cấu trúc và chính thức trở thành Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con. Doanh thu của Tập đoàn tăng liên tục và đến nay là DN tư nhân luôn dẫn đầu trong lĩnh vực vàng bạc đá quý.
“Năm 2006, chúng tôi chính thức bắt tay chuyển hướng kinh doanh vàng bạc sản xuất vàng trang sức. Doanh số của công ty thì cứ nâng dần. Nếu năm 2007 là 1.200 tỷ đồng thì sang 2008 lên tới 10.000 tỷ đồng; những năm sau lên 20.000 rồi 30.000 và đến nay đã là 50.000 tỷ đồng. Chính điều đó đã giúp DOJI, chính thức gia nhập Câu lạc bộ 500 DN lớn nhất Việt Nam; sau một năm nhảy lên vị trí thứ tư còn 8 năm trong top 5 của 500 DN”- ông Phú chia sẻ.
Nói về bí quyết thành công, ông Phú cho biết, thị trường vàng hiện tại không còn ‘lấp lánh” như trước nhưng DOJI vẫn có một hướng đi riêng.
“Chiến lược lâu dài của DOJI không phải là kinh doanh vàng miếng, mà là phát triển kinh doanh hàng trang sức. Có thể nói, việc kinh doanh vàng đã mang lại cho chúng tôi nhiều trải nghiệm, tạo thêm cho mình độ lỳ nhất định với thị trường khó khăn này” - ông Phú chia sẻ.
Thương hiệu DOJI đang bước đi vững chãi trong lộ trình chinh phục khách hàng bằng uy tín và chất lượng sản phẩm, với giá trị thương hiệu ngày càng lớn mạnh.
Mới đây, 6/9, sự kiện mang tầm quan trọng không chỉ với riêng DOJI dấu ấn mạnh mẽ trong cộng đồng DN Việt Nam nói chung và trong lĩnh vực vàng bạc đá quý nói riêng, công trình DOJI Tower ghi dấu ấn của DOJI sau 25 năm có mặt trên thị trường Việt Nam chính thức được khai trương.
Với vai trò là trung tâm thương mại chuyên ngành và trung tâm vàng bạc trang sức lớn nhất Việt Nam, tòa nhà DOJI Tower đã được UBND TP Hà Nội chỉ đạo là điểm nhấn trong quy hoạch TP chào mừng 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.
TPBank: Ngân hàng điện tử là mũi nhọn
Thông chỉ sáng lập Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI và kinh doanh thành công, ông Phú và em trai Đỗ Anh Tú đã tạo dựng thành công thương hiệu Diana và bán cho công ty Nhật Bản khi công ty đang ở đỉnh cao. Sau thương vụ M&A đình đám này, anh em ông Phú và Tập đoàn DOJI đã bỏ “tiền tươi thóc thật” vào Tienphong Bank (nay là TPBank).
TPBank từng là 1 trong 9 ngân hàng TMCP phải tái cơ cấu giai đoạn 2011 - 2015. Vượt qua rất nhiều thử thách cuối cùng đã tái cơ cấu thành công, giờ đây, TPBank đã trở thành một ngân hàng có lợi nhuận lớn với mức định giá gần 20.000 tỷ đồng.
Ông kể lại, khi nhận được quyết định về tái cơ cấu tháng 7/2012, đây là một lĩnh vực mới và rất khó với tôi. Quyết định đầu tư vào vào Ngân hàng Tiên phong lúc đó với tôi như “lao đầu vào đá”. TPBank khi đó có 3 cái tôi gọi là 3 “không”. Không có cách đúng, cách chuẩn để phát triển của một NHTM; Không có một đội ngũ lãnh đạo đủ năng lực; Không có đủ công nghệ.
Làm thế nào để làm được đối với tôi khi đó gần như là việc bất khả thi? DOJI thu về khoảng 184 triệu USD từ việc bán Diana trước khi mua cổ phần TPBank. Dòng tiền thực này giống như nguồn máu mới được tưới vào cơ thể ốm yếu TPBank khi đó.
Nguyên nhân thành công thứ hai là các cổ đông thực, không muốn biến ngân hàng thành sân sau. “Chúng tôi không kỳ vọng ngân hàng là cổng tài chính của DOJI. Chúng ta đã thấy bức tranh u ám của đầu tư chéo hiện nay và chúng tôi tuân thủ nguyên tắc, tránh hiệu ứng rủi ro kép” - ông chủ TPBank đã cam kết.
Thế nhưng, nguyên nhân quan trọng nhất cần phải có một sự quản trị thực của ngân hàng, ban điều hành thực sự mà ở đây là vai trò kiến trúc sư trưởng Đỗ Minh Phú. Chính những người điều hành chủ chốt tại TPBank chia sẻ đã học hỏi rất nhiều từ Chủ tịch HĐQT của mình.
Định hướng cho TPBank trong những năm tới, ông Phú khẳng định sẽ tập trung vào mũi nhọn ngân hàng điện tử với những mấu chốt như mobile banking và QR payment. Ông cho biết, 5 năm sau khi mua lại TPBank là quãng thời gian đẹp nhất và cũng thách thức nhất đối với mình, song ông thấy vẫn còn rất nhiều việc phải làm với TPBank. Một trong những dự định của ông là đưa TPBank vào top 5 ngân hàng mạnh nhất Việt Nam.
Bên cạnh TPBank, hệ thống kinh doanh vàng bạc, trang sức lớn nhất Việt Nam, Tập đoàn Doji cũng đang sở hữu nhiều khu đất đắc địa tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội như Tòa nhà Opera View, nằm tại trung tâm TP Hồ Chí Minh, tòa nhà Ruby Plaza (số 44 Lê Ngọc Hân, Hai Bà Trưng, Hà Nội) và đặc biệt là DOJI Tower - Trung tâm vàng bạc đá quý lớn nhất Việt Nam tại số 5 Lê Duẩn (Hà Nội) - nơi từng là Bách hóa số 5 Nam Bộ gắn bó một thời với người Hà Nội...
Tập đoàn DOJI cũng là cái nôi ra đời những DN lớn trong đó phải kể đến Công ty CP Diana, Bông Sen Đỏ, BĐS DOJILand, Công ty CP Artex Sài Gòn… DOJI không ngừng khẳng định sức mạnh và vị thế vững chắc của mình trên hành trình phát triển hưng thịnh, hứa hẹn nhiều bứt phá.
Dòng máu kinh doanh và chữ tín
Chủ tịch Hội đồng sáng lập Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI kiêm Chủ tịch HĐQT TPBank từng chia sẻ, không chỉ có dòng máu kinh doanh chảy trong huyết quản, không hẳn gia thế lẫy lừng, mà chính tinh thần tự lập, tự cường đã góp phần tạo nên một Đỗ Minh Phú bản lĩnh như ngày hôm nay.
Những thành công có được của ông và các anh em nhờ vào sự dạy dỗ và 3 chữ tự của người cha quá cố của ông - cụ Đỗ Thế Sử là người gây dựng nên danh tiếng Đỗ gia - đại gia đình doanh nhân nổi tiếng ở Việt Nam để lại.
Thấm nhuần chữ Đạo làm người từ người cha kinh doanh và không ngừng ham học hỏi đến cuối đời, ông Phú - cũng như 10 anh chị em của mình - đều lấy bài học tự lực cánh sinh. Ở tuổi 66, nhiều "đại gia" chọn cho mình cuộc sống điền viên vui vầy bên con cháu, nhưng ông thì không, ông Phú vẫn chưa có ý định ngừng viết tiếp các chương sau của cuốn sách sự nghiệp đời mình.
Ông kể rằng, từ một người đàn ông khỏe mạnh và "chưa biết mùi bệnh viện bao giờ", đã phải cấp cứu vì căn bệnh dạ dày hành hạ, 12 ngày đêm không ăn không uống được gì nhiều.
Ít ai biết được trong hành trình hơn 5 năm nhảy vào lĩnh vực ngân hàng, chưa bao giờ ông đi ngủ trước 12 giờ đêm. Ông cũng chưa từng trễ hẹn, cũng chưa từng một lần tỏ vẻ mệt mỏi hay chán nản. Bởi chính ông hiểu hơn ai hết, rằng người lãnh đạo phải là người tiên phong, phải là người truyền cảm hứng, tạo động lực, phải xây dựng niềm tin với nhân viên của mình.
Thậm chí, vị doanh nhân này cũng đã vạch ra các chính sách trong tương lai gần để người lao động gắn bó hơn. Trước mắt là kế hoạch không phải làm việc sáng thứ Bảy, nếu trường hợp nào phải làm thì sẽ có chính sách đãi ngộ phù hợp; rồi được tăng lương nhiều hơn, thưởng nhiều hơn…

Ông Đỗ Minh Phú đạt rất nhiều giải thưởng doanh nhân: Lọt top 24 doanh nhân xuất sắc giải thưởng Ernst & Young; doanh nhân Thương mại dịch vụ xuất sắc; doanh nhân tiêu biểu - Cúp Thánh Gióng có thành tích xuất sắc trong quá trình sản xuất kinh doanh, có đóng góp to lớn cho ngân sách Nhà nước, tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội, tạo công ăn việc làm cho người lao động…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần