Đô thị nào sẽ trở thành động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu?

Phương Dung (Theo Bloomberg)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến năm 2050, khoảng 5 tỉ người sẽ sống ở các thị trường mới nổi, và khu vực này cũng chiếm một nửa sức tăng trưởng kinh tế toàn cầu, theo nghiên cứu của McKinsey và Liên Hợp quốc.

Nếu bạn lựa chọn sống ở các đô thị là trung tâm của tăng trưởng kinh tế thế giới trong những thập niên tới, hãy đến những địa điểm như Kigali (Rwanda) hay Belo Horizonte (Brazil).
Theo báo cáo mới nhất của nhà kinh tế James Pomeroy thuộc ngân hàng HSBC, các đô thị tại thị trường mới nổi vốn chưa có vị trí quan trọng trên trường quốc tế sẽ đóng góp nhiều nhất cho hoạt động kinh tế thế giới trong vài thập niên tới. Tất cả là nhờ sự gia tăng dân số nhanh.
Nghiên cứu của McKinsey và Liên Hợp quốc cho biết tỷ lệ dân cư đô thị hóa tại khu vực nông thôn ở những nền kinh tế mới nổi được dự báo sẽ lên tới 63% trong năm 2050, tăng mạnh so với mức 50% ở thời điểm hiện tại.
 
Đến năm 2050, hơn một nửa dân số thế giới, khoảng 5 tỉ người, sẽ sống ở các thị trường mới nổi. Các thành phố thuộc thị trường mới nổi được dự báo sẽ trở thành động lực tăng trưởng cho nền kinh tế toàn cầu.
Nhà kinh tế Pomeroy nhấn mạnh: “Sự phát triển của các thành phố hạng vừa ở những thị trường mới nổi, cả về quy mô và sự giàu có, đồng nghĩa với việc thu hút thêm nhiều nhà đầu tư mới. Những đô thị này sẽ đóng vai trò ngày càng lớn đối với nền kinh tế toàn cầu”.
Vì vậy, theo ông  Pomeroy, các nhà hoạch định chính sách tại các thị trường mới nổi sẽ phải cân bằng giữa những thành tựu và tác động tiêu cực của quá trình đô thị hóa. Nếu chính quyền các đô thị này không quản lý tốt, những mặt trái của đô thị hóa như vấn nạn ô nhiễm môi trường và giao thông lộn xộn sẽ ảnh hưởng đến tiềm năng phát triển kinh tế.
Chính phủ Trung Quốc gần đây đã thông báo xây dựng đặc khu kinh tế mới mang tên Tân khu Hùng An (Xiongan New Area) với diện tích 2.000km2, gấp gần ba lần thành phố New York, Mỹ. Tân khu Hùng An được kỳ vọng sẽ trở thành “bàn đạp” tạo động lực mới cho phát triển kinh tế ở khu vực miền bắc Trung Quốc vốn trì trệ. Chính phủ nước này gọi kế hoạch xây dựng Tân khu Hùng An là “chiến lược quan trọng cho thiên niên kỷ tới”.
 Các đô thị tại thị trường mới nổi sẽ đóng góp nhiều nhất cho hoạt động kinh tế thế giới. 
Cũng theo nghiên cứu của McKinsey và Liên Hợp quốc, đô thị có mức tăng dân số lớn nhất thế giới dự báo nằm ở khu vực châu Phi. Dự kiến, thủ đô Kigali của Rwanda sẽ tăng gấp đôi so với số dân hiện tại là 1,3 triệu người trong 15 năm tới.
Để chuẩn bị cho quy mô dân số gia tăng nhanh chóng này, chính quyền các đô thị cũng phải có kế hoạch tổng thể xây dựng nhà ở, phát triển hạ tầng giao thông và xã hội cho người dân.
Tăng trưởng không theo kế hoạch là điểm yếu của nhiều nơi đô thị hóa quá nhanh, chẳng hạn như Karachi (Pakistan), Lagos (Nigeria) và Dhaka (Bangladesh). Các thành phố này sẽ nằm trong danh sách 10 đô thị đông dân nhất thế giới. Đến năm 2030, khoảng 81 trong số 100 thành phố đông dân nhất thế giới sẽ thuộc các thị trường mới nổi.
Trong khi đó, thị trường các nước phát triển đang đối mặt với dân số già, tỷ lệ người dân sống ở đô thị đạt tỷ lệ cao nhất.
"Những đô thị tại thị trường mới nổi vốn các nhà đầu tư phương Tây chưa từng nghe tới có thể sẽ đóng góp nhiều cho tăng trưởng GDP toàn cầu hơn các thành phố Geneva (Thụy Sĩ), Berlin (Đức) hay Milan (Ý)", nhà kinh tế Pomeroy nhận định.