Đô thị thông minh: Từ xu hướng đến hiện thực

Lan Hương - Tú Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thế giới đang chứng kiến xu hướng đô thị hóa mạnh mẽ. Đến năm 2050, hơn 60% dân số thế giới dự kiến sẽ sống ở các TP. Làm cho những TP này trở nên đáng sống hơn bằng cách sắp xếp các dịch vụ hợp lý, hiệu quả và bền vững chính là cốt lõi của khái niệm đô thị thông minh. Báo Kinh tế & Đô thị xin giới thiệu loạt bài về nền tảng của đô thị thông minh, một số hình mẫu và những kinh nghiệm Hà Nội có thể áp dụng để bạn đọc có thể hình dung rõ hơn về xu hướng này.

 Trung tâm điều khiển giao thông Hà Nội với trang thị bị hiện đại kết nối hệ thống mạng internet. Ảnh Công Hùng
Bài 1: Nền tảng của đô thị thông minh
Việc phát triển đô thị thông minh hiện nay không còn là dự báo mà đã trở thành một xu hướng quan trọng có khả năng giải quyết nhiều thách thức mà các đô thị phải đối mặt. Theo nghiên cứu, ngành công nghiệp xây dựng TP thông minh dự kiến sẽ là một thị trường 400 tỷ USD vào năm 2020, với 600 TP trên thế giới. Vậy xu hướng đô thị thông minh là gì và người dân sẽ được hưởng lợi gì từ mô hình này?
Vì sao cần xây dựng đô thị thông minh?

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, ông Phạm Thái Lai - CEO Siemens Việt Nam cho rằng, sự gia tăng và già hóa dân số, biến đổi khí hậu, tình trạng xuống cấp của hạ tầng cơ bản, sự khan hiếm nguồn lực, nhu cầu và kỳ vọng thay đổi là những thách thức mà các TP trên thế giới phải đối mặt.

Tốc độ phát triển mạnh của các TP do đô thị hóa và phát triển kinh tế nhanh cũng gây ra áp lực lớn cho những người ra quyết sách và kế hoạch hóa đô thị phải đảm bảo chất lượng cuộc sống người dân, đồng thời vận hành các thủ đô phát triển kinh tế bền vững, cạnh tranh và các nguồn lực được quản lý một cách hợp lý. Giải pháp hiệu quả cho các thách thức nói trên là phải phát triển các TP trở thành TP thông minh, hay nói cách khác là đô thị thông minh.

10 lý do để phát triển đô thị thông minh bao gồm: Nhằm đáp ứng được nhu cầu gia tăng về cơ sở hạ tầng cơ bản; Giảm áp lực về cầu cho các nguồn lực khan hiếm bằng việc xác định được nhu cầu thực và loại bỏ sự lãng phí; Nâng cao hiệu quả thông qua việc giảm chi phí cung cấp dịch vụ; Tăng cường năng lực trên cơ sở tối ưu nguồn đầu tư; Tiết kiệm chi phí cho cư dân, DN và du khách; Cung cấp cho người dân các dịch vụ tốt hơn, tin cậy hơn và có tính kết nối hơn; Tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thông tin, có được nhiều lựa chọn; Cung cấp môi trường sống lành mạnh và giảm ô nhiễm; Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tạo cơ hội cho DN; Nâng cao chất lượng cuộc sống, thu hút được nguồn nhân lực, vốn đầu tư và tăng trưởng kinh tế.
 
Lợi ích cho cư dân và doanh nghiệp

Theo ông Lai, từ “thông minh” không chỉ giới hạn ở lĩnh vực công nghệ mà còn bao gồm những khía cạnh về xã hội và yếu tố con người trong một TP. Các đô thị thông minh sẽ được trang bị đầy đủ thông tin, được kết nối và đáp ứng được các nhu cầu của cư dân, hướng tới con đường phát triển bền vững và một sự thịnh vượng về nhiều mặt.

Một đô thị thịnh vượng và hiện đại sẽ thúc đẩy công nghệ thông tin và truyền thông. “Một cơ sở hạ tầng thông minh và bền vững sẽ tạo điều kiện tăng cường phát triển kinh tế. Những yếu tố này có ảnh hưởng đáng kể tới hiệu suất và công suất của cơ sở hạ tầng, dịch vụ cho cư dân, cơ hội kinh tế và chất lượng cuộc sống” - ông Lai nhấn mạnh.

Bà Esmeralda Swartz, người đứng đầu chiến lược và tiếp thị thuộc bộ phận kinh doanh phần mềm của hãng Ericsson khẳng định, các TP thông minh cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, từ những thứ đơn giản nhất trở đi. "Ví dụ, bạn muốn tìm chỗ đỗ xe. Giờ đây, thông qua các ứng dụng trên điện thoại di động hoặc qua những cảm biến, bạn sẽ biết chính xác nơi nào cần đi và không cần phải chạy quanh tìm kiếm. Những điều đơn giản đó chính là những thứ chúng ta cần trong sự cải thiện về tương tác dịch vụ của một đô thị thông minh” - bà Swartz nói.

Tiêu chí của một đô thị thông minh

Theo tổ chức Smart Cities Council, được sử dụng lần đầu vào những năm 1990, thuật ngữ “Đô thị thông minh” hay “Thành phố thông minh” (Smart City) là tầm nhìn phát triển đô thị tiến hành hợp nhất công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) và mạng lưới thiết bị kết nối internet (IoT) thành một hệ thống quản lý vững chắc đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của một TP.

Chức năng của một đô thị thông minh là ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông và tin học để cải thiện chất lượng các dịch vụ kể trên. ICT sẽ tạo điều kiện cho chính quyền TP có cơ hội tương tác trực tiếp với cộng đồng dân cư và kiểm soát hệ thống cơ sở hạ tầng trong khu vực. Đồng thời chính quyền địa phương cũng sẽ chủ động giám sát mọi diễn biến, biến hóa xảy ra trong TP để có thể nâng cao chất lượng cuộc sống.

6 khái niệm trên cũng là 6 thước đo để nhận dạng và xếp loại đô thị thông minh đòi hỏi các nhà xã hội học và các nhà kiến trúc sư tiến hành xây dựng các khu đô thị thông minh nhằm theo kịp xu hướng và đáp ứng nhu cầu cuộc sống thiết thực của người dân, giúp cộng đồng hướng tới phát triển lối sống bền vững.
(còn nữa)