Đô thị thông minh, xu hướng thời thượng hay dài hơi?

Nam Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, để đón bắt xu hướng đô thị thông minh (smartcity), các chủ đầu tư bất động sản đã nhanh chóng phát triển các dự án gắn với tính năng "smart" và phân khúc này. Sản phẩm này đang tạo thêm cho bức tranh thị trường bất động sản Việt Nam có những mảng màu ấn tượng.

Một mô hình TP thông minh đang được hướng đến. Nguồn: Indiapages
Xu hướng tất yếu của smartcity
Theo đánh giá của các chuyên gia, đại diện các cơ quan quản lý, đại diện các DN tại hội thảo "Phát triển bất động sản Việt Nam: Tầm nhìn và triển vọng" tổ chức ngày 11/8, hiện nay Việt Nam đang chứng kiến sự đô thị hóa mạnh mẽ tại các đô thị lớn. Đặc biệt, ở 2 TP lớn nhất, sôi động nhất là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, bên cạnh đó là các khu kinh tế trọng điểm. Theo số liệu được công bố tại hội thảo, dự báo đến năm 2020, dân số thành thị sẽ lên đến 46 triệu, tương đương khoảng 45% dân số cả nước.

Ông Vũ Đình Hoè - Phó Tổng Biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam nhận định, tỷ lệ đô thị hóa dự kiến tăng lên 46% vào năm 2025. Ước tính trong vòng 10 năm tới, tổng nhu cầu nhà mới có thể lên đến 5,1 triệu căn trong phân khúc nhà giá thấp và trung bình. Tốc độ đô thị hóa không chỉ khiến nhu cầu về nhà ở tăng mà còn kích cầu bất động sản du lịch và nghỉ dưỡng.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự tiến bộ vượt bậc về công nghệ đã và đang tác động mạnh mẽ đến hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề, thị trường và cuộc sống hàng ngày của con người. Trên nền tảng số hóa và trí tuệ nhân tạo, đô thị thông minh (smartcity) đang trở thành một xu hướng mới thể hiện những đột phá về giải pháp.

Tại Việt Nam, Chính phủ và các địa phương cũng đã nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và đã nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế cũng như cân nhắc phù hợp với điều kiện thực tế, xây dựng đề án smartcity.

Nhiều tỉnh, TP đã công bố nghiên cứu và phê duyệt đề án này, và mới đây nhất Thủ tướng cũng đã phê duyệt đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam đến năm 2025 tầm nhìn 2030. Đây là những định hướng quan trọng, có tác động cơ bản và mạnh mẽ đến xu hướng phát triển của thị trường bất động sản.

Cũng theo Phó Tổng Biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam, để đón bắt xu hướng smartcity, các chủ đầu tư bất động sản đã nhanh chóng phát triển các dự án bất động sản gắn với tính năng "smart" và phân khúc này, sản phẩm này đang tạo thêm cho bức tranh thị trường bất động sản Việt Nam có những mảng màu ấn tượng.

"Tuy nhiên, bất động sản thông minh đang là một sản phẩm rất mới trên thị trường, khởi đầu đã tạo được sự thu hút và quan tâm của các nhà đầu tư, song, có trở thành một sản phẩm có sức hút cao và bền vững như kỳ vọng hay không, câu trả lời còn ở phía trước", ông Vũ Đình Hòe đánh giá.

Trong khi đó, ông Ngô Đông Hải - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, khái niệm TP thông minh, 4.0 đang khá thịnh hành trong phương tiện thông tin đại chúng. Tuy vậy, ông Hải cũng băn khoăn, không biết đây là xu hướng thời thượng hay dài hơi?

"Chúng ta đưa trào lưu vào trong xu hướng phát triển kinh tế, có tác động đến phát triển các khu đô thị như khu đô thị trẻ theo nghĩa về quy mô, trình độ phát triển. Việc tiếp cận nền kinh tế số, đô thị thông minh giúp chúng ta không bị bỏ loại ra khỏi sân chơi, bắt kịp xu thế thế giới", ông Ngô Đông Hải nói.

Còn theo nhận định của ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: "Kỷ nguyên 4.0 được hiểu là kỷ nguyên số hóa. Tòa nhà thông minh hiểu là không gian sống thông minh cho tất cả mọi người. Tôi nghĩ thời gian tới, đô thị thông minh không chỉ dành cho giới trung lưu, mà cho tất cả mọi người".

Tại cuộc khảo sát ngay trong hội thảo, trả lời cho câu hỏi: Những vấn đề nào cần được lựa chọn giải quyết đầu tiên để đảm bảo thực hiện thành công đề án smartcity tại TP Hồ Chí Minh? Có tới 58% số phiếu thu về nêu "đích danh" tình trạng kẹt xe của giao thông nội đô; 16% quan tâm đến tình trạng ngập nước; 11% lưu ý vấn đề ô nhiễm môi trường; và 15% ý kiến quan tâm đến các dịch vụ tiện ích.
Đẩy mạnh liên kết giữa DN FDI và DN trong nước

Cũng theo nhận định của các đại biểu, hiện nay chúng ta đang đứng trong xu hướng "toàn cầu hóa bất động sản". Việt Nam đang trong tiến trình hội nhập sâu rộng, tích cực thực thi các hiệp định thương mại thế hệ mới song phương và đa phương, điều này mở ra nhiều cơ hội cho nhà đầu tư trong nước ra mua nhà nước ngoài và người nước ngoài vào mua nhà và đầu tư tại Việt Nam.
Các diễn giả tại hội thảo. Nguồn: VnEconomy
Ông Vũ Đình Hoè dẫn số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và đầu tư) cho thấy, tỷ trọng nguồn vốn rót vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản hiện đứng thứ 2, chiếm hơn 27% tổng dư lượng FDI đầu tư vào Việt Nam.

Tuy nhiên, theo ông Phan Trường Sơn - Trưởng phòng Quản lý Bất động sản (Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh), trong 5 năm trở lại đây thì nguồn vốn đầu tư nước ngoài chủ yếu vào bất động sản theo hình thức gián tiếp, nguyên nhân là do đặc thù sở hữu đất đai tại Việt Nam.

Chỉ tính riêng thống kê từ Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP Hồ Chí Minh, lượng kiều hối bình quân trong 3 năm trở lại đây khoảng 5 tỷ USD. Đổ vào bất động sản trên 21%, như vậy 1 năm có trên 1 tỷ USD đổ vào bất động sản. Đây là sự hỗ trợ lớn cho DN, chủ đầu tư, góp tích cực vào phát triển kinh tế TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung.

Từ thực tiễn trên, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam mong muốn, các DN FDI bắt tay với doanh nghiệp trong nước. Nếu DN FDI có lợi thế về vốn và công nghệ, nhưng DN trong nước có sự am hiểu về thị trường, văn hoá. Do vậy, sự bắt tay, cộng sinh giữa DN trong nước và FDI là rất cần thiết.
Tác động của cuộc cách mạng 4.0

Trước câu hỏi: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động đến thị trường bất động sản Việt Nam thế nào? Ông Phạm Văn Thường (đại diện Bộ Xây dựng) nhận định, tác động của cuộc cách mạng 4.0 có thể thấy qua việc hình thành các sàn giao dịch bất động sản online, ở Hà Nội có thể mua nhà tại TP Hồ Chí Minh qua mạng Internet.

Các sàn bất động sản hiện nay áp dụng thành công mô hình kinh doanh online, và phần nào giúp thị trường bất động sản đi vào giai đoạn phục hồi, sau giai đoạn trầm lắng (trước 2014) do hệ lụy của phát triển nóng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần