Đoàn đại biểu lãnh đạo thành phố Hà Nội dâng hương tưởng niệm Danh nhân Chu Văn An tại tỉnh Hải Dương

Trần Long
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 13/11, nhân dịp kỷ niệm 650 năm Ngày mất Danh nhân Chu Văn An (1370-2020), Đoàn đại biểu Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội do Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong làm Trưởng đoàn đã đến dâng hương tưởng niệm, tri ân người có công với nền giáo dục nước nhà tại khu di tích Đền thờ Chu Văn An (thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương).

Tham gia Đoàn có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà; Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý.
Về phía tỉnh Hải Dương, có các đồng chí: Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Hiệu; Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Chí Linh Hoàng Quốc Thưởng.
 Đoàn đại biểu nghe đọc Chúc văn tưởng nhớ công ơn Danh nhân Chu Văn An 
Tại sự kiện, các đại biểu đã dâng hương và nghe đọc Chúc văn tưởng nhớ công ơn Danh nhân Chu Văn An, nhà giáo lỗi lạc, người thầy của mọi thời đại, người đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp dạy học, với triết lý giáo dục không phân biệt giàu nghèo, học đi đôi với thực hành, học suốt đời để biết, để làm việc và cống hiến cho xã hội. Tư tưởng giáo dục của ông không những có ảnh hưởng tới nhiều thế hệ người Việt Nam mà còn góp phần phát triển các giá trị nhân văn trong khu vực, có những giá trị tiến bộ vượt thời đại, gần gũi với mục đích giáo dục của thế giới hiện nay.
 Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong và lãnh đạo TP Hà Nội, tỉnh Hải Dương dâng hương tưởng niệm Danh nhân Chu Văn An tại khu di tích Đền thờ Chu Văn An ở Hải Dương
Danh nhân Chu Văn An, tên thật là Chu An, quê ở thôn Văn, xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay thuộc xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội). Ông là người chính trực, đã từng đỗ Thái học sinh nhưng không ra làm quan mà mở trường dạy học ở làng Huỳnh Cung, bên sông Tô Lịch. Ông được Vua Trần Minh Tông mời ra làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám, dạy cho các Thái tử và phò giúp nhà vua. Đến thời Trần Dụ Tông, triều đình rối ren, ông khuyên can nhà vua vững con thuyền an dân, dâng “thất trảm sớ” xin trừng trị bảy gian thần nhưng bất thành. Ông cáo quan về núi Phượng Hoàng (nay thuộc phường Văn An, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương) ở ẩn, dạy học, viết sách, tìm thuốc chữa bệnh cho dân cho tới khi mất. Khi qua đời ông được Vua Trần Nghệ Tông phong tước Văn Trinh Công, tước phẩm cao nhất trong hạng tước và được thờ tự tại Văn Miếu. Tên tuổi của Danh nhân Chu Văn An đi vào lịch sử dân tộc như một bậc nho học tiêu biểu của nước Việt, một tấm gương sáng về đạo làm người.
Khu di tích đền thờ Chu Văn An đặt tại nơi ông ở ẩn và dạy học lúc sinh thời, gồm ba khu vực là đền thờ, lăng mộ và Điện Lưu Quang. Toàn bộ công trình được trùng tu xây dựng đồng bộ, kiên cố theo lối kiến trúc cổ, trong đó khu lăng mộ nằm ở đỉnh phía đông núi Phượng Hoàng, được làm bằng chất liệu đá xanh, chạm khắc hoa văn thời Trần. Vẻ đẹp thiên nhiên của vùng này đã đi vào thơ ca “Kiệt sơn thất thập nhị phong. Phượng Hoàng bậc nhất trong vùng Chí Linh”.
 Khu di tích đền thờ Chu Văn An tại Chí Linh, tỉnh Hải Dương
Hàng năm, tại khu di tích diễn ra Lễ khai bút đầu xuân vào ngày 8 tháng Giêng (âm lịch) và Lễ hội về nguồn vào ngày 26 tháng 11 (âm lịch). Sự kiện đã trở thành nét đẹp văn hoá trong đời sống tinh thần của nhân dân cả nước, đặc biệt là trong giáo viên và học sinh, sinh viên. Khu di tích danh thắng này không chỉ là nơi giáo dục truyền thống “tôn sư trọng đạo” mà còn trở thành điểm tham quan hấp dẫn du khách cả nước. Đền thờ được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia năm 2008. Tháng 11-2019, Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Văn hóa và Khoa học của Liên hợp quốc (UNESCO) đã ra Nghị quyết cùng Việt Nam tổ chức kỷ niệm 650 năm ngày mất của Danh nhân Chu Văn An vào năm 2020.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần