Hàng loạt doanh nghiệp bất động sản báo lỗ

Bài & ảnh: Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Covid-19 đã làm cho nhiều “ông lớn” trong ngành bất động sản (BĐS) lao đao, doanh thu và lợi nhuận liên tục giảm sút, vốn xoay vòng đầu tư cạn kiệt. Trong khi đó, nguồn tiền tại các ngân hàng được đánh giá là tương đối lớn, nhưng nghịch lý, các doanh nghiệp lại đang đói vốn đầu tư sản xuất.

Doanh thu sụt giảm
Theo kết quả trên báo cáo tài chính bán niên sau soát xét của Công ty CP Phát triển đô thị Từ Liêm (mã NTL), kết thúc quý II doanh thu thuần giảm 101 tỷ đồng, giảm 68% với với cùng kỳ 2019. Doanh thu 2 quý đầu năm cũng sụt giảm nghiêm trọng, lợi nhuận gộp tương ứng giảm 47% còn 60 tỷ đồng, chi phí bán hàng tăng gần 26 lần, lãi giảm một nửa so với cùng kỳ.
Tương tự là trường hợp của Công ty CP Đầu tư và phát triển du lịch Vinaconex (VCR) từ cuối năm 2019 đến hết quý II/2020 đơn vị này không có doanh thu, chi phí quản lý lại tăng gần 20%. Trong khi đó, “ông lớn” Đất Xanh (Mã DXG) cũng cho biết trong nửa đầu năm 2020 DXG lỗ ròng hơn 488 tỉ đồng, giảm 43% so với cùng kỳ năm trước...
Nhiều doanh nghiệp BĐS báo lỗ do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Ngoài ra, trước sức ép phải trả các chi phí như lãi vay ngân hàng, chi phí nhân viên… nhiều DN BĐS đã phải thoái vốn, bán công ty con hoặc doanh nghiệp thành viên. Đơn cử như tại QGC, từ đầu năm đến nay, DN này đã hoàn tất chuyển nhượng toàn bộ 100% vốn tại CTCP BĐS Hiệp Phúc; hay như vụ chuyển nhượng 35% cổ phần sở hữu tại BĐS Sông Mã...
Theo đánh giá của các chuyên gia, do diễn biến khó lường của dịch Covid-19 khiến cho nguồn thu nhập của khách hàng bị giảm sút, không có khả năng đóng tiền theo đúng cam kết với chủ đầu tư, dự báo nếu tình hình kéo dài buộc nhà đầu tư phải “cắt lỗ” để chuyển nhượng sản phẩm.
“Trong khi đó các doanh nghiệp BĐS cũng buộc phải đưa ra giải pháp tái cơ cấu danh mục đầu tư, tiết kiệm chi phí hoặc thậm chí chấp nhận giảm giá để bán được hàng, giữ dòng tiền. Trước những diễn biến phức tạp của Covid-19, chưa biết đến khi nào thì dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn, nếu dịch bệnh được kiểm soát trong quý III, thì thị trường sẽ phục hồi vào cuối năm; ngược lại nếu hết năm nay chưa kiểm soát được thì khó khăn có thể còn kéo dài đến hết năm 2021” - Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính nhận định.
Doanh nghiệp thiếu vốn đầu tư
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), 8 tháng qua, hệ thống ngân hàng đã được bổ sung thêm gần 200.000 tỷ đồng thanh khoản. Tính đến giữa tháng 8, huy động vốn toàn hệ thống tăng gần 6,3%, trong khi tín dụng chỉ tăng 4,13%.
Tính đến hết tháng 8, toàn hệ thống ngân hàng mới giải ngân thêm hơn 346.600 tỷ đồng tín dụng ra nền kinh tế. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong nửa thập niên qua. Nguyên nhân trực tiếp là đại dịch Covid-19 đã khiến doanh nghiệp suy kiệt, thu hẹp sản xuất hoặc đóng cửa nên khả năng hấp thụ vốn rất thấp.
Cũng trong khoảng thời gian này, tổng lượng tiền gửi của người dân vào các ngân hàng đã lên tới hơn 246.000 tỷ đồng, trong khi lượng tiền gửi từ các tổ chức kinh tế là gần 171.300 tỷ đồng. Theo đánh giá, hiện tượng tiền nhàn rỗi vẫn chảy mạnh vào các ngân hàng dù lãi suất thấp trong thời gian qua, một phần là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến hoạt động kinh doanh của nhiều cá nhân, DN bị đình trệ.
Cùng với đó, một số kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán, BĐS, ngoại tệ không còn hấp dẫn và có thể sinh lời cao tại thời điểm này. “Việc người dân tìm một kênh giữ tiền an tòa, chấp nhận lãi suất thấp đã khiến cho DN thiếu nguồn vốn để tái đầu tư” - Chuyên gia tài chính Nguyễn Huy Thành nhận định.
Trong khi bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn và đang trong quá trình phục hồi, chủ trương của NHNN là không thể cho vay một cách cẩu thả, tất cả những tiêu chí về cho vay phải hết sức cẩn trọng, bởi rất nhiều doanh nghiệp hiện tại đang suy yếu và có độ rủi ro cao về kinh tế, để tránh trường hợp nợ xấu.
Về vấn đề này, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Trung ương, PGS. TS Trần Đình Thiên cho rằng, việc Chính phủ đưa ra các gói kinh tế để hỗ trợ DN cũng cần phải có những định hướng cụ thể, tránh việc cho vay dàn trải, không hiệu quả.
“Trước hết phải xác định nguồn vốn này cho ai vay và vay như thế nào? Có nên cho những DN nhỏ và vừa đang trước bờ vực phá sản vay hay nên tập trung vào những DN lớn là xương sống của nền kinh tế? Theo tôi là nên “cứu” cho những DN lớn trước để hỗ trợ cho nền kinh tế và cũng là chỗ dựa cho các DN khác phục hồi” - PGS. TS Trần Đình Thiên nhìn nhận.