Doanh nghiệp BOT: Người khổng lồ trên đôi chân đất sét

Minh Tường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thiếu nguồn lực tự thân, ngân hàng siết chặt dòng vốn vay, thu phí không được như mong đợi, bị người dân phản ứng quyết liệt, nhiều dự án BOT đang rơi vào bế tắc.

Giới chuyên gia nhìn nhận, các nhà đầu tư lúc này như những gã khổng lồ muốn chạy nước rút bằng "đôi chân đất sét" nhưng lực đã bất tòng tâm.
Kẻ bị loại, người bỏ đi
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT chấm dứt vai trò nhà đầu tư với liên danh nhà thầu dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn. Đây cũng là dự án BOT đầu tiên bị chấm dứt vai trò nhà đầu tư vì không huy động được vốn để tiếp tục làm dự án. Theo lý giải của Bộ GTVT, đến thời điểm này liên danh vẫn không thể huy động đủ nguồn vốn chủ sở hữu theo quy định; mà nguyên nhân lớn nhất là do sự rút lui của các ngân hàng.

Trạm thu phí QL 6 Xuân Mai - Hòa Bình. Ảnh: Công Hùng

Tương tự, dự án BOT Hòa Lạc - Hòa Bình cũng đang sa lầy khi nguồn vốn từ Ngân hàng SHB - chi nhánh Ba Đình đột ngột ngừng rót về từ tháng 9/2016. Lý do ngân hàng đưa ra là doanh thu thực tế của trạm thu phí BOT QL6 thấp hơn nhiều so với kế hoạch đề ra. Theo hợp đồng BOT đã ký giữa Bộ GTVT và Công ty TNHH BOT QL6 - Hòa Lạc - Hòa Bình, số tiền thu được từ trạm thu phí Km42+730, QL6 với số thu tối thiểu kể từ ngày 1/8/2015 - 31/7/2016 phải đạt 124 tỷ đồng. Nhưng trên thực tế, doanh thu của trạm chỉ đạt 66,9 tỷ đồng, bằng 54% mức doanh thu kỳ vọng.
Theo kế hoạch ban đầu, dự án sẽ thông xe vào cuối năm 2016 nhưng đến nay vẫn dở dang, chậm trễ, bởi nguồn vốn vay ngân hàng chiếm đến 80% mức đầu tư dự án. Giữa tháng 3 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Quang đã phải “cầu cứu” Chính phủ chỉ đạo ngân hàng SHB - Chi nhánh Ba Đình sớm nối lại công tác giải ngân để dự án hoàn thành đúng tiến độ. Trong khi đó, Tasco - một trong những DN hàng đầu trong lĩnh vực đầu tư BOT giao thông cũng mới quyết định dừng cuộc chơi sau gần 10 năm gắn bó. Đại diện Tasco cho biết, đã đổ khoảng 15.000 tỷ đồng vào lĩnh vực BOT; và tỷ suất sinh lời khoảng 11,5%/năm được đánh giá là không đột phá, thời gian quay vòng vốn không đáp ứng mong đợi.
Tồn tại lay lắt
Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng nhìn nhận, so với nhiều nhà đầu tư đã lún quá sâu vào các dự án BOT giao thông, thì liên danh 5 nhà đầu tư vừa bị loại khỏi dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn còn khá may mắn. Đơn cử như dự án BOT cầu Hạc Trì (Phú Thọ), đại diện nhà đầu tư cho hay, hiện doanh thu thực tế quá thấp.
Được biết, theo phương án hợp đồng BOT ban đầu đã ký kết giữa nhà đầu tư và Bộ GTVT, sau khi cầu Hạc Trì hoàn thành sẽ cấm hoàn toàn các phương tiện lưu thông qua cầu Việt Trì cũ; nhưng đến nay, phương án đã được thay đổi thành "ô tô dưới 7 chỗ vẫn được lưu thông qua cầu Việt Trì". Bên cạnh đó, do không có lực lượng túc trực, xử phạt nên ô tô tải, ô tô khách vẫn đi qua cầu Việt Trì để né trạm khiến họ thất thu không nhỏ, tới nỗi, giữa năm 2016, nhà đầu tư đã muốn đóng cửa, dừng hoạt động của cây cầu 1.900 tỷ đồng này vì thua lỗ.
 Trạm thu phí BOT cao tốc Hà Nội - Bắc Giang. Ảnh: Phạm Hùng
Hay như dự án Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn), khi gần hoàn thiện, nhà đầu tư mới phát hiện trạm BOT đặt theo vị trí thiết kế ban đầu sẽ có thể khiến họ chịu lỗ hơn 1.000 tỷ đồng. Nhà đầu tư quay sang xin được nâng cấp thêm 25km tuyến đường QL3 trên địa bàn Thái Nguyên và lập thêm trạm thu phí BOT để hoàn vốn cho dự án Thái Nguyên - Chợ Mới. Nhưng nghịch lý 2 trạm BOT/1,5km đã vấp phải phản ứng quyết liệt của người dân và dù chưa thực hiện đã có nguy cơ “vỡ trận”. Về vấn đề này, chuyên gia giao thông Đặng Chí Nga, cho rằng: “Trường hợp tương tự nhà đầu tư này không hiếm, dẫn đến tình trạng các trạm BOT mọc lên khắp nơi và một số không nhỏ là dạng “đặt nhầm chỗ”. Họ vay tiền đầu tư, chịu lãi nên buộc phải tìm mọi cách tận thu nhằm trả nợ. Đó là điển hình của những người khổng lồ chân đất sét”.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật nhìn nhận, việc tiếp tục huy động nguồn vốn trong nước, dài hạn cho các dự án BOT giao thông hiện rất khó khả thi. Bộ GTVT cũng đã tổ chức tìm kiếm nguồn vốn ngoại nhưng nhiều nhà đầu tư nước ngoài tỏ ra quan ngại do chính sách Việt Nam thay đổi nhiều, mức tín nhiệm quốc gia chưa cao, không kiểm soát được giá thành tiến độ… Nếu không gỡ được nút thắt vốn, các dự án hạ tầng giao thông quan trọng có nguy cơ đình trệ rất lớn, nhãn tiền là dự án cao tốc đường bộ Bắc - Nam, và nguy cơ tới đây là Sân bay quốc tế Long Thành cũng như nhiều dự án khác.
Chúng ta không có sự lựa chọn khi không có kinh phí làm mới các con đường cũ nên phải nâng cấp trên chính con đường đó. Từ năm 2010 đến nay, Bộ GTVT đã tập trung đầu tư vào các dự án BOT nhưng đến 65% trong số đó là nâng cấp, chỉ 35% là dự án làm mới.
Thứ trưởng Bộ GTVT  Nguyễn Hồng Trường