Doanh nghiệp bức xúc tăng lương, đóng BHXH

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại hội nghị Người sử dụng lao động đối thoại với DN về thực hiện chính sách lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội (BHXH) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 21/12, đại diện các hiệp hội đề nghị nhanh chóng sửa đổi những quy định không còn phù hợp trong Bộ luật Lao động hiện hành, sớm trình Quốc hội thông qua.

Bởi việc tăng lương tối thiểu vùng, quy định giờ làm thêm như hiện nay cùng với thực hiện quy định mới về đóng BHXH khiến DN khó có cơ hội cạnh tranh.
 Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Đi vào nội dung dự thảo sửa đổi Bộ luật Lao động, các DN ngành dệt may nhận định, tăng lương tối thiểu khiến họ gặp khó trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Vì thế Hiệp hội VITAS kiến nghị Chính phủ 2 - 3 năm tăng lương tối thiểu một lần để giảm chi phí cho DN. Chủ tịch Hiệp hội DN Hưng Yên Nguyễn Xuân Dương cho rằng, quy định lương tối thiểu đang có bất hợp lý. Tiền lương tối thiểu nuôi được NLĐ và 1 con ăn học, thời gian nuôi con ăn học chỉ nên kéo dài đến năm 18 tuổi, nhưng NLĐ lại được cộng 0,7% vào lương đến khi nghỉ hưu. Quy định giờ làm thêm hiện nay cũng bất hợp lý, cản trở DN hoạt động nên đại diện các hiệp hội đề nghị nới rộng thời gian làm thêm quá 300 giờ/1 năm.

Nhưng bức xúc nhất đối với các hiệp hội và DN chính là quy định đóng BHXH căn cứ trên tiền lương và các khoản trợ cấp thường xuyên được thực hiện từ 1/1/2018. Cộng với việc các đơn vị ký hợp đồng với NLĐ thời gian làm việc từ 1 – 3 tháng cũng phải đóng BHXH sẽ làm DN tăng chi phí. Do đó, đại diện Hiệp hội DN Điện tử Việt Nam đề nghị tổng mức đóng BHXH giảm xuống trên tổng lương cơ bản để giúp DN có thêm sức cạnh tranh. Tuy nhiên, phản hồi về quy định đóng BHXH từ ngày 1/1/2018, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi khẳng định, tiền đóng BHXH cơ bản như năm 2017, không thay đổi nhiều. Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Quân thông tin, hiện nay mức đóng BHXH bình quân mới là 4,3 triệu đồng. Nhà nước sẽ điều chỉnh tăng lương không phụ thuộc quá nhiều vào thâm niên mà chính là năng suất lao động.