Doanh nghiệp chậm lên sàn: Truy trách nhiệm người đứng đầu

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù đã công khai danh tính hơn 600 DN chây y lên sàn sau cổ phần hóa (CPH) nhưng tình trạng DN chậm đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán (TTCK) vẫn phổ biến, ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch của thị trường. Do đó, thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tính đến việc xử phạt và công khai trách nhiệm của người đứng đầu tại các DN này.

 Người tiêu dùng lựa chọn mua sản phẩm tại siêu thị Hapro Gia Lâm. Ảnh: Hải Linh
667 DN chưa chịu lên sàn

Thông tin từ Bộ Tài chính, tính đến cuối năm 2018, cả nước vẫn còn 667 DN đã CPH nhưng chưa thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK. Một số DN chây ỳ lên sàn đã được nhắc đến gồm: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Bộ Công Thương) có 5 công ty là Công ty CP Vận tải và dịch vụ Petrolimex Thừa Thiên Huế, Công ty CP Thương mại và dịch vụ Petrolimex Đà Nẵng, Ngân hàng thương mại CP Xăng dầu Petrolimex, Công ty CP Nhiên liệu bay Petrolimex, Công ty CP Tư vấn xây dựng Petrolimex... Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Bộ Công Thương) gồm 16 công ty con như: Công ty CP Đại lý hàng hải, Công ty CP Than Miền Nam, Công ty CP Kinh doanh than Cẩm Phả…
Thông tư 13/2019/TT-BTC bổ sung quy định mới, DN CPH dưới hình thức chào bán chứng khoán ra công chúng theo quy định pháp luật về CPH chưa niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán thì phải đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết (UPCoM). Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc đợt chào bán chứng khoán ra công chúng, công ty đại chúng chưa niêm yết phải hoàn tất việc đăng ký chứng khoán tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) và đăng ký giao dịch trên UPCoM.

Nguyên nhân các DN chậm lên sàn trước hết là do sự chần chừ của DN, của cơ quan đại diện phần vốn nhà nước tại DN. Ngoài ra, nhiều DN không đủ điều kiện lên sàn hoặc một số DN đến thời điểm này không còn vốn Nhà nước, nên việc lên sàn hay không là do các cổ đông quyết định, chứ Nhà nước không thể can thiệp... Bộ Tài chính nhận định, việc nhiều DN chậm đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK sẽ làm ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch của thị trường, chậm đổi mới công tác quản trị DN CPH theo thông lệ và chuẩn mực của các DN trên TTCK cũng như hạn chế công tác giám sát của toàn xã hội đối với hoạt động của các DN này.

Công khai trách nhiệm cá nhân

Ngoài việc công khai các DN chậm lên sàn, thời gian qua, câu chuyện truy và công khai trách nhiệm cá nhân của lãnh đạo các DN này cũng từng được Bộ Tài chính đề cập đến. Tuy nhiên, đến nay, việc công khai danh tính lãnh đạo vi phạm vẫn chưa được thực hiện. Tại cuộc Họp báo chuyên đề về CPH DN Nhà nước, Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) Đặng Quyết Tiến cho biết, thời gian qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xử phạt nhiều DN sau CPH chậm đưa cổ phiếu lên sàn. Theo phân công của Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán là đầu mối kiểm tra, xử lý các DN chậm lên sàn. “Tới đây, Cục Tài chính DN sẽ phối hợp với Ủy ban Chứng khoán rà soát, tính toán xem cùng với xử phạt các DN chậm đưa cổ phiếu lên sàn có đồng thời công khai luôn trách nhiệm của lãnh đạo DN, người đại diện phần vốn nhà nước tại DN hay không. Nếu đủ điều kiện, thì ngay trong năm nay, chúng tôi sẽ công khai trách nhiệm cá nhân để xảy ra việc chậm trễ đưa cổ phiếu lên sàn trên trang thông tin điện tử của Bộ”- ông Tiến thông tin.

Cùng với đôn đốc Ủy ban chứng khoán vào cuộc kiểm tra, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm, trong tháng 4 - 5 tới, Cục Tài chính DN sẽ phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tiến hành kiểm tra 667 DN chậm đưa cổ phiếu lên sàn để có biện pháp xử lý nghiêm, đảm bảo tính răn đe. Bên cạnh đó, rà soát và hoàn thiện quy định pháp lý để đảm bảo tính chặt chẽ khi yêu cầu DN phải tuân thủ gắn CPH với lên sàn.