Doanh nghiệp chuyển mình để bắt kịp “đoàn tàu” 4.0

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong những năm qua, đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh, năng lực kinh doanh và quản trị DN, trách nhiệm xã hội, đạo đức, văn hóa kinh doanh được nâng lên. Đội ngũ doanh nhân đã lãnh đạo DN đưa kinh tế đất nước không ngừng phát triển, tạo thêm nhiều việc làm, cải thiện đời sống nhân dân.

Lãnh đạo TP Hà Nội trao tặng cúp Thăng Long cho các doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh và đóng góp với Thủ đô ngày 9/10. Ảnh: Viết Thành
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp (CMCN) 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, bên cạnh nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, thì các DN cũng cần thay đổi tư duy, nhanh chóng loại bỏ thói quen làm ăn manh mún để chủ động hội nhập, sản xuất kinh doanh theo chuẩn mực toàn cầu. 

Thay đổi tư duy

Thế giới đã trải qua CMCN thế hệ 1, 2, 3 và bây giờ là thế hệ 4. Chính CMCN 4.0 là nhân tố rất khách quan để thay đổi tư duy con người. Để tiếp cận CMCN 4.0 không chỉ là tiếp cận công nghệ số, robot, mà đó còn là vấn đề về nhân lực, giáo dục đào tạo, an ninh kết nối và các chính sách của Chính phủ trong việc thúc đẩy sáng tạo mà DN là trọng tâm. Bởi sáng tạo, công nghệ mới phải đến từ thực tiễn đòi hỏi thay đổi tư duy tiếp cận, từ cấp Chính phủ đến người đứng đầu các DN, người lao động...

Ngay từ khi cuộc CMCN 4.0 mới bắt đầu, Chính phủ đã có sự quan tâm rất nhiều. Song, cách tiếp cận, nhìn nhận CMCN 4.0 đòi hỏi Chính phủ có hành động cụ thể, có chính sách thúc đẩy, hỗ trợ để DN nhận thức tốt hơn về CMCN 4.0 và tạo ra nhiều DN sáng tạo mạnh hơn. Còn với các DN nếu không tư duy, không đuổi kịp thì càng lạc hậu. Chính phủ phải làm sao đẩy mạnh sự can thiệp của công nghệ vào lao động sản xuất. Nghĩa là đi trước một bước, đồng thời nhấn mạnh, CMCN 4.0 không phải là cuộc cách mạng của các DN lớn, không phải của các đại gia, mà là cuộc CMCN của mọi người, trong đó có vai trò của Nhà nước, của DN vừa và nhỏ, siêu nhỏ, DN tư nhân để thay đổi tương lai, diện mạo của các ngành kinh tế.

Cần cú huých mạnh

Trong những năm qua, Đảng, Chính phủ rất coi trọng phát triển DN, đặc biệt là các DN đổi mới sáng tạo với hàng loạt chủ trương, chính sách có liên quan mật thiết đến hoạt động của DN, trong đó có những chính sách rất cụ thể được ban hành. Điều đó khẳng định rõ quyết tâm của Chính phủ kiên quyết loại bỏ các bất hợp lý, rào cản trong các quy định pháp luật, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho DN phát triển trong bối cảnh hội nhập.

Cả nước hiện nay có khoảng 600.000 DN đang hoạt động. Trong đó, DNNVV hiện nay chiếm khoảng 98%. DNNVV là nơi tạo ra việc làm chủ yếu và tăng thu nhập cho người lao động, giúp huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, xóa đói giảm nghèo… Hằng năm các DNNVV đã tạo ra trên 1 triệu lao động mới; sử dụng gần 50% lao động xã hội và đóng góp hơn 40% GDP cho đất nước…

Tuy nhiên, vẫn còn những ý kiến chưa hài lòng về hiệu quả hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý. Qua khảo sát của Hiệp hội DNNVV cũng như làm việc trực tiếp với cộng đồng DN trên cả nước, tình trạng “trên nóng, dưới nóng nhưng giữa lạnh” vẫn còn tồn tại. Tức là, Chính phủ, Thủ tướng và DN rất sốt ruột nhưng khâu trung gian đôi khi thực hiện vẫn còn… lề mề. Vấn đề ở đây là tư duy đổi mới, rất cần có cú huých mạnh hơn nữa để DN phát triển trong bối cảnh hội nhập. Tôi cho rằng, sự hối thúc, động viên là chưa đủ, dứt khoát phải có biện pháp hành chính và phụ thuộc rất nhiều vào quyết tâm của người đứng đầu cơ quan hành chính. Ở đâu người đứng đầu kiên quyết loại bỏ thói làm việc phiền hà, gây khó khăn cho người dân và DN, ở đó hiệu quả thực thi công việc rất tốt.

Do đó, yêu cầu quan trọng là đổi mới từ tư duy, nhưng chính quyền và DN đều phải đổi mới, song hành cùng phát triển. Theo đó, Chính phủ cần kiên trì thực hiện mục tiêu cải cách, hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ; cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư, kinh doanh. Còn DN cần nhanh chóng loại bỏ thói quen làm ăn manh mún để chủ động hội nhập, sản xuất kinh doanh theo chuẩn mực toàn cầu. 

Chúng ta không sợ quy mô DN nhỏ, mà chỉ sợ DN không chuyên nghiệp và chuẩn mực theo công nghệ. Điều này bắt nguồn từ chiến lược, tư duy kinh doanh, áp dụng công nghệ vào sản xuất, tạo ra chuỗi liên kết chứ không thể theo kiểu tư duy đám đông. Đúc kết lại cái gì làm chuyên nghiệp thì thành, còn không sẽ chỉ là “tốt chợ hơn tốt con”.
 Tổng Giám đốc Eurowindow Nguyễn Cảnh Hồng

Eurowindow nắm bắt xu hướng 4.0

Trong bối cảnh bùng nổ CMCN 4.0, đòi hỏi mỗi DN phải không ngừng nỗ lực, sáng tạo, mang lại những giá trị thực hữu ích, góp phần vào sự phát triển bền vững, khẳng định vị trí của DN. Eurowindow luôn đặt tiêu chí phát triển bền vững với sản phẩm xanh nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và tạo ra một hệ sinh thái xanh cho người sử dụng. Eurowindow đã nghiên cứu và ứng dụng những thành tựu của KH&CN vào hoạt động SXKD. Hệ thống cửa của Eurowindow đang được nghiên cứu ứng dụng các giải pháp công nghệ hiện đại nhằm tối ưu hóa tiện ích, nâng cao chất lượng cuộc sống, phù hợp với xu hướng CMCN 4.0. Toàn bộ nhà thông minh sử dụng cửa cuốn, cửa trượt tự động, đến cả cửa truyền thống, đều được vận hành tiện lợi bằng nút bấm và trên App smartphone. Cùng với đó, các sản phẩm nội thất đi kèm như mành, rèm cũng được tích hợp trên hệ điều hành Android và IOS của smart phone để tiện cho khách hàng sử dụng. Đây được xem là những đổi mới ứng dụng công nghệ trong hoạt động kinh doanh nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. " - Tổng Giám đốc Eurowindow Nguyễn Cảnh Hồng

 Phó Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), Chủ tịch LienVietPostBank Nguyễn Đình Thắng

Xây dựng TP thông minh bằng các giải pháp số

Thanh toán thông minh chiếm vai trò quan trọng trong phát triển TP thông minh. Làm sao để gắn kết được thanh toán không dùng tiền mặt và thanh toán thông minh trong TP thông minh là giải pháp mà Hà Nội cũng như các DN rất quan tâm. TP thông minh sở hữu lượng dữ liệu khổng lồ, đặc biệt về giao dịch và hành chính của công dân. Dữ liệu lớn này sẽ là đầu mối cho hệ thống chấm điểm tín dụng thế hệ mới, ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Để phát triển ngân hàng số trong TP thông minh, thời gian tới, LienVietPostBank sẽ triển khai giải pháp thẻ công dân điện tử đa năng. Theo đó, loại thẻ này vừa là thẻ ngân hàng, vừa là thẻ thanh toán, thẻ sinh viên, thẻ công chức Nhà nước. Tất cả các thông tin người dân từ bảo hiểm đến điện nước, sức khỏe... sẽ được tích hợp vào một chiếc thẻ duy nhất. Mới đây LienVietPostBank đã mang đến sản phẩm Ví Việt - một trong những giải pháp giải quyết các vấn đề của TP thông minh dựa trên nền tảng ứng dụng những công nghệ chủ chốt của cuộc CMCN 4.0. Hiện Ví Việt đã đạt 2,3 triệu người dùng và hơn 20 ngàn điểm chấp nhận thanh toán trải rộng khắp 63 tỉnh, thành." - Phó Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), Chủ tịch LienVietPostBank Nguyễn Đình Thắng
 Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DNNVV (Sở KH&ĐT Hà Nội) Lê Văn Quân

Hà Nội tích cực triển khai các ứng dụng thông minh phục vụ DN

"Thực tế cho thấy, các DN Việt Nam, nhất là các DNNVV còn nhận thức chưa đầy đủ, tạo ra những lỗ hổng trong quản lý DN, quản trị nhân sự. Để thích ứng và nắm bắt vận hội từ CMCN 4.0, DN cần nhận thức đúng và ứng dụng CMCN 4.0 trong mọi hoạt động, từ việc đánh giá đúng năng lực nội tại và ứng dụng công nghệ vào quản trị nâng cao hiệu quả hoạt động. Số hoá các công việc lặp đi, lặp lại sử dụng nhiều nhân lực bằng các công nghệ, thiết bị công nghệ thay thế, giúp nâng cao năng suất lao động... Chuẩn bị và bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng triển khai ứng dụng công nghệ tại DN; Quan tâm “tái cấu trúc DN”, cơ cấu lại các bộ phận chức năng theo hướng xây dựng bộ máy tinh gọn phù hợp từng giai đoạn phát triển.

Để hỗ trợ cho DN, Chính phủ kiến tạo một hành lang thuận lợi để DN có điều kiện tiếp cận với thông tin, kiến thức, các chính sách liên quan đến phát triển CMCN 4.0 thông qua các hội thảo, diễn đàn… Phát triển một cộng đồng DN ứng dụng CMCN 4.0, tạo kết nối chia sẻ và định hướng xu thế phát triển cho các DN tham gia vào CMCN 4.0.

Về phía TP Hà Nội, tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ công thông qua nâng cao tỷ lệ và chất lượng dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 để phục vụ người dân và DN. Tích cực triển khai các ứng dụng thông minh, tổ chức nhiều sự kiện kết nối cung - cầu, liên kết các vùng; hỗ trợ DN tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu của các DN..." - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DNNVV (Sở KH&ĐT Hà Nội) Lê Văn Quân

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần