Doanh nghiệp còn e ngại với dịch vụ công trực tuyến

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothhi - Đây là thông tin được đưa ra tại “Hội thảo xuất nhập khẩu trực tuyến 2017” do Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) phối hợp cùng Liên minh hỗ trợ xuất khẩu trực tuyến tổ chức sáng ngày 16/5 tại Hà Nội.

Kết quả khảo sát hơn 1.500 doanh nghiệp Việt Nam, trong đó 70% là các doanh nghiệp nhỏ và vừa cho thấy, chỉ có 11% doanh nghiệp tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử; 49% doanh nghiệp xuất nhập khẩu có Website về thương mại điện tử nhưng chỉ có 2% doanh nghiệp thực hiện giao kết hợp đồng qua sàn giao dịch thương mại điện tử hoạt động; còn tới 51% doanh nghiệp chưa biết cách dùng, 35% doanh nghiệp cho rằng hệ thống dịch vụ công trực tuyến hoạt động không ổn định…
 Các chuyên gia chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Khắc Kiên
Một trong những lý do khiến doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam e ngại, chưa sử dụng dịch vụ công trực tuyến là do doanh nghiệp vẫn còn một số vướng mắc trong thực hiện hoạt động này. Cụ thể là liên quan đến thủ tục xuất nhập khẩu, doanh nghiệp phải thực hiện trên nhiều hệ thống khác nhau, nhiều thủ tục mới cung cấp ở mức độ thấp… Bên cạnh những hạn chế, không thể phủ nhận những tiện ích mà thương mại điện tử mang lại. Bởi đây là kênh cung cấp thông tin về thị trường nước ngoài hiệu quả cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Do đó, các chuyên gia trong ngành khuyến khích doanh nghiệp nên tham gia giao dịch qua kênh thương mại điện tử, điều này sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, giảm chi phí khi giao dịch. Đồng thời, giúp các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động ở tất cả các giai đoạn, từ tiếp thị, xúc tiến thương mại tới giao kết và thực hiện các hợp đồng, thanh toán…
Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Phó Chủ tịch kiêm Trưởng đại diện VECOM cho biết, khi thương mại điện tử phát triển cũng đã từng bước giúp cho các doanh nghiệp quen dần với các hoạt động có thể sử dụng trên online. Một thời gian dài các doanh nghiệp vẫn đang ứng dụng những hoạt động mang tính chất offline, đó là vai trò của VECOM trong việc liên kết với Hiệp hội logistic cũng như các doanh nghiệp khác để đưa đến cho tất cả các doanh nghiệp có một khái niệm, có một công cụ cũng như cung cấp các giải pháp để cho các doanh nghiệp có thể ứng dụng vào xuất nhập khẩu trực tuyến trong thời gian sắp tới.
Chia sẻ về những lợi ích khi áp dụng xuất nhập khẩu trực tuyến, ông Trần Đình Toản - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư công nghệ USB cho rằng, sự hỗ trợ xuất nhập khẩu trực tuyến thực chất là mô hình btob. Tức là mô hình giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp. Do đó, đây là mô hình tương đối mới khi nghe đến nó hơi lạ nhưng thực chất là mô hình các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện xuất nhập khẩu dưới sự hỗ trợ của các kênh thương mại điện tử, công nghệ thông tin để từ đó tìm kiếm đối tác và mua, bán hàng tại thị trường. “Đây là mô hình phổ biến và trong xu thế phát triển của công nghệ thông tin và thương mại điện tử thì ngành này sẽ ngày càng phát triển. Xuất khẩu là thế mạnh của Việt Nam, là trụ cột của nền kinh tế, bởi vậy việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu nằm trong chỉ đạo chung của Chính phủ. Và trong cái hoạt động chung đó đã hỗ trợ các doanh nghiệp tương đối tốt” – ông Trần Đình Toản nói.
*Cũng tại sự kiện, lễ ra mắt Liên minh Xuất Nhập khẩu Việt đã chính thức ra mắt với mục đích kết nối, hỗ trợ các doanh nghiệp atwng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong xuất nhập khẩu.
Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công thương) cho rằng, việc ra đời Liên minh Xuất nhập khẩu Việt Nam là điểm nhấn, trở thành kênh thương mại điện tử chính thống để xuất nhập khẩu trực tuyến được nhiều doanh nghiệp biết đến áp dụng. Đặc biệt, song song với việc tiếp cận ngày càng tăng các dịch vụ công trực tuyến như hải quan điện tử, chứng nhận xuất xứ điện tử và nhiều dịch vụ công liên quan tới xuất nhập khẩu khác, các doanh nghiệp đã tích cực sử dụng mạng internet để trao đổi thông tin kinh doanh với các đối tác nước ngoài, tìm kiếm bạn hàng, giao kết và triển khai hợp đồng.