Nghị quyết 08 đang từng bước đi vào cuộc sống

Hạnh Phúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khuôn khổ của Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2017, chiều 7/4/2017, Ban Kinh tế T.Ư phối hợp cùng Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức Tọa đàm triển khai Nghị quyết 08-NQ/TW đối với các doanh nghiệp du lịch. Sự kiện hướng tới việc tìm giải pháp đưa Nghị quyết này sớm đi vào cuộc sống.

Tại tọa đàm, các đại biểu đến từ các Hiệp hội du lịch cùng cộng đồng các doanh nghiệp du lịch khắp cả nước như Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Kon Tum, Sóc Trăng… đã cùng nhau trao đổi, thảo luận, liên hệ các nhận định của Nghị quyết 08 đối với trường hợp cụ thể của doanh nghiệp, đơn vị của mình; mở ra hướng mới yêu cầu mới trong quán triệt, lĩnh hội và tạo đà triển khai Nghị quyết 08 thời gian tới.
 Toàn cảnh tọa đàm.
Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, Nghị quyết 08 với 5 quan điểm mới và 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp được đề ra đã đánh giá xứng đáng vai trò của ngành Du lịch, coi đó là ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời xác định rõ bản chất của ngành Du lịch, là điều kiện để thống nhất nhận thức chung đối với một chính sách rất rõ ràng cụ thể và có ý nghĩa lịch sử đối với sự phát triển Du lịch Việt Nam nói chung, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ nói riêng. Các doanh nghiệp trực tiếp làm du lịch nhận định Nghị quyết đã chỉ ra 8 yếu kém trong đó có 3 yếu kém trực diện với doanh nghiệp; đưa ra 8 giải pháp trong đó có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp du lịch.
Thực hiện triển khai Nghị quyết 08, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng đã đưa ra dự thảo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW, trong đó đề ra các nhiệm vụ cụ thể đối với các doanh nghiệp du lịch như: 1) đổi mới nhận thức, tư duy về du lịch: mỗi doanh nghiệp có chiến lược phát triển bền vững; phấn đấu bảo vệ hình ảnh của Ngành, của đất nước; cam kết không phá giá, không tham gia hoạt động kinh doanh không lành mạnh; 2) tham gia xây dựng và triển khai chính sách phát triển du lịch; 3) cơ cấu lại doanh nghiệp du lịch; 4) đào tạo nguồn nhân lực du lịch, có kế hoạch dài hạn về đào tạo phù hợp với nhu cầu phát triển bền vững của doanh nghiệp; 5) về phát triển sản phẩm du lịch cần xây dựng sản phẩm đặc thù của mỗi doanh nghiệp du lịch, mỗi doanh nghiệp mỗi năm công bố ít nhất một sản phẩm du lịch được nâng cấp hoặc xây dựng mới; 6) tăng cường quảng bá và xúc tiến sản phẩm du lịch, cần có ngân sách xúc tiến, có bộ phận chuyên trách về công tác xúc tiến; 7) các doanh nghiệp cần triển khai mạnh mẽ nâng cao đạo đức nghề nghiệp, thực hiện văn minh du lịch thực hiện theo Quy chế ứng xử văn minh trong du lịch, tham gia tích cực chiến dịch “Nâng cao hình ảnh du khách Việt”…
Xen giữa những phấn khởi và kỳ vọng trên tinh thần của Nghị quyết 08, các ý kiến tại tọa đàm cũng bày tỏ những trăn trở, băn khoăn làm sao đưa Nghị quyết vào cuộc sống, mà cụ thể hóa trước mắt là những cơ chế chính sách đặc thù được ban hành như: chính sách về giá điện, giá đất…, chính sách xúc tiến du lịch, huy động nguồn lực cho quỹ xúc tiến du lịch chung, có cơ chế ưu đãi chính sách thuế cho các doanh nghiệp du lịch…; thực thi quyền hạn và quản lý nhà nước nhằm tạo ra hành lang, môi trường pháp lý và cơ chế quản lý minh bạch cho phát triển du lịch, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho doanh nghiệp du lịch; cần có sự vào cuộc thực sự của các cấp các ngành theo một chế tài chung có hiệu quả hiệu lực cao. Các ý kiến từ doanh nghiệp cũng đề cập tới cần tái thành lập lại cơ quan xúc tiến du lịch cấp quốc gia, thể chế hóa cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, nâng cao quyền hạn trách nhiệm của Tổng cục Du lịch, của các Hiệp hội du lịch.
  Ông Ngô Đông Hải phát biểu tại tọa đàm.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Ngô Đông Hải - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh quan điểm của Ban Kinh tế cho biết: Chương trình hành động của Chính phủ đang tiếp tục được hoàn thiện và sẽ sớm ban hành, bám sát vào các nội dung cơ bản của Nghị quyết 08. Chương trình hành động sẽ chỉ ra rất nhiều trách nhiệm và nhiệm vụ của các bộ, ngành liên quan trong việc cụ thể hóa và triển khai thực hiện Nghị quyết, góp phần nhanh chóng thể chế hóa hệ thống pháp lý và các chính sách cụ thể. Bên cạnh đó, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị các doanh nghiệp, các nhà quản lý, các hiệp hội cần có tiếng nói dựa trên lợi ích chung tổng thể và sự liên kết phối hợp với nhau để góp phần tham mưu, tác động, đề xuất có hiệu quả hơn đối với nhà nước và các cấp chính quyền, cùng nhau làmthế nào đưa Nghị quyết 08 vào cuộc sống nhanh chóng nhất, hiệu quả nhất, đem lại chuyển biến và lợi ích kinh tế sớm nhất.
Để Nghị quyết đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng còn cả một chặng đường dài, cần coi Nghị quyết 08 là bước khởi đầu mới và cú hích mới trong cả chặng đường phát triển, mỗi chủ thể, tổ chức, đơn vị đều có vai trò cụ thể của mình mà trước mắt là các hiệp hội du lịch, các doanh nghiệp cùng tập hợp trong các hiệp hội ngành nghề. Dự kiến vào tháng 5/2017, Bộ VITT&DL sẽ tổ chức Hội nghị quán triệt Nghị quyết 08 quy mô toàn quốc tại Nha Trang, Khánh Hòa.
Bế mạc Tọa đàm, Phó Trưởng Ban kinh tế Trung ương Ngô Đông Hải nhận định, các DN đã nêu ra những vấn đề hết sức thiết thực, mở ra hướng mới, yêu cầu mới để chúng ta tiếp tục bàn bạc, trao đổi để thực hiện Nghị quyết 08. Nghị quyết đã đánh giá xứng đáng vai trò của ngành du lịch, điều mà những người làm du lịch đã nói mong ước từ lâu. Bên cạnh đó, Nghị quyết đã xác định rõ bản chất của ngành Du lịch. Giờ đây, Đảng đã khẳng định Du lịch vừa là ngành dịch vụ, đồng thời là ngành kinh tế nhưng mang đậm tính văn hóa. “Nghị quyết là bước khởi đầu mới và cú hích mới cho cả chặng đường phát triển, trong đó mỗi chủ thể, đơn vị, cá nhân doanh nghiệp đều có vai trò, trách nhiệm của mình”- ông Hải kết luận.