Doanh nghiệp gặp khó với Bộ luật Lao động?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại hội nghị đối thoại với DN về thực thi pháp luật lao động, cập nhật những chính sách lao động mới của Việt Nam diễn ra ngày 2/6, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân thừa nhận, một số quy định trong Bộ luật Lao động năm 2012 còn gây khó cho DN.

Vì thế, các góp ý của DN sẽ được tổng hợp, nghiên cứu để soạn thảo thành dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, bổ sung trình Quốc hội cho ý kiến vào năm 2017.

Chưa tiệm cận với thế giới

Ông Mai Đức Thiện - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐTB&XH nhận định: Một số yêu cầu về lao động trong Bộ luật Lao động chưa tiệm cận với thế giới, nhất là khi Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại. Dù đã qua 4 lần sửa đổi, bổ sung, nhưng một số quy định vẫn chung chung, thậm chí chồng chéo, mâu thuẫn, gây khó khăn trong thực hiện.
Doanh nghiệp cần đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Ảnh: Hải Linh
Doanh nghiệp cần đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Ảnh: Hải Linh
Cũng chính vì quy định chưa phù hợp với thực tế, nên nhiều DN gặp khó khi thực hiện, đặc biệt là những DN có số lượng người lao động (NLĐ) lớn đã nảy sinh nhiều vấn đề khi thực hiện trả lương tối thiểu, đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), làm thêm giờ... Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm lấy ví dụ: Luật quy định mức lương tối thiểu đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và nuôi một người khác bằng 70% mức sống của người kia. Trong khi đó, nhu cầu sống tối thiểu luôn biến động. Hay rất nhiều DN không thực hiện được quy định 3 tháng đối thoại với NLĐ một lần, nhất là với những nơi có lực lượng lao động lớn, hoạt động theo dây chuyền, vì ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất. Hoặc muốn tổ chức một buổi đình công phải có từ 20 - 22 ngày làm thủ tục, mà bức xúc của NLĐ thì không thể chờ thời gian dài như thế, nên có đến 100% cuộc đình công trái luật. "Cần phải xem lại chất lượng của các nghị định vì có sự chồng chéo. Lẽ ra một vấn đề chỉ cần đưa vào trong một nghị định là đủ để DN đỡ phải đọc nhiều văn bản" - ông Cẩm đề nghị.

 NLĐ làm thêm giờ cũng là vấn đề được nhiều chủ sử dụng lao động bức xúc. Đa số cho rằng, luật không nên quy định được phép làm thêm 200 - 300 giờ/năm, mà để chủ DN thỏa thuận với NLĐ theo khung. Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Hưng Yên Nguyễn Xuân Dương đề nghị NLĐ được phép làm thêm tối đa 60 giờ/tháng, tương đương mỗi ngày NLĐ làm thêm 2 giờ, mức thu nhập sẽ khá hơn. Ông Dương còn đặt vấn đề: "Mức đóng BHXH của chúng ta cao nhất là 24%, trong khi các nước ASEAN tối đa có 18%. Vậy, chúng ta có hướng giải quyết thế nào đây?".

Bảo vệ quyền lợi người lao động

Đại diện nhiều DN đề nghị nên sửa đổi Bộ luật Lao động, các nghị định phù hợp với thực tiễn và hội nhập thế giới. Các DN kiến nghị nới rộng giờ làm thêm để đảm bảo quản lý và DN dễ phát triển. Đặc biệt, quy định đóng BHXH cần rà soát lại, tính đóng trên cơ sở thu nhập đầu ra ở mức độ phù hợp, thay vì đầu vào như hiện nay. 

Trả lời những thắc mắc của DN, Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho biết: "Quy định mức lương tối thiểu như hiện nay vừa bảo vệ NLĐ nhưng vẫn chú ý đến sự tồn tại của DN. Chúng tôi đang bàn với Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội sẽ bổ sung một số vấn đề vào quy định này cho rõ hơn. Hiện nay, quy định nhu cầu, mặt bằng sống tối thiểu được xem xét cả mối tương quan với khu vực để giữ được sự cạnh tranh quốc gia". Ông Huân thông tin thêm, vấn đề làm thêm giờ thời gian tới sẽ có một chuyên đề để bàn rõ hơn, làm sao có sự hài hòa và cách tiếp cận phù hợp. BHXH từ năm 2016 có nhiều nội dung mới, trong đó bổ sung thêm 2 nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Mục tiêu lớn nhất của BHXH là tiến tới mở rộng để đến năm 2020 có 50% NLĐ trong độ tuổi lao động tham gia BHXH bắt buộc. "Chúng tôi sẽ đề xuất sửa đổi chính sách đóng BHXH để đảm bảo tính bền vững hơn. Mức đóng sẽ tăng dần để sau này NLĐ nghỉ hưu được hưởng lương cao hơn. Nhưng điều đó lại làm khó cho DN, nên chúng tôi sẽ điều chỉnh chính sách cho phù hợp" - ông Huân nhấn mạnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần