Doanh nghiệp Hà Nội kiến nghị Thành phố hỗ trợ phục hồi

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịch Covid-19 đã khiến nguồn cung bị đứt gãy, giá nguyên vật liệu tăng cao. Để phục hồi sản xuất, cộng đồng DN Hà Nội đã chủ động thích ứng với điều kiện mới. Tuy nhiên, bên cạnh đó DN cũng rất cần TP có cơ chế hỗ trợ nhằm giúp khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Vận hành sản xuất linh kiện tại Nhà máy điện Á Châu, khu công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh: Thanh Hải
Doanh nghiệp đã dần khôi phục sản xuất
Ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị tại buổi kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các DN trong Cụm công nghiệp (CCN) Ô tô 1-5 và CCN Bắc Từ Liêm do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức cho thấy, từ đầu năm đến nay, 100% các nhà máy đã hoạt động trở lại.

Tổng Giám đốc điều hành Công ty CP Cơ khí xây lắp thương mại Minh Cường Dương Minh Cường chia sẻ: Để phục hồi sản xuất, bên cạnh duy trì thị trường truyền thống, DN đã nỗ lực tìm kiếm, khai thác thị trường, đối tác mới... Đến thời điểm hiện tại, hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị đã trở lại bình thường. Đặc biệt DN cũng đã tiến hành thúc đẩy chuyển đổi số theo hướng sử dụng robot tự động hóa quy trình sản xuất. “Dự kiến, tháng 4/2021 công ty sẽ bắt đầu thử nghiệm ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất cơ khí” - Ông Cường chia sẻ. Tương tự tại CCN Bắc Từ Liêm, Tổng Giám đốc Công ty Cơ nhiệt Điện Lạnh Bách khoa Đinh Văn Thành cho biết: Dịch Covid-19 đã khiến doanh thu năm 2020 của đơn vị giảm 40% so với năm 2019. Để khôi phục, bên cạnh việc cải tiến quy trình sản xuất, đơn vị đẩy mạnh nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường tìm hiểu thị trường quốc tế, nhất là khu vực Đông Nam Á, từ đó có thể xuất khẩu sản phẩm thời kỳ hậu Covid-19 sang các nước này .

Thông tin về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN đang hoạt động trên địa bàn, đại diện Ban quản lý đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm thông tin: Trong 2 tháng đầu năm 2021, mặc dù dịch Covid-19 đã khiến nhiều DN gặp nhiều khó khăn nhưng các đơn vị tại CCN Bắc Từ Liêm đã năng động đổi mới thích ứng để khôi phục sớm sản xuất, kinh doanh. “DN đã thực hiện nhiều biện pháp duy trì hoạt động sản xuất như chuyển hướng kinh doanh, áp dụng thương mại điện tử trong tiêu thụ sản phẩm, chuyển đổi sản phẩm phù hợp yêu cầu thị trường mới... Nhờ đó DN duy trì tương đối ổn định hoạt động sản xuất, tạo việc làm cho người lao động”- Phó Giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Minh An cho biết.

Gỡ khó cho doanh nghiệp

Mặc dù đã dần khôi phục sản xuất nhưng cộng đồng DN đang đối mặt với không ít khó khăn do dịch Covid-19 gây ra như thiếu vốn lưu động, giá nguyên liệu, chi phí logistics tăng cao ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của sản phẩm. Phó Giám đốc Công ty CP Bia Sài Gòn - Hà Nội Lê Viết Quý chia sẻ, năm 2020 sản lượng sản xuất của DN giảm 33% so với kế hoạch, giảm 25% so với cùng kỳ. Riêng trong tháng 2/2021, nhà máy chỉ sản xuất, tiêu thụ được 1,8 triệu lít bia, dưới điểm hòa vốn.

Để giúp vượt qua những khó khăn do dịch Covid-19, nhiều DN có chung kiến nghị: Thời gian tới UBND TP Hà Nội đề xuất các tổ chức ngân hàng, tín dụng giảm lãi suất, kéo dài thời hạn vay vốn; Gia hạn thời gian nộp, miễn giảm một số loại thuế, bảo hiểm xã hội; Không tính lãi những khoản thuế, bảo hiểm mà DN nộp chậm trong quý I và II/2021; Giảm 10% giá bán lẻ điện cho các ngành sản xuất và kinh doanh; Hỗ trợ về vốn; Hỗ trợ về thuế, tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội… cho các DN đến hết năm 2021. Đồng thời có những quy hoạch mặt bằng sản xuất lâu dài để DN ổn định hoạt động kinh doanh của mình. Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Thương mại và Sản xuất Thuận Phúc Vương Thị Thu Luyến mong muốn: Chính phủ có những chính sách về thuế phù hợp, nhất là những DN vừa và nhỏ, bởi thời điểm hiện tại việc thanh quyết toán chưa thông suốt nên DN sẽ bị chậm các khoản đóng góp nghĩa vụ với Nhà nước. Đồng tình với ý kiến này Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và dịch vụ thương mại Kim Long Hà Quyết Thắng và các DN có chung kiến nghị: Cần tạo điều kiện tốt nhất cho DN trong việc tiếp cận vốn vay ngân hàng thông qua việc đơn giản hồ sơ pháp lý vay vốn. Cơ quan quản lý nên thông tin chi tiết đến DN về những chính sách hỗ trợ giãn, giảm thuế để DN có thể nộp hồ sơ và tiếp cận với các khoản hỗ trợ một cách nhanh nhất.

Kiến nghị của các DN cho thấy mặc dù dịch Covid-19 dần được kiểm soát, song hơn lúc nào hết DN cần sự chia sẻ, đồng hành, hỗ trợ để duy trì, khôi phục sản xuất kinh doanh hậu Covid-19.
Trước các kiến nghị của DN, Sở Công Thương sẽ tổng hợp, báo cáo UBND TP Hà Nội tìm cách tháo gỡ khó khăn cho DN. Cụ thể kiến nghị UBND TP Hà Nội hỗ trợ về mặt bằng để DN ổn định đầu tư sản xuất; cải cách thủ tục hành chính; đào tạo nhân lực xúc tiến thương mại; tiêu thụ sản phẩm và các vấn đề về thông quan, vận chuyển. Ở chiều ngược lại, cộng đồng DN cần nỗ lực ổn định sản xuất, kinh doanh, duy trì việc làm, bảo đảm cuộc sống cho người lao động qua đó thực hiện mục tiêu kép vừa phát triển sản xuất kinh doanh vừa phòng chống dịch Covid-19.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Đàm Tiến Thắng

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần