Doanh nghiệp hài lòng hơn với ngành thuế

Trang Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - So với cuộc khảo sát năm 2014, mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với thủ tục hành chính thuế đã tăng từ 71/100 điểm lên 75/100 điểm.

Đây là điểm tiến bộ của ngành thuế được cộng đồng DN ghi nhận trong Báo cáo Đánh giá cải cách thủ tục hành chính thuế: Mức độ hài lòng của DN năm 2016 được công bố sáng 7/3.
Theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Báo cáo đánh giá cải cách thủ tục hành chính thuế 2016 được tổng hợp từ cuộc khảo sát về thủ tục hành chính thuế năm 2016, cuộc khảo sát thu được phản hồi của gần 3.500 DN.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
So với năm 2014, kết quả khảo sát năm 2016 đã có nhiều phản hồi tích cực từ cộng đồng DN. Theo đó, thủ tục hành chính thuế đã có nhiều cải cách tích cực như: Thủ tục thuế điện tử, tìm hiểu thông tin thuế dễ dàng và đầy đủ hơn, thời gian hoàn thuế giá trị gia tăng được rút ngắn… Bên cạnh đó, cán bộ thuế đã có thái độ thân thiện, tích cực hơn khi làm việc với DN. So với cuộc khảo sát năm 2014, mức độ hài lòng của DN đối với thủ tục hành chính thuế đã tăng từ 71/100 điểm lên 75/100 điểm.
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm cải cách đáng kể nêu trên, DN vẫn phản ánh việc còn gặp nhiều khó khăn khi làm việc với cơ quan thuế. Trong việc tiếp cận thông tin thuế, các mẫu biểu báo cáo thường hay thay đổi, gây mất thời gian cập nhật mẫu cho các phần mềm kế toán. Đáng chú ý, biểu mẫu quyết toán, sổ sách gần đây thay đổi khiến nhiều DN phải bỏ thêm chi phí. “Chỉ cập nhật theo thông tư mới mà riêng công ty phần mềm X đã thu thêm phí cho 1 phiên bản là 5 triệu đồng. Cả nước có hàng nghìn DN cần phải cập nhật nên tốn kém khoản tiền rất lớn”- báo cáo của VCCI cho biết.
Một số ý kiến DN cho rằng thủ tục hoàn thuế làm mất nhiều thời gian nên nhiều DN không dám làm, sợ đọng vốn quá lâu gây khó khăn về tài chính cho DN.
Về thanh tra, kiểm tra thuế, thái độ của cán bộ đã tích cực, thân thiện hơn. Tuy nhiên, năm 2016, 24% DN cho rằng nội dung thanh tra kiểm tra chồng chéo, trùng lắp, 21% niên độ kiểm tra trùng lắp; 36% cán bộ thuế suy diễn bất lợi cho DN; 34% phải chi chi phí không chính thức trong các lần kiểm tra thuế, tăng 2% so với cuộc điều tra năm 2014.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho DN, cần lập kế hoạch thanh tra kiểm tra định kỳ 3-5 năm/lần đối với DN vừa và nhỏ. Đồng thời, nâng cao đạo đức nghề nghiệp đối với công chức thuế. Cán bộ thuế chỉ tìm ra lỗi để xử phạt, đề nghị cán bộ thuế phải hướng dẫn cho DN cách khắc phục, sửa chữa; Luân chuyển cán bộ kiểm tra, thanh tra kèm theo phiếu điều tra độc lập sau kiểm tra thanh tra về thái độ làm việc của cán bộ thuế, có hình thức xử lý kỷ luật công khai. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để tăng cường các thủ tục thuế điện tử.
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, bên cạnh những điểm sáng trong thời gian qua, cơ quan Thuế cũng cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong cải cách thủ tục hành chính thuế. Cụ thể, cần nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật trong lĩnh vực thuế và chú trọng khâu tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế; Tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính thuế và ứng dụng CNTT một cách đồng bộ và toàn diên hơn nữa; Cơ quan thuế cần có biện pháp hiệu quả hơn nhằm hạn chế vấn đề chi phí không chính thức; Công tác kiểm tra thuế, thanh tra thuế cũng cần được tiêp tục cải thiện; Chú ý có biện pháp hỗ trợ các DN siêu nhỏ, nhỏ trong việc tuân thủ pháp luật thuế. Phần lớn hiện nay các DN Việt Nam đều là DN siêu nhỏ, nhỏ. Họ không có nhiều nguồn lực dành cho bộ phận kế toán làm việc chuyên sâu và bài bản như DN vừa và lớn.
Trong khi đó, các văn bản pháp luật về thuế ra liên tục và các quy định về thủ tục liên quan lại tương đối phức tạp. “Do vậy, đề nghị Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế cần đưa ra các quy định đơn, giản thiết thực, dễ hiểu phù hợp với nhóm đối tượng này” - đại diện VCCI kiến nghị.
Bên cạnh đó, cần xây dựng chế độ kế toán và thủ tục hành chính thuế phù hợp với đối tượng DN siêu nhỏ, nhỏ, đây sẽ là biện pháp hiệu quả góp phần vào việc tạo động lực mới cho việc chuyển đổi các hộ kinh doanh thành DN tại Việt Nam, cũng như thực hiện mục tiêu 1 triệu DN vào năm 2020 như mục tiêu của Chính phủ đã đặt ra trong Nghị quyết 35.