Doanh nghiệp hậu Covid-19: Đẩy mạnh số hóa... đón đầu tăng trưởng

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nền tảng số giúp DN nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang căng thẳng ở nhiều quốc gia, khu vực. Vì thế, hơn lúc nào hết những DN sớm áp dụng công nghệ số sẽ có lợi thế hơn những DN “chậm chân”.

Nhận thức rõ điều này, đa số các DN chia sẻ với báo Kinh tế & Đô thị đều cho rằng: Trong giai đoạn “bình thường mới”, con đường dẫn lối thành công, thúc đẩy tăng trưởng của DN là không ngừng tối ưu số hóa vào điều hành sản xuất, kinh doanh.
 Ông Vũ Bá Phú
Cục trưởng Cục XTTM (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú: Khát vọng nâng tầm thương hiệu

Năm 2020 đánh dấu một cột mốc quan trọng của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế khi vừa hoàn tất việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức được thông qua và có hiệu lực. Có thể nói, việc tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do đang mở ra cho Việt Nam những cơ hội mới, là một trong những yếu tố quan trọng giúp Việt Nam duy trì động lực nền kinh tế của mình trong bối cảnh suy giảm chung của kinh tế khu vực và toàn cầu. Song song với Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA và RCEP là điểm nhấn quan trọng của nền kinh tế Việt Nam trong tình hình mới, là tâm điểm kinh tế, tạo khởi sắc ấn tượng trong quan hệ kinh tế - thương mại và đầu tư giữa Việt Nam với các quốc gia khác.

Vì vậy, DN cần nhìn nhận rõ những hạn chế về phát triển thương hiệu quốc gia, thương hiệu DN, thương hiệu sản phẩm. Một trong những yếu tố là phải tích cực chuyển đổi số áp dụng vào trong quản trị, điều hành để nâng tầm thương hiệu cho chính mình. DN nỗ lực, quyết tâm, có khát vọng, đam mê, sáng tạo để nhanh chóng xây dựng và phát triển mạnh mẽ thương hiệu DN, thương hiệu sản phẩm góp phần gây dựng thương hiệu quốc gia Việt Nam. Ở chiều ngược lại, thương hiệu quốc gia sẽ tạo ra cơ hội để vươn lên mạnh mẽ trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Phó Chủ tịch Hiệp hội DN công nghiệp hỗ trợ Hà Nội Nguyễn Vân: Doanh nghiệp tư nhân tiên phong trong chuyển đổi số

 Ông Nguyễn Vân
Sau hơn 30 năm đổi mới, kinh tế Việt Nam đã có sự tăng trưởng nhanh chóng và khẳng định vị thế trên trường quốc tế. Đóng góp vào thành công đó phải kể đến vai trò của cộng đồng DN ngoài quốc doanh, nhất là những DN tiên phong chuyển đổi số, ứng dụng KHCN, đổi mới sáng tạo trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và hàng trăm nghìn DN đã, đang hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh nghiêm túc, có trách nhiệm. Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19 vừa qua, cộng đồng DN tư nhân trong đó có những tên tuổi tiêu biểu như: DOJI, T&T, VINGROUP, ... cùng với nhiều DN thành viên thuộc Hiệp hội DN nhỏ và vừa, Hiệp hội DN ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội ... đã tham gia việc tổ chức sản xuất máy thở, máy trợ thở và khẩu trang y tế cung cấp cho các cơ sở y tế trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài. Chung tay cùng hướng về đồng bào miền Trung trong cơn bão lũ, thiên tai. Bên cạnh đó, cộng đồng DN tư nhân nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép” khi Thủ tướng Chính phủ đã kêu gọi toàn dân, cùng DN hưởng ứng.

Tuy nhiên, để phát huy vai trò “Doanh nhân - Chiến sỹ thời bình”, đặc biệt là vực dậy SXKD, ứng phó kịp thời với những nguy cơ tiềm ẩn, khó khăn suy thoái kinh tế thời hậu Covid-19, đội ngũ DN tư nhân mong muốn Đảng, Nhà nước, Chính phủ cùng các cấp chính quyền, từng người dân tiếp tục ủng hộ. Tiếp tục kiến tạo, xây dựng và ban hành các cơ chế chính sách thiết thực, cụ thể trong hoạt động đầu tư, SXKD đáp ứng “hơi thở cuộc sống” của DN. Đội ngũ báo chí truyền thông tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, phát hiện những tấm gương điển hình trong đội ngũ Doanh nhân, DN tư nhân, để Nhà nước cùng các cấp chính quyền kịp thời khen thưởng, biểu dương và tôn vinh.

Từ đó cộng đồng DN kinh tế tư nhân sẽ có thêm “niềm tin”, thực sự lớn mạnh. Tiếp tục đóng góp vào ngân sách, tạo việc làm và kiên định mục tiêu cùng kiến thiết một Việt Nam hùng cường trong vận hội mới của đất nước.
 Ông Hoàng Văn Thuấn
Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ Tin học EFY Việt Nam Hoàng Văn Thuấn: Cơ hội vàng cho doanh nghiệp CNTT

Năm 2020 có thể nói là một năm đầy áp lực đến nghẹt thở đối với tất cả chúng ta. Trong khó khăn, tập thể Công ty CP Công nghệ Tin học EFY Việt Nam đã đoàn kết, nỗ lực lực hết mình và cộng thêm sự may mắn chúng tôi đã hoàn thành được trên 80% kế hoạch đặt ra. Đây là một kết quả đáng mừng, nhờ áp dụng linh hoạt, tối ưu quản trị vào DN.

Bước vào năm 2021 dự báo còn đầy khó khăn thách thức, song về kế hoạch năm 2021 và giai đoạn 5 năm tiếp theo, tôi đánh giá đây là cơ hội vàng dành riêng cho các DN CNTT, DN áp dụng công nghệ để bứt phá vươn lên. EFY Việt Nam với hơn 14 năm xây dựng, phát triển và có tầm nhìn, mục tiêu rõ ràng, tôi hoàn toàn tin tưởng EFY Việt Nam sẽ thành công mạnh mẽ hơn nữa. Nhiệm vụ cụ thể 2021 là: Một là, mục tiêu tăng trưởng 20% do tình hình Covid-19 trên thế giới còn diễn biến phức tạp. Hai là, đảm bảo sự đoàn kết, ổn định nhân sự chủ chốt và tăng trưởng về nhân sự mới chuẩn bị cho kế hoạch dự án dài hạn.

Ba là, tái cơ cấu bộ máy, áp dụng chỉ tiêu KPI cho từng cá nhân để đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất. Bốn là, EFY Việt Nam hướng trọng tâm chính vào các sản phẩm cốt lõi bảo hiểm xã hội điện tử, hoá đơn điện tử, chữ ký số... đã và đang triển khai sau đó sẽ mở rộng sản phẩm mới hợp đồng điện tử EFY-econtract. Năm là, tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng DN gặp khó khăn trong thời kỳ hậu Covid-19 và các DN mong muốn chuyển đổi số nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu?