Doanh nghiệp hứng khởi và kỳ vọng

Trang Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phát triển kinh tế tư nhân (KTTN) trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN - đây là một trong ba Nghị quyết về kinh tế quan trọng được Hội nghị T.Ư 5 Khóa XII vừa thông qua.

Và trong cuộc gặp gỡ Thủ tướng với DN 2017 này, lần đầu tiên có sự tham gia của một số lượng lớn DN tư nhân, tạo nên nguồn hứng khởi và kỳ vọng trong cộng đồng DN.
Khu vực tư nhân sẽ chiếm đến 99,9%
Chia sẻ về vấn đề phát triển KTTN, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, suốt những năm đổi mới, một trong những thành quả quan trọng nhất là quá trình hình thành và phát triển ngày càng đông đảo của KTTN. Đóng góp lớn nhất của khu vực KTTN là tạo ra việc làm và tăng trưởng kinh tế với tỷ lệ khoảng 40% GDP. “Hiện nay, chúng ta hay đề cập tới con số DN đang hoạt động, khoảng 500.000 - 600.000 DN thì tuyệt đại đa số DN nằm trong khối KTTN. Các DN thành lập thời gian gần đây cũng là DN tư nhân. Chúng ta nói tới con số 1 triệu DN tới năm 2020 cũng chính là nói đến DN khối KTTN. Họ sẽ chiếm đến 99,9% số DN trong nền kinh tế” – ông Lộc chia sẻ.
 Tham khảo thủ tục hồ sơ để thành lập doanh nghiệp tại Sở KH&ĐT Hà Nội. Ảnh: Hải Linh
Nhưng KTTN cũng được hiểu là cả hộ nông nghiệp, các hộ kinh doanh chứ không riêng các DN tư nhân. Và nếu như vậy, khu vực KTTN hiểu theo nghĩa rộng không phải dừng ở con số 500.000 - 600.000 DN nữa mà phải thêm 1,6 triệu hộ kinh doanh có đăng ký và 5 triệu hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Số lượng đông đảo, trải rộng ở tất cả các lĩnh vực kinh tế, len lỏi đến tận vùng sâu vùng xa, mức độ bao phủ gần như toàn bộ nền kinh tế, nên đóng góp của họ chính là tạo việc làm, đóng góp lớn cho an sinh, giải quyết các vấn đề xã hội. Trong khi DN Nhà nước chỉ xuất hiện tại một số lĩnh vực quan trọng, khu vực DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng chỉ ở một số địa bàn, lĩnh vực sử dụng nhiều lao động hay khai thác tài nguyên.
Cũng theo ông Vũ Tiến Lộc, hiện nay, một bộ phận của KTTN có tốc độ phát triển cao hơn các DN Nhà nước, năng lực cạnh tranh khá cao, có thương hiệu, tầm ảnh hưởng, được thế giới ghi nhận và vươn ra thế giới. Nhưng rõ ràng KTTN vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Đại diện VCCI cho rằng, chúng ta vẫn thiếu những DN cỡ vừa và lớn hoạt động có hiệu quả. Xuất hiện tình trạng nhiều DN lúng túng khi đã phát triển tới một quy mô nào đó do khả năng quản trị không theo kịp. Bên cạnh đó là năng lực cạnh tranh còn thấp trong tương quan và tiềm năng so với khu vực và thế giới.
Những hạn chế của DN tư nhân là do chính sách thúc đẩy chưa có nhiều giải pháp thiết thực, chi phí cao, tiếp cận nguồn vốn rất khó khăn, thủ tục chưa tinh gọn, nhiều chính sách hỗ trợ chưa đủ mức.
Tạo thế “chân kiềng” thúc đẩy phát triển
Đã có nhiều đề xuất để phát triển khu vực KTTN, nhưng theo bà Phạm Thị Thu Hằng - Viện trưởng Viện phát triển DN (VCCI): “Để phát triển khu vực KTTN trước hết phải có một môi trường thể chế kinh doanh an toàn, thuận lợi, chi phí thấp. Đó là 3 đỉnh tam giác, thế "chân kiềng" của thể chế thúc đẩy KTTN”.
Về sự thuận lợi, bà Phạm Thị Thu Hằng nhấn mạnh cần tập trung vào cải cách hành chính và thể chế. “Chúng ta đã có nhiều cải cách, nhất là trong lĩnh vực thuế và hải quan, nhưng mục tiêu là phải trở thành một trong 3 nền kinh tế có môi trường kinh doanh thuận lợi nhất trong ASEAN như Nghị quyết 19 đặt ra” – bà Hằng nhấn mạnh.
Về chi phí kinh doanh, lãi suất của Việt Nam hiện vẫn khá cao so với khu vực. Chi phí về bảo hiểm xã hội cũng cao nhất trong ASEAN, các chi phí khác như logistic, chi phí chính thức, chi phí không chính thức… khiến hiệu quả DN không cao. Trong suốt những năm qua, 60% DN ở Việt Nam kinh doanh không có lãi. Đây là chỉ báo rất quan trọng về hiệu quả kinh doanh cho thấy môi trường kinh doanh còn nhiều khó khăn, dù trong thời gian gần đây đã có nhiều cải thiện.
Nghị quyết 19/NĐ-CP và Nghị quyết 35/NĐ-CP của Chính phủ cũng đã đưa ra những giải pháp khá đồng bộ và toàn diện. Tuy nhiên, nhiều bộ, ngành, địa phương vẫn chưa thực sự vào cuộc mạnh mẽ, vì thế những quyết nghị của Hội nghị T.Ư 5 được cộng đồng DN rất kỳ vọng là sẽ mở ra nhiều đột phá, tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi và lành mạnh hơn cho khu vực tư nhân khởi nghiệp và phát triển.
Theo điều tra của VCCI, sự yếu kém của các thiết chế pháp lý trong việc đảm bảo quyền lợi của DN đang là điểm mà các DN quan ngại hàng đầu.

Chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra DN
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra DN. Theo đó, Thủ tướng giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có liên quan khẩn trương nghiên cứu, xây dựng dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra DN để kịp thời giải quyết các phản ánh, kiến nghị của DN về việc vẫn còn có quá nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra trong cùng một năm. Đề xuất cơ chế tạo điều kiện hỗ trợ, phát triển và bảo vệ quyền lợi chính đáng của DN. Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Kiểm toán Nhà nước rà soát để sửa đổi hoặc kiến nghị sửa đổi các quy định trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thanh tra, kiểm toán; không để xảy ra sự chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán gây phiền hà, khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.