Doanh nghiệp khó tiếp cận chính sách ưu đãi trong nông nghiệp

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, song việc tiếp cận của các DN vẫn gặp khó khăn.

Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2017, chiều 27/6, Ban Kinh tế T.Ư phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức hội thảo phát triển nông nghiệp chất lượng, hiệu quả.

Vụ trưởng Vụ KHCN&MT (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Thị Thanh Thủy cho biết, đến thời điểm hiện tại, cả nước có 3 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là Hậu Giang, Phú Yên, Bạc Liêu. Bộ NN&PTNT cũng đã cấp giấy chứng nhận cho 26 DN ứng dụng CNC, trong đó có 9 DN ứng dụng CNC trong lĩnh vực trồng trọt.
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế T.Ư Cao Đức Phát phát biểu tại hội thảo.
Theo bà Thủy, việc ứng dụng CNC trong nông nghiệp hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, bất cập. Đó là ruộng đất không tập trung, sản xuất manh mún và không đồng đều dẫn đến việc bố trí nguồn lực sản xuất không tập trung, khó khăn trong việc áp dụng KHCN và cơ giới hóa. Bên cạnh đó là bất cập về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp. Trong đó, tài sản hình thành trên đất nông nghiệp của các dự án nông nghiệp ứng dụng CNC như nhà kính, nhà lưới, nhà xưởng, trang thiết bị… đầu tư lớn nhưng lại không được chứng nhận là tài sản đảm bảo để vay vốn. Hơn nữa, hiện nay chưa có cơ chế đảm bảo được quyền lợi giữa DN và người sản xuất, bảo vệ hợp đồng, sự tuân thủ giữa DN và người dân khi liên kết đầu tư và bao tiêu đầu ra cho nông dân.

Đặc biệt, thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích, thúc đẩy DN đầu tư vào phát triển nông nghiệp, ứng dụng CNC, tuy nhiên sự tiếp cận của các DN trên thực tế vẫn còn ít. Thực tế còn nhiều rào cản, khó khăn về thủ tục hành chính cũng như hiệu quả thực thi đồng bộ của các văn bản. Đồng thời thiếu chính sách bảo hiểm nông nghiệp, đặc biệt cho nông nghiệp ứng dụng CNC với chi phí đầu tư lớn.

Liên quan tới gói tín dụng 100.000 tỷ đồng hỗ trợ phát triển nông nghiệp CNC, đến nay đã có 10 tổ chức tín dụng đăng ký tham gia với số vốn 120.000 tỷ đồng. Hiện nay Bộ NN&PTNT đang phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để triển khai hiệu quả gói tín dụng.

Phát biểu tại hội thảo ông Cao Đức Phát - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế T.Ư khẳng định, trong những năm qua, ngành nông nghiệp có tăng trưởng khá cao, tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2011 - 2015 đạt bình quân 3,5%. Chất lượng nông sản ngày càng được cải thiện, tỷ lệ DN đầu tư vào nông nghiệp tăng, trong đó nhiều DN đã đầu tư vào ứng dụng CNC trong nông nghiệp. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, thách thức, hiệu quả sản xuất còn hạn chế. Phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC còn chậm do những bất cập, rào cản về đất đai, thị trường, vốn. Chính vì vậy, hội thảo là cơ hội để trao đổi kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp chất lượng, bền vững, ứng dụng CNC tại Việt Nam.

Theo các đại biểu, cần rà soát, sửa đổi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ứng dụng CNC trong nông nghiệp theo hướng cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho DN và người dân tiếp cận chính sách. Đồng thời, sửa đổi Luật Đất đai, tháo gỡ pháp lý để tập trung ruộng đất cho sản xuất quy mô lớn, hoàn thiện văn bản hướng dẫn việc cấp giấy chứng nhận DN nông nghiệp ứng dụng CNC. Ngoài ra, ban hành các chính sách ưu đãi đầu tư vào nông nghiệp một cách cụ thể, thiết thực, khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp.

Theo số liệu cập nhật đến tháng 3/2017, cả nước có 15 dự án ứng dụng CNC trong lĩnh vực nông nghiệp đang được Nhà nước hỗ trợ với tổng số vốn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước trên tổng số vốn đối ứng từ DN là 156,3/284,5 tỷ đồng. Số liệu thống kê chưa đầy đủ của Bộ NN&PTNT cho thấy, trong vòng 8 tháng (từ tháng 6/2016 - 2/2017), đã có 25 dự án của các DN đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC với tổng số vốn hơn 21.200 tỷ đồng.