Doanh nghiệp là hạt nhân phát triển chăn nuôi bền vững

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ NN&PTNT cần có chiến lược phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong đó, lấy DN làm “hạt nhân”, coi đây là động lực chính để phát triển ngành chăn nuôi hiệu quả, bền vững. Đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị Chiến lược Phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020 – 2030, tầm nhìn 2040, do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 15/9. Tới dự hội nghị còn có Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu, đại diện một số bộ ngành, địa phương, các tổ chức, DN…

Chăn nuôi bò sữa tại xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì. Ảnh: Hải Linh
Sinh kế của hơn 6 triệu nông hộ
Theo Bộ NN&PTNT, Chiến lược Phát triển chăn nuôi được triển khai thực hiện từ năm 2008 đến nay đã góp phần quan trọng hoàn thiện hệ thống pháp luật; phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất, công nghệ và nguồn nhân lực, đưa chăn nuôi Việt Nam phát triển và từng bước hội nhập. Nhiều lĩnh vực chăn nuôi đã có được vị thế cao trong khu vực và trên thế giới. Đơn cử như: Chăn nuôi lợn đứng thứ 5 về đầu con, thứ 6 về sản lượng; đàn thủy cầm đứng thứ 2 thế giới; năng suất bò sữa và sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp đứng số 1 khu vực Đông Nam Á… Một số sản phẩm chăn nuôi đã khẳng định được giá trị thương hiệu và xuất khẩu thành công như: Thịt lợn choai, lợn sữa, trứng muối, mật ong, tổ yến, tơ tằm, sữa và các sản phẩm từ sữa. Cùng với trồng trọt, chăn nuôi đã tạo sinh kế cho 6 – 6,5 triệu nông hộ, góp phần thay đổi diện mạo khu vực nông thôn.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, việc triển khai có hiệu quả Chiến lược Phát triển chăn nuôi thời gian qua có ý nghĩa lớn nhất là giúp hình thành hệ sinh thái đầy đủ cho ngành chăn nuôi phát triển theo hướng hiện đại. Mặc dù vậy, khó khăn chưa phải đã hết. Tốc độ phát triển lĩnh vực chăn nuôi mặc dù tương đối nhanh, nhưng còn mất cân đối. Thịt lợn hiện vẫn chiếm tỷ trọng quá cao dẫn đến nguy cơ rủi ro trong sản xuất – tiêu thụ. Ngành chăn nuôi mới làm tốt khâu sản xuất, trong khi chế biến và tiêu thụ thì còn rất yếu. Đặc biệt, sản phẩm chăn nuôi phục vụ xuất khẩu còn rất hạn chế… Trong giai đoạn tới, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, ngành chăn nuôi phải đi đầu trong nền kinh tế tuần hoàn. Chú trọng áp dụng công nghệ mới nhất trong từng ngành hàng. Đặc biệt, phải hướng tới mục tiêu xuất khẩu, lấy đây là áp lực cần thiết, để từng ngành hàng quay lại tái cơ cấu theo hướng có chủ đích.

Hiện đại hóa chăn nuôi là đòi hỏi cấp thiết

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, từ những năm 1960, với chủ trương đưa ngành chăn nuôi thành lĩnh vực chính, Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ. Đặc biệt, Chiến lược Phát triển chăn nuôi giai đoạn 2008 – 2018 là một trong những chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực đầu tiên được Chính phủ phê duyệt.

Thẳng thắn chỉ ra nhiều hạn chế của ngành chăn nuôi trong giai đoạn phát triển đã qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh nhiều hơn đến thời cơ, vận hội. “Chủ trương phát triển nông nghiệp toàn diện, hiện đại luôn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành quan tâm. Luật Chăn nuôi đã được Quốc hội thông qua là hành lang pháp lý quan trọng để phát triển bền vững ngành chăn nuôi Việt Nam trong thời gian tới” – Phó Thủ tướng nêu rõ. Để phát triển ngành chăn nuôi trong giai đoạn tới, Bộ NN&PTNT đã xây dựng dự thảo chiến lược cho giai đoạn 2020 – 2030. Theo đánh giá của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, đây là chiến lược được xây dựng khá công phu, bài bản, khoa học, kỹ lưỡng và có chất lượng. Theo đó, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ NN&PTNT khẩn trương hoàn thiện, sớm trình Chính phủ xem xét, thông qua.

Đối với nhiệm vụ, giải pháp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu ngành NN&PTNT cần phát triển chăn nuôi gắn với nhu cầu thị trường, tránh đầu tư theo phong trào, thiếu chiến lược và kế hoạch. Phát triển ngành bảo đảm năng suất, chất lượng, gắn với bảo vệ môi trường, an toàn dịch bệnh. Muốn vậy, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ NN&PTNT cần xác định phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ở đó, chú trọng phát triển các DN chăn nuôi làm “hạt nhân”, coi đây là động lực chính để thúc đẩy chăn nuôi hiệu quả, bền vững.

Liên quan đến Dự thảo Chiến lược Phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020 – 2030 của Bộ NN&PTNT, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho rằng, trong 10 nhóm giải pháp được đề cập trong Chiến lược thì “Hoàn thiện các nhóm chính sách phát triển chăn nuôi” cần được đặt lên hàng đầu. Đây chính là giải pháp quan trọng nhất nhằm tạo đà phát triển chăn nuôi công nghệ cao, sơ chế chế biến sâu, chăn nuôi phát triển hiệu quả, bền vững. Bên cạnh đó, “Tăng cường năng lực quản lý Nhà nước ngành chăn nuôi, thú y” cũng cần được chú trọng nhằm triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Chính phủ.