Doanh nghiệp lớn chào sàn, chứng khoán thăng hoa

Đinh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ đầu năm 2017 đến nay, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam liên tục đón một lượng "hàng khủng" và tốt của nhiều DN từ lớn đến bé.

Mặc dù chịu ảnh hưởng bởi nhiều thay đổi trong các chính sách chính trị, kinh tế - xã hội của nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới nhưng TTCK Việt Nam không những không rung lắc mà còn thăng hoa, VN Index liên tục thiết lập nhiều đỉnh mới.

Nhiều doanh nghiệp tỷ đô

Từ đầu năm đến nay, hàng loạt DN chào sàn trên cả 3 sàn TP Hồ Chí Minh (HoSE), Hà Nội (HNX) và giao dịch chứng khoán của các công ty đại chúng chưa niêm yết (Upcom). Đặc biệt, sự tham gia của các DN tỷ đô như Vietjet Air, Vietnam Airlines... đã kéo giá trị vốn hóa của TTCK tăng vọt.

Cuối tháng 2, 300 triệu cổ phiếu Vietjet chào sàn với mức giá phiên đầu tiên là 90.000 đồng/cổ phiếu. Ngay trong ngày đầu niêm yết, giá trị vốn hóa của Vietjet đã đạt 27.000 tỷ đồng, xấp xỉ 1,2 tỷ USD (bằng khoảng 1,5% vốn hóa của sàn HoSE).

Việc các doanh nghiệp lớn như Vietjet Air lên sàn giúp cho thị trường chứng khoán Việt khởi sắc. Ảnh: Công Hùng

Trước đó, 2 DN khác là Vietnam Airlines và Masan Consumer cũng gia nhập sàn Upcom. Tới đây, dự kiến ngày 21/4, một “ông lớn” khác là Petrolimex sẽ chính thức chào sàn HoSE. Ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch HĐQT Petrolimex cho biết, mức giá chào sàn của cổ phiếu này sẽ không thấp hơn mức giá chào bán cho cổ đông chiến lược JX Nippon Oil & Energy Corporation (khoảng 39.000 đồng/CP).

Bên cạnh đó, thời gian qua, việc cổ phần hóa, thoái vốn DN Nhà nước cũng góp phần khién TTCK thêm sôi động. Tại phiên đấu giá cổ phần Công ty TNHH MTV Thống Nhất mới đây, 100% số cổ phần đưa ra chào bán đã được bán hết với tổng giá trị đạt hơn 31,5 tỷ đồng, cao hơn 1,1 tỷ đồng so với mức giá khởi điểm.

Theo đại diện Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), việc phát hành cổ phiếu lần đầu và niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán của các DN lớn cùng với sự phục hồi của nền kinh tế và khả năng mở room (tỷ lệ sở hữu) của nhà đầu tư nước ngoài, sự đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa, thoái vốn DN Nhà nước… sẽ là nhân tố tác động mạnh tới thị trường trong năm 2017.

Xu hướng tích cực chiếm ưu thế

Theo thống kê, trong quý I/2017, VnIndex tăng 8,64%; HNX Index gây ấn tượng hơn với mức tăng 13,35% và Upcom Index tăng 6,84%. Trên cả 3 sàn, số mã giữ giá và tăng điểm lên tới 745, chiếm tỷ trọng 66% cổ phiếu trên toàn thị trường. Số mã tăng trưởng dưới 10% là 351, tương ứng tỷ trọng 31%. Mức tăng trưởng từ 0 – 10% phù hợp với mức tăng của thị trường chung mà số đông nhà đầu tư đạt được. Số mã tăng trưởng từ 10% trở lên là 394, tương đương hơn 1/3 mã chứng khoán trên toàn thị trường, tức là cứ 10 cổ phiếu trên sàn thì có 3 cổ phiếu mua là lãi hơn gửi tiết kiệm cả năm.

Đáng chú ý, số mã có mức tăng trưởng trên 30% - con số vượt trội hoàn toàn so với thị trường chung lên tới 143, chiếm tới 13% số mã giao dịch trên 3 sàn. Nhiều mã chứng khoán tăng kỷ lục. Đơn cử, ngày 3/4, HPG tăng mạnh lên mức cao nhất kể từ khi cổ phiếu này niêm yết, lên mức 31.950 đồng/cổ phiếu với khối lượng khớp lệnh đạt gần 4,5 triệu cổ phiếu. Các cổ phiếu khác như SHB, STB, VIC... cũng có mức tăng ngoạn mục. Sự tăng trưởng của các cổ phiếu này trước hết đến từ việc làm ăn hiệu quả của chính bản thân DN. Ngoài ra, kinh tế phục hồi, ảnh hưởng chung của sự hưng phấn của thị trường cũng là nguyên nhân khiến nhiều cổ phiếu thăng hoa.

Đánh giá về xu hướng của TTCK thời gian tới, theo ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn Đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank KimEng (MBKE), xu hướng tích cực vẫn sẽ chiếm ưu thế một khi dòng tiền vẫn đang duy trì mạnh như hiện nay và vẫn đang có xu hướng tăng dần. Đặc biệt, trong tháng 4, kết quả kinh doanh quý I sẽ được nhiều DN công bố và đang được dự báo sẽ là tích cực. Bên cạnh đó, đang là mùa đại hội cổ đông sẽ càng có thêm nhiều thông tin tích cực từ phía DN. Ngoài ra, nền kinh tế vẫn tiếp tục có sự tăng trưởng tốt sẽ hỗ trợ cho TTCK, chứng khoán tiếp tục duy trì xu hướng tăng điểm.

Trong quý I, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đã tổ chức 4 phiên đấu giá thoái vốn Nhà nước tại Công ty CP Bất động sản Dầu khí Việt Nam, Xi măng Tuyên Quang, Lâm đặc sản Xuất khẩu Quảng Nam và Công ty CP Dịch vụ Du lịch Đường sắt Hà Nội. Kết quả, đã có hơn 7,8 triệu cổ phần trúng giá (đạt 100% so với khối lượng chào bán), thu về cho Nhà nước hơn 114,7 tỷ đồng, cao hơn 39,9 tỷ đồng so với giá khởi điểm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần